Chùa Lân còn được gọi là Thiền Viện Trúc Lâm Yên Tử hay tên chữ là Long Động Tự (chùa Long Động) thuộc địa phận thôn Nam Mẫu, xã Thượng Yên Công, TP Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh.

Chùa Lân xưa kia là một trong những ngôi chùa quan trọng trong hệ thống chùa, tháp của Thiền Phái Trúc Lâm Yên Tử. Nơi đây chính là điểm dừng chân đầu tiên của đức vua Trần Nhân Tông khi về Yên Tử tu hành. Từ năm 1992 trở về trước, tuyến đường hành hương từ dốc Cửa Ngăn vào chùa Lân chưa mở. Du khách đi đường Lán tháp Vàng danh sang. Do đó chùa Lân mặc nhiên trở thành chùa Trình của cả khu trung tâm chùa tháp ở Yên Sơn.

Tục Truyền

Sau khi vượt bè vào Yên Tử, thày trò Bảo Sái nghỉ qua đây. Đêm ấy, Vua nằm mơ cưỡi trên lưng Rồng vàng. Rồng vươn cổ bay đi, đưa Vua du lạc vào Động lớn. Phía dưới, có hồ nước xanh nở đầy hoa sen vàng. Những cánh lá sen được đúc bằng bạc, hương hoa sực nức thơm. Mỗi cánh hoa tỏa một vầng hào quang. Mỗi lá bạc phát ra muôn tiếng nhạc. Rồng vàng chở Vua đi chơi trong hồ sen trong động. Rồi lại đặt Vua lên đài sen.

Vua giật mình tỉnh giấc. Hương sen còn thoang thoảng, tiếng nhạc còn dư âm. Vua khẽ đánh thức Bảo Sái dậy, kể lại giấc mơ dị kỳ cho Bảo Sái. Hai thày trò thắp lửa, lạ thay: Có bầy Rồng đất từ đâu mò về, nằm kề bên. Thấy động chúng quất đuôi chạy biến. Vua bảo: Đây là nơi Rồng ở. Bèn đặt cho tên là Động Rồng.

Lịch sử hình thành và phát triển

Khi xuất gia về Yên Tử tu hành một thời gian ngắn (khoảng năm Kỷ Hợi 1293), vua Trần Nhân Tông đã cho tôn tạo, xây dựng chùa Lân thành một nơi khang trang, chùa Lân trở thành Viện Kỳ Lân, là nơi giảng đạo, độ Tăng. Ba vị Sư Tổ Trúc Lâm là Trần Nhân Tông, Pháp Loa và Huyền Quang thường đến đây thuyết Pháp, giảng Kinh.

Loading...

Sau thời Trần, chùa Lân vẫn là thiền viện do các thiền sư nối tiếp “truyền đăng lục diệm. Thời nhà Lê, thiền sư Chân Nguyên, người đã có công chấn hưng Phật pháp đã biên soạn Thiền tông bản hạnh, kiến tính thành phật và thiền sư Tuệ Nguyên in Trúc Lâm tam tổ, Tuệ Trung thượng sĩ ngữ lục tại chính Viện Kỳ Lân.

Trong kháng chiến chống Pháp, chùa gần như bị thiêu hủy hoàn toàn, chỉ còn hệ thống các mộ tháp gồm 23 tháp, trong đó tháp lớn nhất là tháp Tịch Quang (Thiền sư Chân Nguyên, 1647-1726)

Ngày 19 tháng Giêng năm Nhâm Ngọ (2002), lễ đặt đá xây dựng chùa Lân – Thiền Viện Trúc Lâm Yên Tử được tổ chức rất long trọng, trang nghiêm. Tứ chúng thập phương về dự tới cả vạn người. Sau lễ đó, Viện Khảo cổ cử Tiến sỹ Trịnh Cao Tưởng và một số cán bộ về khảo cổ nền chùa. Móng chùa thời Trần ở nơi tòa Chính Điện ngày nay. Trên cơ sở tài liệu khảo cổ học, Trung tâm Thiết kế và tu bổ Di tích – cơ quan chuyên ngành hàng đầu của Bộ Văn hóa Thông tin đã lập Quy hoạch tổng thể và thiết kê” kỹ thuật thi công các hạng mục công trình.

