Nằm bên Quốc lộ 1A về phía nam cầu Bến Thuỷ, dưới chân núi Hồng Lĩnh, bên bờ sông Lam thuộc thị trấn Xuân An, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh có một ngôi chùa uy nghi lộng lẫy trên 300 năm tuổi, đó là chùa Phong Phạn, thuộc di tích lịch sử văn hoá tâm linh…
Lịch sử chùa Phong Phạn
Qua tìm hiểu được biết, chùa Phong Phạn có gần 300 năm tuổi, trước đây gọi là chùa Kẻ Lau, sau đổi tên thành chùa An Lạc, chùa Đa Lách.
Theo sử sách để lại, thời Nguyễn Huệ (Quang Trung) trên đường hành quân ra Bắc đánh quân Thanh, trước khi đến Phượng Hoàng Trung Đô (Vinh), đoàn quân dừng lại chờ đò, ông dạo bước bên bờ sông Lam nhìn thấy hai hòn đá và phong cảnh ở đây thật đẹp, bèn đặt cho nó cái tên là “bến Ngự”. Đang khi quân lính nghỉ ngơi dưới chân núi ăn cơm, ông rảo bước lên vãn cảnh chùa Phong Phạn và phóng bút đề thơ:
“Phong Phạn thiên thu truyền cửu tích
Ngự thuyền, lan thuỷ, tại thiên quân
Thị không, thị sắc quy như tại
Vô ngã, vô nhân, như kiến lai
Nhân dân Phong Phạn chùa linh tự
Vạn mã ngàn ngôi sóng Ngự Bình”.
Sau khi thắng trận trở về, vua Quang Trung cho dân lập đền thờ Thuỷ Ngự dưới chân núi bên bờ sông Lam và đặt tên cho ngọn núi này là Rú Cơm.
Cũng theo lời kể của các cụ cao niên thì vào những năm đầu của thế kỷ 20, chùa Phong Phạn có vị sự thầy tên là Thích Quảng Mậu, trụ trì cứu giúp dân chúng chữa bệnh bằng thuốc nam, được dân trong vùng rất quý trọng và khâm phục.
Trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh (1930-1931) vào thời kỳ tiền khởi nghĩa Cách mạng Tháng 8 (1945) nhà chùa Phong Phạn là điểm trú ngụ, nơi liên lạc và hoạt động bí mật của tổ chức Đảng.
Thời bấy giờ chùa Phong Phạn có 3 toà được xây dựng kiên cố bao gồm Thượng điện, Trung điện và Hạ điện. Trước sân chùa có 3 lăng mộ của các vị sư tu hành trụ trì và đã viên tịch tại chùa. Chùa có cổng Tam quan, cây cối quanh năm xanh tốt. Vì thế mà Ngô Thì Nhậm (1746 – 1803) có lần lánh mưa ở chùa Phong Phạn đã cảm xúc viết:
“Trú mưa chùa Phong Phạn
Hong áo Sải không về
Giường, nhà chùa rộng lượng
Bếp, đức Phật từ bi”.
Thời kỳ đế quốc Mỹ leo thang ra miền Bắc, khu vực nhà chùa Phong Phạn bị đánh phá ác liệt do chùa toạ lạc gần phà Bến Thuỷ, nơi mục tiêu trọng điểm của tuyến QL 1A. Vào một buổi trưa hè tháng 6/1969, một trận bom Mỹ đã ném trúng nhà chùa. Sư thầy Thích Quảng Mẫu đã bị thiêu cháy, chết trong tư thế còn ôm chặt chiếc tráp đựng Ngọc Phả của chùa. Từ đó nhà chùa không còn người trụ trì hương khói. Đến tháng 9/1978, cơn lũ lớn kinh hoàng đã cuốn trôi hoàn toàn chùa, để lại một đống tan hoang đổ nát. Nhà chùa trở thành phế tích.
Năm 2001, một đoàn khảo cổ học đến đã tìm thấy dưới giếng chùa còn có một số pho tượng sót lại như: tượng Phật Thích Ca Mô Ni, tượng Di Đà (bằng gỗ); tượng Thái tử Tất Đạt Đa (bằng đá)… nhưng tất cả đều đã bị hư hại.
Sau công cuộc đổi mới của đất nước tất cả các công trình phúc lợi đều được tu sửa và xây dựng khang trang; trong đó chùa Phong Phạn cũng được sự quan tâm của các cấp chính quyền, các tăng ni, phật tử và nhân dân trong vùng đóng góp tiền của xây dựng, tái tạo lại.
Kiến trúc chùa Phong Phạn
Năm 2007, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam; Hội đồng trị sự Phật giáo Hà Tĩnh đã bổ nhiệm Đại đức Thích Viên Như về trụ trì chùa Phong Phạn. Và cũng từ đó, chùa Phong Phạn tiếp tục được nâng cấp và xây dựng lại khang trang, đàng hoàng to đẹp rộng lớn hơn. Nhà Tam Bảo, bao gồm Điện chính thờ Phật Bổn Sư, Tam Thế, Quan Âm Thế Chí, Văn Thu, Phổ Hiền. Hai bên điện phụ, thờ hai pho tượng Hộ Pháp vừa mới được tạc từ hai phiến gỗ cao 3 mét, rộng 2,8 mét (bằng gỗ mít), tượng Phật Đức ông, An Na.
Sân chùa Phong Phạn rộng 200m2 được lát bằng loại gạch cổ Cẩm Trang; phía trước là cổng Tam quan cao lớn nhất miền Trung hiện nay, được xây dựng, thiết kế hơn 100m3 gỗ lim, phía trên được lợp bằng loại ngói nam; cột cổng Tam quan hai người ôm không xuể.
Cũng như cổng Tam quan, quần thể điện chính cũng vừa mới được xây dựng hoàn thành đưa vào sử dụng với khối lượng gỗ lim lên tới gần 200m3. Cột đều là gỗ lim, không hề có chút tì vết nào. Có những cây cột hai người ôm không xuể. Bên phải điện chính là tượng Quán Âm được điêu khắc bằng một khối đá thạch anh, cao 7,4m, nặng trên 20 tấn. Tượng đứng nguy nga lộng lẫy, mặt luôn hướng về phía Tây Nam.
Cũng về phía phải tây nam, dưới chân tượng Phật là ao cá rộng lớn, bốn mùa nước trong xanh, phía bên Tây hồ là núi cơm in bóng Lam Giang bốn mùa xanh mát; giữa lưng chừng ngọn núi được nhà chùa bố trí đặt 40 bức pho tượng Phật các loại tạo cho ngôi chùa càng thêm phần uy nghi tráng lệ và rất gần gũi với thiên nhiên, cây cỏ, khiến du khách có cảm giác như cõi thiền luôn ở trong ta.
Đại đức Thích Viên Như cho biết: “Bình quân mỗi ngày nhà chùa đón tiếp hàng trăm lượt du khách, phật tử đến thăm viếng chùa. Đặc biệt những ngày lễ lớn như dịp Tết cổ truyền dân tộc, ngày Lễ Phật Đản, Lễ Vu Lan…mỗi ngày nhà chùa đón tiếp từ 2-3 ngàn du khách.”