Độ nhân không chỉ là một kiểu giáo huấn, cảnh tỉnh mà đồng thời là một kiểu truyền cảm. Đạo độ nhân chân chính không chỉ cần điểm hóa và khai thị bằng ngôn ngữ mà còn cần cảm hóa và khơi gợi bằng hành vi. Có những lúc sức mạnh của ngôn ngữ là mong manh có hạn còn trong hành vi có thể biểu hiện ra cảnh giới thực sự của Phật. Có thể khiến con người vô hình trung cảm nhận được lời kêu gọi của Phật pháp, lĩnh ngộ được ý nghĩa thực sự của trí tuệ.
Trong giáo dục có “Ngôn truyền thân giáo” (truyền thụ bằng ngôn ngữ, giáo dục bằng chính bản thân) chính là đạo lý này.
Khi Phật độ nhân biểu hiện rõ tâm từ bi cực lớn, người thường dùng hành động thực tế của mình độ thoát chúng sinh khỏi biển khổ.
Phật sinh ở Ấn Độ cổ, sau khi thành Phật đi du hóa bốn phương, minh họa thể hiện chân lý nhân sinh, quảng thuyết Phật pháp, giáo hóa vô số đệ tử. Người giống như người cha hiền từ, cũng giống như ngọn đèn sáng giữa đêm đen. Một hôm, Đức Phật tự mình đi tuần thị các phòng của đệ tử thấy có một vị Tỳ kheo nằm trên giường liền hỏi: “Thân thể ngươi có khỏe mạnh không, trong lòng ngươi có phiền não không?”
Tỳ kheo này muốn cung kính lễ bái đức Thế tôn, gắng sức muốn nhổm người dậy, nhưng do quá mệt mòi không còn sức, nên không cách nào dậy được. Thế tôn thấy vậy, xót thương tới bên cạnh Tỳ kheo an ủi hỏi: “Ngươi làm sao bệnh nặng thế này mà không người chăm sóc?”
Tỳ kheo nói: “Từ ngày xuất gia đến nay, con sinh tính lười biếng, nhìn thấy người bệnh chưa từng để tâm chăm sóc người khác, thế nên nay tự mình bị bệnh, cũng không có ai muốn tới quan tâm trước, con thực là hổ thẹn!”
Phật sau khi nghe xong, tự mình dọn sạch những chất bài tiết của Tỳ kheo, quét dọn phòng Tỳ kheo sạch sẽ. Khi đó trời Đế Thích thấy lòng từ tâm của Phật, cũng tới dùng nước tắm rửa cho Tỳ kheo, còn Đức Phật cũng dùng tay nhẹ nhàng vuốt ve Tỳ kheo. Chốc lát Tỳ kheo thân tâm an ủi, toàn thân dễ chịu, mọi đau khổ đều bỗng chốc biến hết sạch. Lúc này Phật nói với Tỳ kheo: “Ngươi xuất gia đến nay đều là vì trốn tránh, không mong cầu lìa xa sinh tử, giải thoát phiền não, nên thân mới nhiễm bệnh khổ, hi vọng sau ngày hôm nay ngươi dụng công tinh tiến.”
Khi Tỳ kheo nghe xong bèn thành tâm đỉnh lễ sám hối Phật: “Thưa Đức Phật, nhờ sự thăm nom và phước lành của người, nếu như không được Phật quang phổ chiếu, nhiếp thụ từ bi thì e rằng đệ tử sớm đã mất mạng, luân hồi lục đạo rồi. Đệ tử từ hôm nay phát tâm lớn, cầu học Phật đạo, phổ độ những người lạc lối.”
Tỳ kheo vì chân thành sám hối, hơn nữa tinh cần học đạo, sau này chứng quả A La Hán. Hành động không sợ gian khổ, không tránh dơ bẩn của Đức Phật đã làm Tỳ kheo cảm động, làm cho ông từ trong nội tâm sâu thẳm sinh ra một sức mạnh hướng Phật vô biên, chính sức mạnh đó đã thúc đẩy ông tu thành chính quả.
Bài thơ “Xuân dạ hỉ vũ” của Đỗ Phủ viết: “Hảo vũ tri thời tiết, đương xuân nãi phát sinh, tùy phong tiềm nhập dạ, nhuận vật tế vô thanh.” Đây chính lả sự biểu đạt đẹp đẽ nhất về đạo giáo dục. Giáo dục đích thực hài hòa có hiệu quả nhất định phải có điểm gốc từ quan niệm “lấy mình lâm gương”, nó không phải là cách truyền đạt ép buộc một quan điểm, tri thức, cách nghĩ mà cũng không phải là cái khung đã được định sẵn để đưa người được giáo dục vào đó, mà phải dựa vào chính hành động từ bản thân người truyền cảm, người khuyến khích, người khơi gợi để người được giáo dục phát hiện ra mình, hoàn thiện mình, phát triển mình. Sự giáo dục vĩ đại nhất không có tiếng nói, sức mạnh của nó cũng giống như là mưa xuân trong bài thơ của Đỗ Phủ, tưới nhuần vạn vật mà nhỏ bé đến không có âm thanh.