CỔNG TRỜI
Để tới Chùa Đồng tọa lạc trên đỉnh núi thiêng Yên Tử, du khách phải luồn lách qua khe những tảng đá lớn xếp đặt tự nhiên, được ví như đi qua Cổng Trời, dẫn bạn vào thế giới Trời, Phật.
Những tảng đá dưới chân chùa Đồng do quá trình biến động của địa chất kiến tạo nâng lên của vỏ trái đất làm xô trượt, gấp gãy đá cát sỏi trầm tích biển tạo thành. Trên những khối đá trầm tích còn hằn sâu vết ngấn sóng nước đại dương, có hóa thạch vỏ sò, vỏ ốc… Các nhà địa chất học cho rằng: Đó là dấu vết của bờ biển xưa, sau đợt kiến tạo mảng cách đây khoảng 10 triệu năm, khu vực Yên Tử vốn là vịnh biển đã trồi lên thành đồi núi như ngày nay.
Bãi đá chùa Đồng trông tựa như hàng nghìn “Linh Quy” (Rùa Thiêng) chầu về đỉnh thiêng Yên Tử.
BIA PHẬT
Gần nơi Cổng Trời, có một phiến đá tự nhiên, bề mặt giống như hình chiếc oản dâng cúng Phật, trên đó khắc hai hàng chữ Hán gồm tám chữ, bốn chữ hàng dọc và bốn chữ hàng ngang. Hàng dọc có ba chữ đã mờ, chỉ còn rõ chữ thứ tư là chữ “Phật”. Bốn chữ hàng ngang “Tứ tự hồng danh” còn khá rõ. Dựa vào nghĩa chữ, Thượng Tọa Thích Quảng Tùng, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam khẳng định: “Toàn bộ tám chữ khắc trên Bia Phật là: A-Di-Đà Phật Tứ-Tự-Hồng-Danh”. Phiến đá ấy được gọi là Bia Phật.
Bia được khắc từ lâu, song chưa rõ năm tháng và người khắc bia. Điều đó minh chứng một thời, Pháp môn Tịnh Độ truyền thừa giáo hóa đến nơi này, trước cả khi ra đời Pháp Phái Thiền Trúc Lâm Yên Tử.