Hòa thượng Thích Thanh Từ là một vị cao tăng của Phật giáo Việt Nam thời hiện đại, người phục hưng dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử. Hòa thượng một nhà hoằng pháp lớn, một dịch giả và là tác gia nổi tiếng về Phật học, người có công dịch giải nhiều tài liệu nhất về thiền tông.

Tiểu sử Hòa thượng Thích Thanh Từ

Thiền Sư Thích Thanh Từ tên thật là Trần Hữu Phước (sau đổi thành Trần Thanh Từ) sinh ngày 24 tháng 7 năm 1924 (Giáp Tý) tại ấp Tích Khánh, làng Tích Thiện, tỉnh Cần Thơ (nay là tỉnh Vĩnh Long).

Cha của thiền sư tên thật là Trần Văn Mão, từ nhỏ theo nghiệp Nho, lớn lên theo đạo Cao Đài, cả đời giữ nếp sống thanh bần. Mẹ của Hòa thượng tên thật là Nguyễn Thị Đủ, quê ở làng Thiện Mỹ, dòng Thanh Bạch, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long. Cụ bà chân chất hiền lành, suốt đời tận tụy hi sinh vì chồng con.

Hòa thượng sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh khó khăn nghèo túng nhưng Người đã nổi bật những nét riêng từ thuở ấu thơ: trầm mặc, ít nói, thích đọc sách, có chí xuất trần và đặc biệt rất hiếu thảo với Cha Mẹ.

Hòa thượng Thích Thanh Từ
Hòa thượng Thích Thanh Từ lớn lên trong gia đình nghèo khó.

Khoảng năm 9 tuổi, nhân theo Cụ ông lên Mốp Văn, Long Xuyên thọ tang người Bác thứ ba, Hòa thượng được đến chùa Sân Tiên trên núi Ba Thê cúng cầu siêu cho Bác. Duyên xưa gặp lại, nghe tiếng chuông chùa ngân dài giữa khoảng thinh không cô tịch, Hòa thượng rúng động như có một nỗi niềm giao cảm tự bao giờ. Bất thần Người xuất khẩu thành thơ:

Loading...

Non đảnh là nơi thú lắm ai,
Đó cảnh nhàn du của khách tài.
Tiếng mõ công phu người tỉnh giấc,
Chuông hồi văng vẳng quá bi ai!

Có thể nói rằng chí xuất trần của Hòa thượng nổi dậy kể từ đây. Sớm chìm nổi theo dòng đời và nhất là sống trong thời loạn lạc, Hòa thượng càng thấm thía, càng đau xót nỗi thống khổ của con người. Chí xuất trần của Hòa thượng vì thế càng trở nên mãnh liệt hơn và Người luôn ôm ấp một tâm niệm: “Nếu tôi không thể làm một viên linh đơn cứu tất cả bệnh của chúng sanh, ít ra cũng là một viên thuốc bổ giúp cho người bớt khổ.”

Từ dạo đó trái nhân duyên đã chín muồi, cuộc đời của Hòa thượng rẽ sang một con đường tươi sáng. Ngày 15 tháng 07 năm 1949 (Kỷ Sửu) sau ba tháng công quả tại chùa Phật Quang (xứ Bang Chang, huyện Trà Ôn), Hòa thượng được Tổ Thích Thiện Hoa chính thức cho xuất gia với pháp danh là Thanh Từ. Thế là ước nguyện của Người đã được thành tựu. Từ đây Hòa thượng siêng năng theo Tổ công phu bái sám, vừa học giáo lý, vừa dạy trẻ em, ngoài ra còn phụ giúp trông nom coi sóc mấy chục chú Tiểu trong chùa. Công việc tuy nhiều, song Hòa thượng luôn chuyên tâm học Giáo điển.

Quá trình học Phật

Từ năm 1949-1950, sư thầy Thích Thanh Từ theo học Sơ Đẳng Phật học tại Phật Học Đường Phật Quang.

