Tục thờ Thông Thiên là một tín ngưỡng thờ Trời phổ biến ở miền Nam nước ta. Theo tín ngưỡng dân gian thì Trời được xếp trước Phật trong các đối tượng được thờ, theo thứ tự Trời Phật Thánh Thần cho nên việc thờ Trời là việc đầu tiên của mỗi người và mỗi nhà.
Bàn thiên có từ thời khai hoang
Con người luôn cảm thấy mình cô đơn nhỏ bé trước cảnh thiên nhiên hùng vĩ, chỉ còn biết đặt niềm tin vào đấng thiêng liêng tối cao đó là ông Trời. Theo các kỳ lão thì lời khấn vái trước bàn thiên cũng giản dị nhầm cầu nguyện gia đình bình yên khỏe mạnh, tai qua nạn khỏi làm ruộng trúng mùa mà đối tượng cầu nguyện là trời đất.
Bàn Thông Thiên
Bàn Thông Thiên là danh từ để chỉ cho chỗ thờ phượng ở ngoài trời, thông thường nó gồm có một cây trụ cao hơn mặt đất chừng 2 thước và được đặt ở trong sân nhìn thẳng vào chính giữa nhà phía trên cây trụ người ta đặt một miếng ván vuông hoặc một tấm xi măng cốt sắt cũng vuông đơn giản nhất là người ta dùng miếng gạch tàu đặt lên đó. Trên chỗ thờ này nhất thiết có một lọ cắm hương hình trụ bằng sành đặt ở phía sau cùng, bên cạnh phía tay phải của người nhìn vào là một bình cắm hoa, trước lọ cắm hương đặt một cái dĩa đựng 4 chén chung nước. Dĩ nhiên nhà giàu người ta dùng toàn đồ sứ còn nhà nghèo có khi người ta dùng lon sữa bò để cắm hương, dùng cái chai xá xị hay hủ tương để cắm hoa. Ở phía sau bàn Thông Thiên có thể là cái hàng rào, hoặc trồng một cây hay chậu kiểng để làm bình phong thì người ta đắp đất cao hơn xung quanh, hoặc lót gạch để sau cơn mưa nền khô ráo cúng lạy dễ dàng, xung quanh người ta trồng hoa hay đặt những chậu kiểng để làm tăng thêm chỗ trang nghiêm thờ phượng.
Vì sao có bàn Thông Thiên
Người Việt chúng ta vốn có sẵn tín ngưỡng cho nên trong mỗi gia tộc đều có từ đường để mỗi năm con cháu tụ tập lại để cúng ông bà còn thôn làng thì có đình chùa hay đình thờ thần hoàng. Có những người sống lẻ loi ở vùng đất mới, không thể dựng nên cái đình nhưng do có lòng tin ông Trời là đấng tạo hóa muôn loài cho nên người ta lập bàn thờ lộ thiên ở trước sân nhà, chỗ trang trọng nhất để thờ đấng tạo hóa, rồi nhà nọ bắt chước nhà kia và lâu ngày thành một thứ tín ngưỡng.
Bàn thờ Thông Thiên là nơi nối kết tâm linh giữa con người với Trời
Vào những ngày quan trọng như mồng một hay ngày rằm thì có thêm hai chén đựng gạo, muối và mấy dĩa hoa quả. Hằng ngày vào lúc chập tối chủ nhà sẽ đốt một nén nhang, chắp tay đứng trước bàn thờ khấn vái, cầu Trời ban phước lành. Bàn thờ Thông Thiên chính là nơi nối kết tâm linh giữa con người với Trời, với tổ tiên, nơi giữ mối liên hệ giữa Trời và Đất cũng như giữa người sống và người đã khuất.
Ý nghĩa việc thờ Thông Thiên
Bàn thờ Thiên hay tín ngưỡng thờ Trời đã góp vào sự đa dạng và phong phú của đời sống tinh thần cũng như văn hóa phi vật thể của con người. Hơn nữa còn cho thấy nét đẹp văn hóa người Việt chính là sự tồn tại trong một không gian xã hội. Ðó cũng còn là kết quả của sự giao lưu văn hóa giữa người Việt và các tộc khác. Bàn thờ Thiên còn mang đậm đà tính mộc mạc, giản dị, chân thành của đất phương Nam thể hiện một sự gần gũi với đất với Trời. Con người thờ kính Trời như một đấng tối cao, giãi bày tâm hồn và tin nơi Trời cũng như phó thác cuộc sống riêng tư và gia đình nơi ông Trời siêu việt hằng quan tâm đến cuộc sống của người dân. Ðối với mỗi người nông dân thì ông Trời được xem là đối tượng có toàn năng, có phép màu và hơn nữa là có lòng từ bi để cứu giúp con người. Như vậy ông Trời được xem như một đấng siêu nhiên đã đi vào nhà của người nông dân Nam Bộ để thấu hiểu những tâm tư tình cảm, chứng kiến vui buồn và thấy được sự khó khăn vất vả của người nông dân để giang tay cứu giúp. Ông Trời trở nên gần gũi như tổ tiên, ông bà hay cha mẹ cho nên việc thờ cúng Trời là một việc hết sự tự nhiên.
Tục lệ này cho tới hiện này vẫn nhiều địa phương ở Nam Bộ vẫn giữ được nét văn hóa này, qua quan sát thì thấy bàn thờ Thông Thiên có thể mộc mạc và đơn sơ nhưng thể hiện sự chân thành, ẩn sâu trong đó là triết âm dương của người dân Đất Phương Nam nói riêng và tâm thức của người Việt nói chung.