Ngày mùng 7 tháng 7 năm Nhâm Ngọ (15 – 08 – 2002), chính thức khởi công xây dựng các hạng mục công trình gồm Chính Điện, Nhà Tổ, Lầu Trống – Lầu Chuông, Nhà trưng bày, nhà khách, nhà Tăng, cổng Tam Quan, nhà Khách Ni.

Lễ khánh thành công trình được tổ chức vào dịp kỷ niệm 744 năm, ngày sinh của Phật Hoàng Trần Nhân Tông, (Ngày 11 tháng 11 năm Mậu Ngọ (1258) – Ngày 11 tháng 11 năm Nhâm Ngọ (2002).

Vào cuối năm 2003, Thiền đường trên núi được khởi công xây dựng. Đây là nơi tập thiền của các Thiền Sinh tu theo pháp môn Thiền.

Công trình Chùa Lân – Thiền Viện Trúc Lâm Yên Tử được xây dựng với 3 chức năng chủ yếu: Là nghiên cứu, bảo tồn, tàng trữ các Kinh văn, thư tịch, các ấn phẩm văn hoá về Yên Tử, Thiền Phái Trúc Lâm Yên Tử; Là nơi hướng dẫn tu Thiền cho tu sĩ, Phật tử và những ai muốn tu hành Thiền theo Phái Thiền Trúc Lâm; Là nơi tham quan, du lịch, hành hương lễ Phật của Du khách thập phương. Công trình Chùa Lân – Thiền Viện Trúc Lâm Yên Tử được xây dựng do sự khởi xướng của Hòa Thượng Thích Thanh Từ – Viện trưởng Thiền Viện Trúc Lâm Đà Lạt và lòng thành kính cúng dường của Sư Ni Thích Đàm Châu sau vài thập kỷ trong thế kỷ 20 đã tu hành ở Chùa Lân, cùng với công đức của Qúy khách, Phật tử trong và ngoài nước.

Cảnh quan và kiến trúc

Theo văn bia tháp mộ chùa Long Động, chùa Lân xưa “sơn son thiếp vàng, nguy nga trắng lệ, không tả xiết”. Đó là nơi tu hành hoằng pháp của Tam Tổ Trúc Lâm thời Trần trước khi rời vào trung tâm Vân Yên.

Xưa kia, ngõ chùa Lân lớn lắm. Chả thế có câu: “Ngõ chùa Lân, sân chùa Muống, ruộng chùa Quỳnh” là ba cái nhất không thể so bì ở ba cảnh chùa khác nhau vào thời Pháp Phái Thiền Trúc Lâm thịnh vượng. Ngõ chùa lát đá như tấm thảm. Đã ai tính được 700 năm qua, có bao bàn chân đặt lên lối đá này. Mặt đá nhẵn bóng, hơi khuyết xuống, chứng minh thời gian và người vô lượng đã đi qua.

Đôi bên thảm đá là hai hàng tháp cổ. Còn lại mười chín ngôi tháp đá và gạch. Nhiều ngôi tháp vẫn còn khá nguyên vẹn. Trong tháp có bia ghi lại hành trạng của các bậc thiền sư khả kính tu hành ở chùa Lân, chủ yếu vào thời Lê. Ví như các tháp: Giao Quang, Hiếu Từ, Từ Ân, Phù Ty, Phổ Minh, Nhã Thừa, Liên Phương và Bảo Quang…