Đến năm 1951 thì học tiếp Trung Đẳng Phật học tại Chùa Phật Quang nhưng không lâu sau đó thì chùa Phật Quang xảy ra binh biến, tất cả Tăng chúng phải di chuyển lên chùa Phước Hậu để tá túc. Hòa thượng Thích Thanh Từ tiếp tục học Trung Đẳng tại đây và thọ giới Sa Di do Tổ Khánh Anh làm Hòa thượng đàn đầu vào năm 1952.

Đến năm 1953, Hòa thượng theo sư phụ Tổ Thiện Hoa lên Sài Gòn để theo học lớp Trung Đẳng tại Phật học đường Nam Việt chùa Ấn Quang. Đầu năm 1954 thì Thọ giới Cụ túc do Tổ Huệ Quang làm Hòa Thượng đàn đầu.

Từ năm 1954-1959, Hòa thượng học Cao đẳng Phật học tại Phật học đường Nam Việt. Những vị đồng khóa cùng ra trường với Hòa thượng như quý ngài Huyền Vi, Thiền Định, Từ Thông…

Thiền sư Thích Thanh Từ
Hòa thượng Thích Thanh Từ chính thức trở thành một vị giảng sư năm 1959

Như vậy là ngót mười năm Hòa thượng đã trải qua 2 năm Sơ đẳng, 3 năm Trung đẳng, 4 năm Cao đẳng. Tốt nghiệp các lớp Phật học xong là đoạn đường Tăng sinh đã hoàn tất, Hòa thượng bước sang thời kỳ hóa đạo trở thành một vị Giảng sư trong Giảng sư đoàn của ban Hoằng pháp, có uy tín lớn thời bấy giờ và được sự mến mộ của rất nhiều Phật tử xa gần.

Quá trình hoằng pháp của Hòa thượng

Các chức vụ trong Giáo hội

Từ năm 1960-1966 Hòa Thượng đã giữ các chức vụ trong Ban Hoằng Pháp Giáo hội Tăng Già Nam Việt như sau:

  • Phó vụ trưởng Phật học vụ, sau đó là Vụ trưởng Phật học vụ.
  • Quản viện kiêm giáo sư Phật Học viện Huệ Nghiêm.
  • Giảng sư Viện đại học Vạn Hạnh và các Phật học đường Dược Sư, Từ Nghiêm,…

Nhập thất và phát triển Thiền tông

Sau lễ mãn khóa Cao Trung Chuyên khoa tại Phật học viện Huệ Nghiêm và Dược Sư, Hòa thượng Thích Thanh Từ thầm nghĩ với ngần ấy đóng góp cũng phần nào tạm đủ để nói lên tấm lòng tri ân và báo ân của mình đối với sư phụ rồi cho nên xin phép Tổ Thiện Hoa đồng ý cho nghỉ việc Giáo hội để lui về ẩn tu.

Chí đã quyết, Hòa thượng dằn lòng dứt áo ra đi, âm thầm một mình một bóng lên chốn non thâm. Hòa thượng đã thật sự giã từ Phật học viện, giã từ phấn bảng với năm tháng miệt mài vì tứ chúng. Nhưng hai tiếng “Tăng Ni” vẫn xoáy sâu vào lòng Người, để sau này chút duyên “Thầy Trò” ấy lại gặp nhau và càng thêm son sắt trên đỉnh Tương Kỳ.

Tháng 04 năm 1966, Hòa thượng Thích Thanh Từ dựng Pháp Lạc thất trên núi Tương Kỳ, Vũng Tàu. Ngôi thất lá vuông vức bốn thước đơn sơ với bộ Đại Tạng Kinh, nhưng đã ấp ủ một Thiền tăng quyết nhận lại cho kỳ được hạt châu vô giá của chính mình.

Đến rằm tháng tư năm Mậu Thân (1968), Hòa thượng tuyên bố nhập thất vô hạn định với lời kiên quyết: “Nếu đạo không sáng, thề không ra thất”. Thế là cửa sài đôi cánh khép. Toàn thể môn nhân quy ngưỡng lên non một lòng mong đợi.

