Không chỉ có bản kinh, chùa Trúc Lâm hiện còn lưu giữ hai tự khí là những hiện vật gốm đặc biệt quý giá. Vật thứ nhất là chiếc lư đốt trầm gắn liền với phần đế bên dưới, nhiều chỗ đắp nổi, có minh văn theo phong cách gốm sứ thời Mạc, được cho là tráng men Tam Thái (ngà, trắng và xanh), cao khoảng 32cm, đường kính 22cm. Những minh văn còn ghi rõ chiếc lư được sản xuất vào thời Lê niên hiệu Chính Hòa (1680-1704), là tự khí của chùa Bảo Sơn (phủ Từ Sơn, huyện Đông Ngạn, tỉnh Bắc Ninh). Nhiều tài liệu cho hay lư trầm này được Thượng thư Hồ Đắc Trung, cha của sư bà Diệu Không, đem từ Thanh Hóa vào dâng cúng cho nhà chùa.

Đặc biệt hơn cả có lẽ là chiếc bình bát bằng chu sa, được xem là của dâng tặng hòa thượng Thạch Liêm – Thích Đại Sán, tác giả cuốn sách Hải ngoại ký sự nổi tiếng. Sư ông Đại Sán người Giang Tây (Trung Quốc), được chúa Nguyễn Phúc Chu mời từ Quảng Đông về giúp nhà chúa xây dựng triều đình rất hợp lòng dân. Chiếc bình bát này là một trong những vật nhà chúa dâng tặng với lòng thành.

Hòa thượng Thích Lưu Hòa, trụ trì chùa Trúc Lâm, cho biết bản thêu kinh Kim Cương, lư trầm và bình bát chu sa được nhà chùa coi sóc đặc biệt cẩn trọng, chú ý gìn giữ với ý thức là những pháp bảo không chỉ riêng nhà chùa mà còn là pháp bảo của cả Phật giáo Huế.

Loading...