Tổ Đình chùa Vạn Phước toạ lạc trên đỉnh núi Bình An, thuộc phường Trường An, thành phố Huế. Chùa Vạn Phước quay mặt về hướng Tây Nam, xa xa có núi Thiên Thai làm tiền án, phía trước có khe suối Tiên quanh năm nước chảy trong xanh, phía sau có ngọn Hàm Long làm hậu chẫm. Là nơi “ Đạo mạch khai quang, xương long Phật Tổ”.

Lịch sử hình thành và phát triển chùa Vạn Phước

Chùa Vạn Phước được phá thạch khai sơn vào năm Thiệu Trị thứ 5 (1845), ban đầu chỉ là một ngôi thảo am nhỏ, do Ngài Hải Nhận hiệu Lương Tri dựng để tĩnh tu. Về sau, vào năm Tự Đức nguyên niên (1847), thảo am trở thành chùa hiệu là Phổ Phúc Tự, do Ngài Hải Mẫn hiệu Quang Đức làm Trú trì. Trong thời gian này chùa đã cung chứ Tượng Đức Bổn Sư liên hoa toạ, thủ ấn Cam lồ. Tượng cao 1m10, toà sen cao 0m75. Tượng được cung chú bằng nan tre, sơn son thếp vàng rất đẹp và được bảo quản cho đến ngày nay là một pháp bảo quý hiếm của chùa và của Phật giáo Huế. Năm Duy Tân nguyên niên (1907), khi cụ Chánh đội Nguyễn Thông Mẫn làm Hội chủ, cụ đã cùng một số Phật tử trong Cung phát tâm cung chú đại hồng chung và bảo chúng

Đến năm Canh Tuất (1910), khi Ngài Hải Mẫn đã viên tịch, thể theo lời Thỉnh mời của Chùa Phổ Phúc, Sơn Môn Tăng già cử Ngài Tâm Cảnh hiệu Giác Hạnh, là đệ tử của Ngài Thanh Ninh – Tâm Tịnh, Tổ Sư Khai Sơn Tổ Đình Tây Thiên về làm Trụ trì và cụ Nguyễn Đình Hoè, Pháp danh: Trừng Phước, hiệu Quang Lộc làm Hội chủ.

Vào năm Bính Thìn (1916), trên cương vị Trú trì Ngài Giác Hạnh đã mở cuộc Đại trùng tu và đổi tên Chùa Phổ Phúc thành “Vạn Phước Di Đà Tự”, nhằm xiển dương Pháp môn Thiền – Tịnh song tu mà Bổn Sư của Ngài đã khởi xướng ở Tây Thiên Phật cung. Nhân dịp này, Triều đình nhà Nguyễn và Hoàng Thái Hậu Từ Cung đã Phê duyệt tấu chương của Thượng thư Nguyễn Đình Hoè, cho cung thỉnh Ba Pho Tượng Phật Tam Thế của Chùa Giác Hoàng đang cất giữ tại Diệu Đế Quốc Tự về Phụng thờ tại Chùa Vạn Phước.

Năm Nhâm Thân (1932), Hội An Nam Phật học ra đời, trụ sở của Hội được đặt tại chùa Từ Đàm, và năm 1933 thì Trường Sơ Đẳng Phật học đầu tiên của Hội được mở tại Chùa Vạn Phước (tiền thân của Phật Học Viện Báo Quốc), do Thiền sư Thích Mật Khế làm Hiệu trưởng.

Loading...

Năm Ất Hợi (1935), vào ngày rằm tháng bảy, cụ Hồng Lô Tự Thiếu Khanh Tôn Thất Bằng, Pháp danh: Nguyên Thanh, tự: Hồng Liên và một số Phật tử trong cung đã phát tâm cung chú đại hồng chung, với trọng lượng 250kg. (quả hồng chung này về sau được thỉnh sang chùa Vạn Phước Quan Âm).

Vào ngày mồng 07 tháng 12 năm Đinh Sửu (1937), thể theo tấu chương của Thượng thư Phạm Quỳnh, Triều đình nhà Nguyễn đã ban Sắc phong chùa là: “Sắc Tứ Vạn Phước Tự” và Sắc phong Tổ sư Giác Hạnh là Sắc tứ Tăng Cang.