Tháng 07 năm 1968, Hòa thượng liễu đạt lý sắc không, thấu suốt thật tướng Bát-nhã. Từ con mắt Bát-nhã trông qua Tạng kinh, lời Phật, ý Tổ hoác toang thông thống. Giáo lý Đại thừa và thâm ý nhà Thiền đã được Hòa thượng khám phá từ công phu thiền định của Người.

Ngày 08 tháng 12 năm 1968, Hòa thượng mở cửa thất, tuyên bố “đã đến lúc làm Phật sự” giữa bao niềm hân hoan của Tăng Ni, Phật tử. Nước cam lồ từ đây rưới khắp, suối từ bi từ đây tuôn chảy. Pháp Lạc thất thật xứng đáng là linh hồn của dòng thiền Chân Không. Nơi đây, đánh dấu một giai đoạn chuyển mình, một bước ngoặc lớn trong cuộc đời tu của Hòa thượng. Hoài bão tu Thiền đã thai nghén bao năm trong thầm lặng đơn độc của Người, đến đây mới thật sự có điểm khởi phát và lớn dậy, để sau này Phật giáo Việt Nam vinh dự có một ngôi sao sáng mở ra trang Thiền sử Việt Nam rực rỡ huy hoàng vào cuối thế kỷ 20.

Hòa thượng đã từng nói: “Tôi là kẻ nợ của Tăng Ni và Phật tử. Ai biết đòi thì tôi trả trước, ai chưa biết đòi thì trả sau.” Suốt đời Người đều dốc hết sức mình lo cho Phật pháp, đặc biệt là làm sống lại Thiền tông đời Trần, tạo điều kiện cho Tăng Ni tu hành tiến bộ. Tăng Ni tu hành có tiến bộ thì Phật pháp mới còn và lớn mạnh được. Sự tu hành tiến bộ của Tăng Ni là niềm vui của Người.

Thiền sư Thích Thanh Từ từng nói với các đồ đệ rằng: “Hoài bão của Thầy đều gởi gắm hết vào sự nỗ lực tu tập của tụi con. Tăng Ni tu có niềm vui, sáng được việc lớn, đó là biết thương tưởng đến Thầy. Bằng ngược lại thì thật là Thầy chưa đủ phước để được vui trước khi nhắm mắt. Bởi vì nguyện vọng khôi phục Thiền tông Việt Nam, đặc biệt là Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử đời Trần của Thầy chưa thành tựu.”

Năm 1970, Thiền sư Thích Thanh Từ thành lập Tu Viện Chơn Không tọa lạc ở độ cao 80 m trên núi Tương Kỳ (Núi Lớn), Vũng Tàu và mở khóa tu Thiền đầu tiên với 10 thiền sinh.

Năm 1974, Thiền sư thành lập Thiền Viện Bát Nhã và Linh Quang cũng tại Vũng Tàu.

Năm 1975 trở đi, Người tiếp tục cho xây dựng và phát triển các thiền viện mang tên CHIẾU: Thường Chiếu (1974), Viên Chiếu (1975), Huệ Chiếu (1979), Linh Chiếu (1980), Phổ Chiếu (1980), Tịch Chiếu (1987), Liễu Đức (1986).

Thiền viện Thường Chiếu
Thiền viện Thường Chiếu

Năm 1993 thành lập Thiền Viện Trúc Lâm Phụng Hoàng tọa trên núi Phụng Hoàng, cách trung tâm thành phố Đà Lạt 5 km. Đây là thiền viện lớn nhất Lâm Đồng tu theo thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.

Năm 2002, Thầy cho trùng tu Chùa Lân, lập thành thiền Viện Trúc Lâm Yên Tử.

Năm 2005, tiếp tục thành lập Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên.

Tính đến năm 2013, Hòa thượng Thích Thanh Từ có công xây dựng trên 60 Thiền Viện, Thiền Tự và trên 100 đạo tràng học Phật tu Thiền theo thiền phái Trúc Lâm Việt Nam.

