Chùa Thiên Ấn tọa lạc trên núi Thiên Ấn, thuộc xã Tịnh Ấn, huyện Sơn Tịnh, tinh Quảng Ngãi. Chùa nằm phía bắc sông Trà Khúc, cách thị xã Quảng Ngãi khoảng 3 km. Chùa thuộc hệ phái Bắc Tông.
Lịch sử chùa Thiên Ấn
Chùa Thiên Ấn được khởi công xây dựng vào năm 1694 và hoàn thành vào cuối năm 1695 (năm Chính Hòa thứ 15), đời Lê Huy Tông (chúa Nguyễn Phúc Chu đàng trong). Tổ khai sơn chùa là Thiền sư Pháp Hóa (1670 – 1754), tục danh Lê Diệt, hiệu Minh Hải Phật Bảo, gốc người tỉnh Phúc Kiến, Trung Hoa, trụ trì tại tổ đình 41 năm, viên tịch giờ ngọ ngày 17 tháng 01 năm Giáp Tuất, thọ 84 tuổi, thuộc dòng thiên Lâm Tế. Lúc đầu chùa chỉ là một thảo am tĩnh mịch, sau được dần trùng tu mở rộng thu hút được nhiều tăng ni phật tử và trở nên nổi tiếng.
Năm Vĩnh Thịnh thứ 11 (1717, đời vua Lê Dụ Tông), chúa Nguyễn Phúc Chu, là một người rất sùng đạo Phật, đã ban cho nhà chùa biển ngạch Sắc Tứ Thiên Ấn Tự. Tấm biển này sau đó bị hư hại và được thiền sư Hoàng Phúc tái tạo vào năm 1946.
Chùa Thiên Ấn được khai sơn từ năm 1716 đến nay. Từ năm 1695 đến nay (1995), trải qua hơn 300 năm chùa đã có 15 đời sư trụ trì, trong đó có 6 vị được suy tôn là sư tổ, gọi chung là lục tổ.
Chùa Thiên Ấn cũng trải qua 5 lần trùng tu vào các năm 1717, 1827, 1910, 1918, 1959. Hòa thượng Thích Huyền Đạt, vị sư trụ trì gần nhất cũng đã viên tịch ngày 1 tháng 12 năm Quý Dậu (1 – 1994) thọ hơn 80 tuổi.
Kiến trúc chùa Thiên Ấn
So với các ngôi chùa cổ trong nam ngoài bắc, kể cả chùa Ông Thu Xà,
Chùa Thiên Ấn có kiến trúc đơn giản, trừ nhà phương trượng được xây dựng theo kiến trúc nhà rường, vốn là bộ khung mua lại của đình làng Phú Nhơn (đình làng này nằm trong thành Phú Nhơn – thành Quảng Ngãi đầu tiên được các chúa Nguyễn xây dựng tại làng Phú Nhơn nay là thị trấn Sơn Tịnh, huyện Sơn Tịnh về sau vua Gia Long đã dời về làng Chánh Mông nay thuộc địa phận thành phố Quảng Ngãi). Bù lại, chùa được xây dựng ở một vị trí có một không hai, đó là đỉnh đồi Thiên Ấn, một thế đất thiêng trong tâm tưởng người dân Quảng Ngãi.
Đứng ở sân chùa Thiên Ấn, du khách có thể quan sát được cả không gian bao la, rộng lớn xung quanh, đặc biệt là dòng sông Trà Khúc hiền hòa, thơ mộng. Trong khuôn viên chùa có một giếng cổ sâu đến hơn 50 thước, nước trong và ngọt. Tương truyền, sau khi dựng chùa xong, thấy hiếm nước, sư tổ chùa đã tự mình đào giếng suốt 20 năm. Đào xong thì sư mất nên giếng được gọi là Giếng Phật.
Trong chùa Thiên Ấn còn có quả chuông lớn (tục gọi là Chuông Thần), được thỉnh về từ làng đúc đồng Chí Tượng (nay là xã Đức Hiệp, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi) vào năm 1845. Hiện nay, chuông được treo ở bên trái chính điện của chùa.
Phía đông chùa Thiên Ấn, nằm bên hàng cây đại thụ là khu viên mộ với những ngôi bửu tháp được xây dựng nhiều tầng theo số lẻ (3,5,7,9), mang hình hoa sen, là nơi an táng các vị sư tổ và thiền sư trụ trì chùa. Ngoài ra, phía tây nam chùa còn có phần mộ nhà yêu nước Huỳnh Thúc Kháng được nhân dân an táng vào năm 1947. Ngôi mộ là sự kết hợp giữa kiến trúc hiện đại và lăng mộ truyền thống Đông phương nên vừa đơn giản, vừa trang trọng, gắn bó hài hòa với tổng thể cảnh quan chùa Thiên Ấn.
Chùa Thiên Ấn còn có nhiều hạng mục Phật giáo được xây mới như: vườn cây Lâm tì ni (vườn thượng uyển), bảo tháp 9 tầng, tượng phật bồ tát…