Với đức độ của Ngài Giác Hạnh, sự kính ngưỡng và hộ trì của Thượng thư Phạm Quỳnh, Thượng thư Phạm Liệu…nên vào năm Canh Thìn (1940), ngôi Chùa Vạn Phước được Đại trùng tu lần thứ hai, với kiểu Chùa truyền thống Huế, dù kết cấu xây dựng bằng bê tông cốt sắt nhưng chùa vẫn đảm bảo tính mỹ thuật và trang nghiêm cổ kính. Từ đó Tổ sư Giác Hạnh đã giao chức vụ Trú trì cho Ngài Nguyên Quang – Tâm Hảo hiệu Huyền Khánh, là vị trưởng Pháp tử của Tổ sư kế vị Trú trì. Dưới thời Ngài Tâm Hảo, vào năm 1945 có Phật tử Võ Văn Cang, Pháp danh: Nguyên Lưu hiến cúng ngôi Tượng Đức Phật Di Đà bằng đồng cao 3m, thờ tại chánh điện của chùa. Lễ cung chú và rót đồng đúc tôn tượng vào chiều ngày 30 tháng 08 năm 1945. Pho tượng này đã được xác lập kỷ lục guiness là “ Pho tượng Phật A Di Đà bằng đồng thờ trong chánh điện cao nhất Việt Nam”, kỷ lục được xác lập vào ngày 05.05.2008.

Năm Giáp Ngọ (1954), Chùa được trùng tu thêm một lần nữa, và lấy biển hiệu là: “Sắc Tứ Vạn Phước Di Đà Tự”. Năm Tân Sửu (1961), Hoà thượng Tâm Hướng cho xây dựng Tam quan. Năm Bính Ngọ (1966), Ngài Giác Hạnh đã cử Ngài Nguyên Nguyện – Tâm Hướng hiệu Huyền Luận kế vị Trú trì và Đại đức Nguyên Truyền – Tâm Thọ hiệu Huyền Phong làm Tri sự.

Với Ngài Giác Hạnh, ngoài việc tiếp Tăng độ chúng, Ngài lại có một hoằng nguyện, cứ 10 năm thì Cung chú một Tượng Phật hoặc Bồ-tát, nên vào năm 61 tuổi (1940), Ngài chú ngôi Tượng Thích Ca đản sanh; Năm 71 tuổi (1950), Ngài chú Tượng Đức Phật Dược Sư; Năm 81 tuổi (1960), Ngài chú Tượng Bồ-tát Quán Thế Âm; Năm 91 tuổi (1970), Ngài  chú Tượng Bồ-tát Chuẩn Đề; Năm 101 tuổi (1980), Ngài chú Tượng Bồ-tát Địa Tạng. Đến năm sau, vào ngày mồng 10 tháng 07 năm Tân Dậu (1981), Ngài đã An nhiên Thị tịch Tại Tổ Đình chùa Vạn Phước – Huế, thọ 102 tuổi đời và 74 hạ lạp.

Năm Nhâm Tý (1972), vào ngày rằm tháng giêng, gia đình cụ Thái Văn Sáu, Pháp danh: Nguyên Chơn, tự: Tâm Thành đã phát tâm cung chú quả Đại Hồng Chung lớn hơn, với trọng lượng trên 500kg. Lễ rót đồng đặt dưới sự Chứng Minh của Chư Tôn Trưởng lão Hoà thượng trong Hội Đồng Lưỡng Viện GHPGVN Thống Nhất.

Năm Qúy Dậu (1993), vì tuổi cao sức yếu, Ngài Tâm Hướng đã đề cử Pháp đệ của Ngài là Thượng toạ Nguyên Truyền – Tâm Thọ hiệu Huyền Phong làm Trụ trì. Kể từ năm 1966 cho đến ngày nay, trên cương vị Tri sự, rồi Trụ trì Tổ Đình Vạn Phước – Huế, Hoà thượng Tâm Thọ đã tiếp tục sự nghiệp của Chư Tổ, lo tiếp Tăng độ chúng, trùng hưng và xây dựng Tổ Đình. Một số công trình đã được Hoà thượng sửa sang và xây dựng mới làm cảnh quang Tổ Đình ngày thêm quang huy, xán lạn.

Như vậy, kể từ khi Ngài Hải Nhận – Lương Tri chấn tích Khai sơn Am Phổ Phúc cho đến nay đã hơn 160 năm. Và kể từ khi Tổ Sư Tâm Cảnh hiệu Giác Hạnh khai kiến Tổ Đình Vạn Phước – Huế đến nay cũng đã gần 100 năm. Trong suốt thời gian ấy, cứ mỗi giai đoạn lịch sử, Tổ Đình Vạn Phước đã đóng một vai trò hết sức quan trọng trong sứ mệnh “Phụng sự Đạo Pháp và Dân tộc” để tiếp tục sự nghiệp “ Hoằng Pháp lợi sanh” của Lịch đại Tổ sư, hiện nay hơn 100 Tăng – Ni là đệ tử của Tổ Đình đang du hoá từ Bắc vào Nam và Hải ngoại, đã Khai sơn, trú trì gần 20 ngôi chùa lớn nhỏ với hàng nghìn Phật tử đang quy y, thọ giáo và tu tập dưới sự dẫn dắt của Chư Tăng – Ni trực thuộc Tổ Đình. Và đó cũng chính là sự duy trì và phát huy mạng mạch của Đạo Pháp vậy.

Loading...