Các Thiền viện do Hòa thượng thành lập

Dưới đây là danh sách các thiền viện chính thức được Hòa thượng Thích Thanh Từ thành lập làm nơi giáo hóa và hướng dẫn tu hành cho các Phật tử trong và ngoài nước:

  1. Thiền Viện Chơn Không, núi Tương Kỳ – Vũng Tàu, thành lập vào tháng 04 năm 1971; dời về Thường Chiếu năm 1986 và tái thiết năm 1995.
  2. Thiền viện Thường Chiếu (lấy theo danh xưng một vị Thiền sư Việt Nam nổi tiếng thời Lý) thành lập tháng 08 năm 1974 tại xã Phước Thái, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai.
  3. Thiền viện Viên Chiếu (cũng là tên một vị thiền sư nổi tiếng thời Lý) thành lập tháng 04 năm 1975 tại xã Phước Bình, huyện Long Thành, tỉnh Ðồng Nai.
  4. Thiền viện Huệ Chiếu thành lập tháng 04 năm 1979 ở khu Đại Tòng Lâm, ấp Quảng Phú, thị trấn Phú Mỹ, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
  5. Thiền viện Linh Chiếu (xã Phước Thái, Huyện Long Thành, tỉnh Ðồng Nai) thành lập tháng 02 năm 1980.
  6. Thiền viện Phổ Chiếu thành lập tháng 06 năm 1980 ở khu Đại Tòng Lâm, ấp Tân Phú, thị trấn Phú Mỹ, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
  7. Thiền viện Tịch Chiếu (khu phố Hải Tân, xã Long Hải, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) thành lập tháng 07 năm 1987.
  8. Thiền viện Liễu Đức (xã Phước Thái, huyện Long Thành, tỉnh Ðồng Nai) thành lập năm 1989.
  9. Thiền viện Trúc Lâm Đà Lạt (Thiền viện Trúc Lâm Phụng Hoàng) thành lập tháng 04 năm 1993 nằm trên núi Phụng Hoàng, phía trên Hồ Tuyền Lâm. Đây không chỉ là thiền viện lớn nhất Lâm Đồng, mà còn là điểm tham quan và chiêm bái của nhiều du khách trong và ngoài nước.
  10. Thiền viện Tuệ Quang (đặt theo tên của vị Thiền sư Thiền phái Trúc Lâm) thành lập năm 1998.
  11. Thiền viện Hương Hải (đặt theo tên của một thiền sư lỗi lạc phái thiền Trúc Lâm Yên Tử vào cuối đời Hậu Lê) thành lập năm 2000 tại xã Phước Thái, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai.
  12. Thiền viện Đạo Huệ (ấp Hiền Hòa, xã Phước Thái, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai) thành lập năm 2000.
  13. Thiền viện Quang Chiếu (Forthworth, Texas, Hoa Kỳ) thành lập năm 2000.
  14. Thiền viện Trúc Lâm Đại Đăng (Bonsall, California, Hoa Kỳ) thành lập năm 2001.
  15. Thiền viện Tuệ Thông (xã Phước Thái, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai) thành lập năm 2002.
  16. Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử (Chùa Lân) thành lập năm 2002 trên núi Yên Tử, Quảng Ninh.
  17. Thiền viện Bồ Đề (Boston, Hoa Kỳ) thành lập năm 2002.
  18. Thiền viện Diệu Nhân (đặt theo tên một nữ thiền sư nổi tiếng là công chúa thời nhà Lý) thành lập năm 2002 tại Sacramento, Hoa Kỳ.
  19. Thiền tự Ngọc Chiếu (Chapman Avenue, Garden Grove, California, Hoa Kỳ) thành lập năm 2002.
  20. Thiền viện Vô Ưu (San Jose, California, Hoa Kỳ) thành lập năm 2002.
  21. Thiền tự Đạo Viên (Chemin de la Sablière, Lantier, Québec, Canada) thành lập năm 2002.
  22. Thiền tự Thường Lạc (Avenue Rouget de Lisle, 94400 Vitry-sur-Seine, Pháp).
  23. Thiền tự Pháp Loa (đặt theo tên của môn đệ vua Trần Nhân Tông, Tổ thứ hai của dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử) được thành lập năm 2002 tại Australia (Úc).
  24. Thiền tự Hiện Quang (đặt theo tên của vị tổ khai sơn phái thiền Trúc Lâm Yên Tử) thành lập năm 2002 tại số số 07 Walmer Avenue St.Albans Victoria, Australia (Úc).
  25. Thiền tự Hỷ Xả thành lập năm 2002 tại 3 Womma Rd Penfield, South Australia 5121, Australia (Úc).
  26. Thiền viện Tiêu Dao (đặt theo tên của một vị thiền sư nổi tiếng thuộc thế hệ thứ tư của dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử) được thành lập ở Úc.
  27. Thiền tự Tuệ Căn tại số 7 Lichfield St, Victoria Park 6100 WA, Australia (Úc).
  28. Thiền viện Trúc Lâm Trí Đức (xã An Phước, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai) thành lập vào ngày 16 tháng 1 năm 2011.
  29. Hòa thượng cũng đã góp sức trùng tu hai Tổ đình Phật Quang và Phước Hậu (huyện Trà Ôn,  tỉnh Vĩnh Long).

