Chùa Một Mái ngự trên một sườn núi nhỏ cách chùa Hoa Yên về phía bên trái khoảng 500m, nằm nép mình bên sườn núi ở vị trí cao giữa lưng trời, một nửa chùa ẩn sâu trong hang núi, nửa còn lại phô ra bên ngoài chỉ có một phần mái, đúng như tên gọi của chùa.

LỊCH SỬ CHÙA MỘT MÁI

Chùa xưa vốn là động Thanh Long, tương truyền Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông lập am Ly Trần (thoát cõi trần) để làm nơi đọc sách, soạn kinh. Sau khi đức Điều Ngự viên tịch, am xưa được dựng thành ngôi chùa Bồ Đà, một nửa mái chùa là vòm động, một nửa mái chùa phô ngoài trời nên chùa có tên là Bán Thiên, Bán Mái, ngày nay gọi là chùa Một Mái.

Từ xưa đến nay, ngôi chùa trải qua nhiều lần trùng tu. Tháng 10 năm 2014, nền chùa được mở rộng, mái, tường đẹp đẽ như ngày nay. Cứ mỗi độ xuân sang, hoa mai vàng nở rộ trước hiên chùa.

CẢNH QUAN & KIẾN TRÚC CHÙA MỘT MÁI

Bên lối lên chùa có hai ngôi tháp đá được dựng vào thời Lê, trong đó có tháp Thanh Long thờ Thiền sư Nguyên Hội, trụ trì, đắc đạo tại chùa này. Cạnh tháp có những cây quýt, người xưa trồng nay đã thành cổ thụ, cây bồ hòn dùng mỗi khi chữa bệnh, lá ngót rừng dùng làm thức ăn. Vách núi chân chùa có nhiều loài cây thuốc mọc tự nhiên.

Toàn bộ kiến trúc chùa Một Mái được làm bằng gỗ, cao hơn đầu người chút ít, trong đó nửa trong của chùa là ngách hang, nửa còn lại được dựng bằng gỗ phần mái chỉ có một bên. Chùa có kích thước dài: 9,6m; sâu: 1,7m; chạm thượng lương: 2,3m; từ nền chùa đến xà: 1,55m; nửa vì mái rộng 0,9m; chia làm bốn gian, hệ thống tường bao phía trước là những ván gỗ ghép lại với nhau.

Loading...

Không gian chùa hẹp với gian ngoài là mái vòm hang động, trong ngách hang có một núm đá, nước cứ nhỏ dần từng giọt một cả đêm chưa đầy một bát con. Nhà sư gọi đó là sữa mẹ. Ở trên vòm Động còn có một lỗ thủng trông nham nhở. Tục truyền, xưa kia, nơi ấy chỉ là một vết nứt nhỏ. Từ vết nứt ấy, có một dòng gạo nhỏ chảy ra. Sư chùa hứng lấy, nửa ngày được nửa lon gạo trắng. Sư đem thổi cơm, cũng vừa một bữa khá no nê. Ngày qua tháng lại, nhà sư bí mật làm việc ấy. Đụn gạo chảy đều, ngày một lon. Vào năm đại hán, thóc gạo khan hiếm, giá gạo vọt cao. Sư toan tính đục to cái lỗ trên vòm động để cho gạo tuôn ra ồ ạt, đem bán lấy tiền sắm tư trang. Khi vừa phá thì toàn cát tuôn rơi xuống, sư không tránh mau thì bị cát vùi. May có hòn đá chắn ngang miệng lỗ nên cát không còn tuôn nữa. Đụn gạo từ đấy không còn nữa….

Các gian thờ chính trong chùa gồm 3 gian tương ứng với 3 ban thờ được bố trí từ ngoài vào trong, gồm ban thờ Tổ (gồm 3 pho Tam Tổ ở giữa, bên trái là tượng Đức Ông, bên phải là tượng Tổ, hai bên hồi của ban và đằng sau tượng Tam Tổ còn có 3 tấm bia đá khắc chữ để lưu giữ những sự kiện, nhân vật đời trước có liên quan đến chùa), ban thờ Tam bảo (gồm 3 pho Tam thế, 1 pho Thích ca, 1 pho tượng Phật và 1 pho tượng Mẫu), ban thờ hậu phía trong cùng thấp hơn hai ban ngoài (gồm 1 bia đá khắc năm Bảo Đại – 1936 và một số đồ thờ khác).

Do không gian chùa hẹp nên các ban thờ cũng phải cân xứng với kích thước của chùa và lại do ban thờ hẹp nên có hệ thống tượng thờ thật phù hợp. Toàn bộ tượng cũng như đồ thờ tự khác hầu hết được chế tác từ nguyên liệu đá trắng, kích thước nhỏ hơn so với các ngôi chùa khác (kích thước trung bình khoảng 34 – 62cm), có niên đại vào khoảng thời Lê, đầu Nguyễn. Đặc biệt tượng ở thời kỳ này thường được chú ý đến bề ngang nhiều hơn là chiều sâu, do đó tượng có giá trị thẩm mỹ riêng thể hiện qua từng chi tiết đường nét chế tác. Phía trước chùa có hai ngôi tháp đá thời Lê có tên là tháp Thanh Long (phía ngoài) gồm hai tầng, mặt chính diện của tháp tạo ô hộc lõm vào trong có khắc ba chữ Hán: “Thanh Long tháp” thờ cụ Túc Giới (có nghĩa là giới luật đầy đủ, 250 giới của Tì – kheo và 350 giới Tì – kheo – ni). Và tháp Động Thanh Long (phía trong) theo tên gọi của hang đá trong chùa có tên là Thanh Long động tức Động Rồng Xanh).

Chùa Một Mái tuy nhỏ, trông thật đơn sơ mộc mạc nhưng ẩn chứa trong đó là cả một giá trị lịch sử to lớn. Cùng với lối kiến trúc độc đáo tựa vào vách núi giữa lưng trời, ở vào vị thế đẹp đã góp phần vào một chỉnh thể hoàn chỉnh không thể tách rời trong hệ thống chùa, tháp gắn liền với tư tưởng Phật giáo Đại Việt nơi khởi nguồn của Thiền phái Trúc Lâm tại Yên Tử linh sơn…

Loading...