Sân chùa còn ba ngôi tháp cổ. Hai ngôi trước Chính Điện là tháp Viên Minh và Viên Quang. Tháp nổi tiếng là Tịch Quang kim tháp, được triều đình nhà Lê ban sắc chỉ xây dựng năm 1726, ngự ở phía sau Nhà Tổ hiện tại, quàn xá lợi của Tuệ Đáng Hòa Thượng Tổ Chân Nguyên – một bậc Đại Giác Tuệ được triều Lê sắc phong là Tăng Thống Chính Giác Hòa Thượng. Phía trái tháp Tịch Quang, cây đa cổ thụ bảy trăm tuổi, tán lá xum xuê rợp vườn chùa. Rễ tạo nhiều thân. Hàng chục người ôm không xuể. Chẳng hiểu thân đa mọc lên từ đất ở thân nào. Một khóm rễ đã bao trùm lên gốc thị. Du khách ngỡ là cành thị mọc ra từ thân đa. Cùng vơi các tháp và nhiều cổ vật người xưa còn lưu lại, cây đa sau chùa cũng trở thành một chứng nhân lịch sử, tạo vật hiếm hoi được bảo tồn.

Như vậy, cả thảy chùa Lân có tới hai mươi ba ngôi tháp. Sau khi công thành quả mãn, các thiền sư đả hóa thân Bồ Tát trở về dưới Phật đài. Đương thời lập tháp để phụng thờ, khắc vào bia đá để lưu dấu tích cho đời sau.

Trong cả hệ thống chùa tháp ở Yên Sơn, trừ Vườn Tháp Tổ trước cửa chùa Hoa Yên, chưa có vườn tháp nào sánh được với chùa Lân về số lượng các tháp. Có lẽ thuở trước, kinh đô Phật giáo Yên Tử đã được hình thành hai trung tâm: Trung tâm Vân Yên (sau đổi thành Hoa Yên) và trung tâm Long Động?

Bên phải hàng tháp ngõ chùa Lân vẫn còn sót lại một cây thông mã vĩ, tuổi đến vài trăm, thân to, cao, thẳng, tán xòe như chiếc lọng. Phải chăng, ngõ chùa xưa hai bên được trồng thông? Cái luật vô thường và sự khắc nghiệt của thiên tai đã làm cho hai hàng thông không còn. Chỉ để lại một cây làm kỷ niệm, gợi ý đòi nay phải trồng lại thông ở hai bên lối ngõ vào chùa.

Vượt qua lối ngõ gần trăm mét, du khách mới vào cổng chùa trong. Nhìn từ xa lại, Thiền đường trên nền phông xanh ngắt cửa rừng, nổi bật màu ngói đỏ mái chùa san sát kề nhau. Khách du chợt nhớ câu thơ Trần Anh Tông miêu tả chùa Yên Tử thời Trần:

“Lầu son mấy nóc rộng thênh thênh”

Trong khuôn viên chùa, Phật tử đạo tâm dâng cúng nhiều hoa kiểng, bốn mùa phô sắc, hương thơm ngát. Du khách thập phương thường lưu lại Chùa Lân, chiêm ngưỡng vẻ đẹp cổ kính, hiện đại và phóng khoáng, biểu hiện qua các công trình kiến trúc ở đây.

Trước sân Thiền Viện đặt một quả cầu “Như ý báo ân Phật Tổ ” bằng đá hoa cương đỏ, đường kính 1.950mm, trọng lượng 6,5 tấn được lấy từ mỏ đá An Nhơn, Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Quả cầu được đặt trên một bệ đá có tiết diện vuông, nặng 4,5 tấn, nó có thể tự quay quanh mình nó theo chiều chữ  “Vạn” (+). Tất cả nằm trên bệ đá hình bát giác với tám bồn hoa bao quanh, tượng trưng cho bát chính đạo là: Chính kiến; Chính tư duy; Chính ngữ; Chính nghiệp; Chính mệnh; Chính tinh tiến; Chính niệm và Chính định. Quả cầu đã được Trung tâm sách kỉ lục Việt Nam xác nhận: Quả cầu Như ý lớn nhất Việt Nam.