Hòa thượng Thích Thanh Từ đã đi du hóa tại các nước:

  • Campuchia (1950)
  • Ấn Độ, Sri Lanka, Nhật Bản (1965)
  • Trung Quốc (1993)
  • Pháp (1994, 2002)
  • Thụy Sĩ (1994)
  • Canada (1994, 2002)
  • Indonesia (1996)
  • Canada (1994, 2002)
  • Hoa Kỳ (1994, 2000, 2001, 2002)
  • Úc Châu (1996, 2002).

Tổng số Phật tử phát tâm quy y trong và ngoài nước là 84.860 người. Trong đó, số Phật tử trong nước là 75.260 người, ở nước ngoài là 9.600 người.

Tượng sáp Hòa thượng Thích Thanh Từ
Tượng sáp Hòa thượng Thích Thanh Từ do Phật tử Chánh Phước Đức phát tâm tạo tác từ một xưởng chế tác tượng sáp ở Bangkok, tôn trí tại thiền viện Thường Chiếu vào ngày 16/10/2013

Những ấn phẩm và tác phẩm

Hòa thượng Thích Thanh Từ đã viết, dịch (chuyển ngữ) rất nhiều bộ Kinh, Luận và Sử từ tiếng Hán sang tiếng Việt để giảng dạy và phổ biến cho Tăng Ni, Phật tử.

KINH

  1. Bát-nhã Tâm Kinh giảng giải (1998)
  2. Kinh Bát Đại Nhân Giác giảng giải (1997)
  3. Kinh Bát-nhã giảng giải (2000)
  4. Kinh Diệu Pháp Liên Hoa giảng giải (1993/2000)
  5. Kinh Kim Cang giảng giải (1997)
  6. Kinh Lăng-già Tâm Ấn (dịch 1993/1997)
  7. Kinh Thập Thiện giảng giải (1993/1998)
  8. Kinh Viên Giác giảng giải (2000)

LUẬN

  1. Bích Nham Lục (dịch 1995/2002)
  2. Kinh Pháp Bảo Đàn giảng giải (1993/1999)
  3. Thiền Căn Bản (dịch 1993/1999)
    – Pháp Yếu Tu Tập Tọa Thiền Chỉ Quán (dịch 1963)
    – Tọa Thiền Tam-muội (dịch 1961)
    – Lục Diệu Pháp Môn (dịch 1962)
  4. Thiền Đốn Ngộ (dịch 1973/1999)
    – Thiền Tông Vĩnh Gia Tập (dịch 1974)
    – Đốn Ngộ Nhập Đạo Yếu Môn (dịch 1971)
    – Truyền Gia Bảo Thiền Tông Trực Chỉ
    – Tọa Thiền Dụng Tâm Ký
    – Tham Thiền Yếu Chỉ (dịch 1962)
  5. Thiền Sư Thần Hội giảng giải (2001/2002)
    – Hiển Tông Ký (dịch và giảng 1993)
  6. Truyền Tâm Pháp Yếu giảng giải (2007)

