Thông thường, rất nhiều người trong chúng ta nghĩ rằng một người giàu có thường là người hạnh phúc, hay ít ra, họ dễ có cuộc sống hạnh phúc hơn người khác. Vì tin như thế, trong cuộc sống, chúng ta lao vào làm giàu và làm giàu không mệt mỏi để thực hiện khát vọng hạnh phúc của mình. Thế nhưng, kết quả nghiên cứu trong nhiều năm qua cho thấy rằng, sự thật không hẳn như vậy.
Trong một nghiên cứu ở Mỹ, Easterbrook (2003) cho thấy rằng mặc dù với thu nhập cao hơn, các dịch vụ y tế tiện nghi hơn và giáo dục ngày càng tốt hơn so với những năm trước, người ta vẫn cảm thấy rằng họ kém hạnh phúc hơn trước. Như vậy, sự giàu có về của cải vật chất là yếu tố cần thiết để duy trì cuộc sống cho tất cả con người chúng ta, nhưng nó không đủ để đảm bảo một cuộc sống hạnh phúc.
Người kỳ công nghiên cứu trong nhiều thập niên về lĩnh vực này là Easterlin. Trong một thời gian dài (từ năm 1974 đến năm 2003), Easterlin đã thực hiện 30 nghiên cứu thống kê ở 19 nước và đi đến kết luận rằng, khi những nhu cầu căn bản như ăn, mặc, ở và y tế được đáp ứng, sự giàu có không liên quan đến mức độ hạnh phúc trong cuộc sống. Kết quả các nghiên cứu này tưởng chừng khó tin đối với nhiều người trong chúng ta khi kết luận rằng sự giàu có không đảm bảo cho chủ nhân nó một đời sống hạnh phúc.
Tại sao giàu có chưa chắc đã hạnh phúc?
Một số nghiên cứu khác cũng đưa ra kết quả tương tự và cố gắng tìm nguyên nhân để lý giải tại sao người lắm tiền nhiều của lại không có hạnh phúc. Theo nghiên cứu của Argyle (1999), những người giàu thường có ham muốn giàu có hơn và chính lòng ham muốn ấy làm cho họ ít được hạnh phúc trọn vẹn và bền vững.
Duesenberry (1949) làm một cuộc khảo sát, lấy ý kiến trong công chúng ở Mỹ vào thập niên 40 của thế kỷ XX, kết luận rằng những người có thu nhập cao có động cơ phải có thu nhập cao hơn nữa mới có thể làm cho những người thân trong gia đình hạnh phúc. Đồng thời, họ cũng có tâm lý bất an thường trực trong tâm, khi đồng hóa chính bản thân mình với của cải vật chất và bao phủ mình với những thứ hào nhoáng bên ngoài để tạo hình ảnh giàu có trong mắt người khác.
Veblen (1967) thực hiện một nghiên cứu và kết luận rằng, người giàu có coi việc tiêu xài là một tiêu chí để xác định vị trí xã hội của mình. Vì sĩ diện, sự cạnh tranh trong mua sắm và chi xài của những người có thu nhập cao cũng tạo nên tâm lý không bình an cho những người dư ăn dư để này. Mấy thập niên sau, trong một thống kê của mình, Schor (1998) cho thấy rằng, hơn nửa dân số Mỹ, nơi số lượng người giàu có nhiều nhất thế giới, nói rằng họ không thể nào thỏa mãn được mọi thứ họ cần và họ cảm thấy không có hạnh phúc trọn vẹn vì cảm giác “chưa đủ” này.
Những công trình nghiên cứu được trưng dẫn ở trên cho chúng ta một kết luận thuyết phục rằng, sự giàu có không đủ để đảm bảo một cuộc sống bình an và hạnh phúc. Với mớ của cải vật chất dù rất nhiều trong tay, người giàu vẫn cảm thấy không hạnh phúc. Trong khi người nghèo thiếu hạnh phúc vì các nhu cầu căn bản để duy trì sự sống chưa được thỏa mãn, người giàu, những tưởng họ hạnh phúc vì lắm tiền của, thì lại khổ vì lòng mong cầu không biết đủ.
Chính lòng ham muốn làm cho con người khổ. Đây là “căn bệnh” khó chữa và nếu để tâm lý này phát triển tự nhiên, nó sẽ không có giới hạn mà ta quen gọi là “lòng tham vô đáy”. Người bị tâm tham thúc bách không thể nào nếm được hương vị hạnh phúc thật sự dù sống trên cả núi vàng. Ham muốn của con người là muôn thuở và không bao giờ được thỏa mãn và chính tâm lý không thỏa mãn làm con người cứ mãi khổ đau và bất an. Chỉ khi nào ý thức được hạnh phúc tỷ lệ nghịch với lòng ham muốn, con người mới biết cách tạo dựng hạnh phúc cho mình.