Chính Điện (còn có tên Đại Hùng Bảo Điện) uy nghi. Trên bậc thềm hoa trưng bày dấu tích nền móng chùa thời Trần, dưới mặt đất thời nay 0,7 mét. Chính Điện thờ tượng Phật Tổ Thích Ca, tay nâng đóa sen vàng mới nở, mắt nhìn thấu tỏ cõi nhân thiên. Tượng Văn Thù, Phổ Hiền bồ tát ngự hai bên, tượng trưng trí tuệ và hạnh nguyên. Ba pho tượng đồng được đúc từ làng nghề ở Huế. Pho tượng Thích-ca Mâu-ni nặng gần 4 tấn, là pho lớn nhất trong số các tượng thờ ở Yên Tử hiện nay. Hai bên cửa võng có ghi câu đôi bằng chữ Việt:

“Phật pháp chỉ rành nẻo vào luân hồi đường giải thoát.
Thiền tông lối thẳng không theo thứ bậc đến Chân Như”.

Trên tường bên trong tòa Chính Điện có 09 bức phù điêu mô tả quá trình: trụ thế, xuất gia, tu tập, giác ngộ, thuyết pháp độ sinh, nhập diệt Niết bàn của Phật Tổ Thích Ca.

Trước tòa Chính Điện, hai bên là Lầu Trống, Lầu Chuông. Trống, Chuông được coi là pháp khí của Nhà Phật. Chuông đồng chùa Lân nặng 1,4 tấn. Trống dài gần hai mét, đường kính tang trống chừng một mét, được tạo lên bởi một thân gỗ liền khoét rỗng. Vào ngày Lễ, ở chùa thường thỉnh chuông, gióng trống. Tiếng trống rền vang, tiếng chuông thanh cao và sâu lắng, tùng chinh lay động cả núi rừng:

“Hồi chuông thúc giục khách phong trần sớm tỉnh cơn mê”.
“Trống pháp vang rền phá vỡ vô minh thành Chính Giác”.

Kế sau Chính Điện là Nhà Tổ, nơi phụng thờ Tam Tổ Trúc Lâm. Ba pho tượng đồng ngự chính vị tôn nghiêm. Tả hữu ghi câu đôi bằng chữ Việt:

“Yên Tử non cao Chư Tổ mồi đèn truyền tâm ấn
Trúc lâm rừng vắng Điều Ngự nối đuốc lập tông phong”.

Tường hồi bên phải trong Nhà Tổ trưng bày bộ tranh khảm trai “Thập mục ngưu đồ”, diễn tả bằng tranh quá trình hành giả tu tập tìm chân lý, ví tựa nông phu đi tìm, thuần phục trâu. Nhà trưng bày như một bảo tàng nhỏ của Chùa, tọa lạc bên trái tòa Chính Điện, có nhiều hiện vật khảo cổ tại chùa Lân và nhiều sách, ảnh về Thiền phái Trúc Lâm.

Tổng kết

Chùa Lân – Thiền Viện Trúc Lâm, là một công trình kiến trúc mang nét đẹp cổ kính, hoà vào cảnh sắc thiên nhiên kỳ vĩ, có những cây Thông cổ, cây Đa cổ thụ ôm cây Thị kỳ lạ, linh thiêng, cành lá Xum xuê tươi tốt phong sương cùng thời gian của cõi Thiền Trúc Lâm. So với các chùa khác ở Yên Sơn, chùa Lân có diện tích mặt bằng rộng lớn nhất với các công trình kiến trúc nguy nga nhất. Về đây, du khách lễ Phật, tham quan, tập thiền, nghe pháp giữa khung cảnh sơn lâm kỳ thú, để sớm mai tiếp tục cuộc hành trình, vượt qua chín suối, vào Trung tâm Yên Tử.

Loading...