Chùa Ông còn được gọi là Thất Phủ cổ miếu, một ngôi chùa được xem là xưa nhất ở Nam bộ. Chùa tọa lạc trên một sở đất rộng thuộc xã Hiệp Hòa, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.
Lịch sử
Thất Phủ cổ miếu được gọi là chùa Ông vì vị thần được thờ chính ở đây là Quan Công – vị thần tượng trưng cho trung, hiếu, tiết, nghĩa… Chùa Ông ở đây còn có tên nữa là Miếu Quan Thánh Đế. Chùa được dựng vào năm 1684, gắn liền với quá trình khai hoang mở cõi vùng đất Biên Hòa.
Sau đó, do chiến tranh tàn phá, ngôi chùa Ông gần như bị hư hại hoàn toàn. Đồng bào người Hoa ở đây mới góp tiền trùng tu lại ngôi chùa này vào các năm 1817, 1868 và 1894. Riêng đợt trùng tu 2009-2010 là đợt trùng tu lớn, song tuân thủ nguyên tắc phục chế theo nguyên mẫu, có tôn tạo nhưng không làm thay đổi kiểu thức đã có nên giữ được kiến trúc đặc trưng của ngôi miếu của cộng đồng người Hoa đã tồn tại trên 300 năm ở vùng đất Biên Hòa – Đồng Nai.
Kiến trúc
Ngôi chùa Ông là một kiến trúc xưa khá tiêu biểu với kiểu hình chữ khẩu, gồm có hai công trình phụ hai bên, được gọi là đông lang và tây lang. Phía trước ngôi chùa là một khoảng sân rộng, sạch sẽ được bao bọc bởi một hàng rào kiên cố. Bên ngoài là con sông Đồng Nai hiền hòa chảy. Bờ sông có rất nhiều cây cổ thụ, tán rộng, phủ mát cả mặt sân. Tường chùa được xây theo kiểu không tô, lộ ra nhiều viên gạch chồng lên nhau. Mái chùa lợp ngói âm dương màu đỏ thắm, đầu mái có gắn ngói ống thanh lưu ly. Trên mái nóc là cả một công trình điêu khắc độc đáo với các tượng gốm men xanh của thợ gốm Cây Mai (Chợ Lớn) xưa về các đề tài như hát bội, hát tuồng, múa hát cung đình, tượng ông Nhật bà Nguyệt… Thêm vào đó, các tạo tác bằng đá ở mặt tiền chùa do thợ đá Bửu Long tạc tạo nên kiểu thức đặc trưng cho kiến trúc Minh Hương trên vùng đất Biên Hòa.
Bên trong chùa Ông được chia làm ba khu vực: tiền điền, trung điện và chính điện, cùng với rất nhiều cây cột gỗ to, tròn, đen bóng cùng nhau nâng đỡ mái nóc. Xung quanh các cột đó có nhiều câu đối và hoành phi mà nội dung là ca tụng uy danh của Quan Công.
Bên trong ngôi chùa Ông còn có rất nhiều bao lam, võng, lọng được chạm khắc hết sức công phu và những họa tiết được trang trí đẹp nhưng cũng đầy tính tôn nghiêm. Các bức chạm khắc này thể hiện được những cảnh sinh hoạt của người Hoa thuở xưa, như: gánh nước, đốn củi… Và những con vật trong tứ linh được chạm khắc xen lẫn hoa văn con tôm, con cua, con cá… cũng hết sức tinh xảo và sinh động.
Gian chính điện, nơi có tượng thờ Quan Công. Tượng ông được đặt trong khánh thờ, khánh thờ được trang trí rất lộng lẫy, phỏng theo mô típ lưỡng long tranh châu. Tượng Quan Công mặc áo gấm xanh, ngồi oai vệ trên ngai thờ. Hai bên là Quan Bình và Châu Xương chầu hầu. Hai gian thờ kế bên là hai khánh thờ thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu và Kim Hoa nương nương. Ngoài ra, trong chùa Ông còn có các gian thờ Phật Mẫu Chuẩn Đề, Quan Âm, Địa Tạng Vương Bồ Tát, Bao Công, Thần Tài… thờ các con vật linh, như: rồng, hổ…
Hằng năm, Cứ mỗi độ Xuân về, vào đầu tháng Giêng âm lịch hàng năm, nhân dân và đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh đổ về di tích cấp quốc gia Chùa Ông – Thất Phủ cổ miếu (Xã Hiệp Hòa, Tp.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) để tham dự lễ hội chùa Ông.
Ngoài ra chùa Ông có rất nhiều ngày lễ lớn như: vía Ông, vía Bà, lễ Vu Lan… trong những lần lễ, vía đó, chùa thu hút rất nhiều khách thập phương đến chiêm ngưỡng và cúng bái. Đặc biệt, đây cũng là một điểm tham quan du lịch lý tưởng của du khách trong nhiều năm qua.
Có thể nói, chùa Ông ở Biên Hòa, Đồng Nai là một công trình kiến trúc xưa độc đáo thể hiện văn hóa người Hoa ở Nam bộ. Ngoài giá trị văn hóa, tín ngưỡng, còn có giá trị về mặt lịch sử: đây là một ngôi chùa gắn liền với sự định cư đầu tiên của cộng đồng người Hoa ở Nam bộ vào giữa thế kỷ XVII. Với những gía trị lịch sử-văn hóa đó năm 2011, chùa Ông đã được Bộ Văn hóa-Thông tin (nay là Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch) xếp hạng là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.