SÁCH VIẾT VỀ THIỀN

  1. Thiền Sư Việt Nam (1991/1995/1999)
  2. Thiền Tông Việt Nam Cuối Thế Kỷ 20 (1992/1998)
  3. Cành Lá Vô Ưu (1994/1998)
  4. Ba Vấn Đề Trọng Đại Trong Đời Tu Của Tôi (1997)
  5. Phật Giáo Với Dân Tộc (1998)
    – Phật Giáo Trong Mạch Sống Dân Tộc (1966)
    – Vài Nét Chính Luân Lý Phật Giáo (1967)
    – Đạo Phật Với Tuổi Trẻ (1959/1987)
  6. Thanh Qui Thiền viện Trúc Lâm (1999)

SÁCH DỊCH VÀ BIÊN TẬP TỪ BĂNG GIẢNG

  1. Hai Quãng Đời Của Sơ Tổ Trúc Lâm (1997/2002)
  2. Hoa Vô Ưu tập 1 (2000)
  3. Hoa Vô Ưu tập 10 (2003)
  4. Hoa Vô Ưu tập 2 (2000)
  5. Hoa Vô Ưu tập 3 (2000)
  6. Hoa Vô Ưu tập 4 (2000)
  7. Hoa Vô Ưu tập 5 (2002)
  8. Hoa Vô Ưu tập 6 (2001)
  9. Hoa Vô Ưu tập 7 (2002)
  10. Hoa Vô Ưu tập 8 (2003)
  11. Hoa Vô Ưu tập 9 (2003)
  12. Hương Hải Thiền Sư Ngữ Lục giảng giải (1999)
  13. Khóa Hư Lục giảng giải (1996)
  14. Kiến Tánh Thành Phật giảng giải (2000)
  15. Luận Giải Thi Tụng Mười Bức Tranh Chăn Trâu giảng giải (1999)
  16. Nguồn An Lạc (2001)
  17. Phật Pháp Tại Thế Gian tập 1 (2005)
  18. Phật Pháp Tại Thế Gian tập 2 (2005)
  19. Phật Pháp Tại Thế Gian tập 3 (2006)
  20. Phụng Hoàng Cảnh Sách tập 1 (2003/2006)
  21. Phụng Hoàng Cảnh Sách tập 2 (2003/2006)
  22. Phụng Hoàng Cảnh Sách tập 3 (2003/2006)
  23. Phụng Hoàng Cảnh Sách tập 4 (2004)
  24. Phụng Hoàng Cảnh Sách tập 5 (2004)
  25. Phụng Hoàng Sách Tấn tập 1 (2005)
  26. Tam Tổ Trúc Lâm giảng giải (1997)
  27. Tiến Thẳng Vào Thiền Tông (2005)
  28. Trọn Một Đời Tôi (2000)
  29. Tuệ Trung Thượng Sĩ Ngữ Lục giảng giải (1996)
  30. Xuân Phụng Hoàng tập 1 (2004)
  31. Xuân Phụng Hoàng tập 2 (2005)
  32. Xuân Trong Cửa Thiền tập 1, 2, 3 (1991/1998)
  33. Xuân Trong Cửa Thiền tập 4 (1996/1998)

THƠ VĂN VÀ CẢM TÁC

  1. Mộng
  2. Phá ngã
  3. Gió nghiệp
  4. Cuộc đời qua mắt tôi
  5. Chiếc thân phút chót
  6. Chân Không
  7. Đường Thạch Đầu
  8. Đường Đại Mai
  9. Đường Tiêu Dao
  10. Anh nếu biết
  11. Tặng bạn
  12. Về quê
  13. Hoa quì dại
  14. Bài học của cuộc đời

Với những đóng góp to lớn ấy, có thể nói Thiền sư Thích Thanh Từ là một trong những thiền sư đáng kính trọng nhất của Phật giáo Việt Nam thời hiện đại, một vị chân tu đạo hạnh và thực tiễn, một nhà hoằng pháp lớn đã dành cả cuộc đời mình để làm sống lại Thiền Tông đời Trần – mở ra một con đường tươi sáng cho Tăng Ni, Phật tử mãi mãi về sau.

Loading...