Chùa Linh Thứu có tên đầy đủ là Sắc Tứ Linh Thứu, thường được gọi là chùa Sắc tứ, tọa lạc gần chợ Xoài Hột, xã Thạnh Phú, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang. Đây là một ngôi chùa cổ, đã từng được vua Gia Long ban sắc.

Lịch sử hình thành chùa

Tiền thân của chùa là một am nhỏ, do bọn trẻ chăn trâu dựng nên vào đầu thế kỷ XVIII, gọi là chùa Mục Đồng. Năm 1722, có một nhà sư từ miền Trung vào tên là Nguyễn Phước Chánh, pháp hiệu là Nguyệt Hiện đến trụ trì. Sư Nguyệt Hiện ng rất giỏi thuật phong thủy, sau khi xem xét thế đất ông cho rằng chùa được dựng trên mạch suối rồng, ắt sẽ có chơn mạng đế vương đến ngự, từ đó đổi tên chùa thành Long Tuyền – 龍泉, nghĩa là Suối Rồng.

Tương truyền, sau khi Nguyễn Ánh bị quân Tây Sơn đánh bại tại Rạch Gầm – Xoài Mút (1785), ông đã bỏ thuyền lên bờ chạy trốn. Bị truy đuổi ráo riết, ông phải chạy vào chùa Long Tuyền lánh nạn trong chiếc chuông đồng (đại hồng chung). Quân Tây Sơn kéo đến xô mãi mà chuông không lay động đành bỏ đi tìm nơi khác, nhờ đó Nguyễn Ánh thoát nạn.

Năm 1802, sau khi dẹp được nhà Tây Sơn, Nguyễn Ánh lên ngôi vua lấy hiệu là Gia Long. Năm 1811, nhớ lại ngôi chùa đã từng cứu mạng mình nên vua Gia Long ra sắc chỉ đặt lại tên chùa là Long Nguyên tự – 龍原寺, nghĩa là chùa Bãi Rồng, và phong cho hoà thượng Nguyệt Hiện là Mẫn Huệ Thiền sư Đại lão hoà thượng, cấp ruộng đất, 10 người dân phu cho chùa và xem đây như là chùa của nhà vua.

Năm 1841, vua Thiệu Trị cho đổi tên chùa thành Linh Thứu tự – 霛鷲(驚)寺. Linh Thứu theo tiếng Phạn là Kỳ Xà Quật, tên của một ngọn núi ở phía Nam núi Chhatha, thuộc thành phố Rajgir, tiểu bang Bihar, Ấn Độ, cách Bồ Đề Đạo Tràng 70 km, cách Đại Học Nalanda 11 km về hướng Tây Nam. Đây là nơi mà Đức Phật Thích Ca Mâu Ni thường thuyết pháp khi xưa.

Loading...

Chùa được trùng tu nhiều lần dưới thời hoà thượng Chánh Hậu (cuối thế kỷ XIX) và các ni sư Như Nghĩa, Thông Huệ và Như Chơn.

Chánh điện chùa được bài trí trang nghiêm, chùa còn bảo tồn nhiều pho tượng cổ, đại hồng chung (năm 1745), các bao lam chạm trổ công phu và nhiều câu đối có ý nghĩa Phật pháp. Năm 2009, chùa có kế hoạch trùng tu, thay mới mái ngói ở chánh điện.

Các đời trụ trì chùa

  •  Hoà Thượng Nguyệt Hiện (1722 – 178)
  • Hoà Thượng Trí Huệ (1789 – 1811)
  • Hoà Thượng Thoại Lâm (1811 – 1832)
  • Hoà Thượng Huệ Thắng (1832 – 1854)
  • Hoà Thượng Liễu Kim (1854 – 1869)
  • Hoà Thượng Trí Hoàng (1869 – 1880)
  • Hoà Thượng Chánh Hậu (1880 – 1897)
  • Hoà Thượng Chí Thành (1897 – 1923)
  • Giáo Thọ Chơn Huệ (1923 – 1935)
  • Hoà Thượng Thành Đạo (1935 – 1951)

Đến 1951 chùa Sắc Tứ trở thành chùa Ni, tiếp tục trải qua các đời trụ trì:

  • Ni trưởng Như Nghĩa.
  • Ni trưởng Thông Huệ.
  • Ni trưởng Như Chơn
  • Ni sư Thích Nữ Như Quang
  • Ni Sư Thích Nữ Như Mình

Loading...