Cố đô Huế bấy lâu nay được xem như một kho tàng còn lưu giữ rất nhiều những công trình văn hóa mang đậm tính lịch sử của thời phong kiến, cũng như là vùng đất có nhiều ngôi chùa cổ nhất của cả nước. Trong số đó, chứa đựng nhiều ý nghĩa lịch sử nhất, được xây dựng lâu đời nhất chính là chùa Thiên Mụ, hay còn biết đến là Linh Mụ. Ngôi chùa này bấy lâu nay được nhân gian nhuốm màu huyền thoại với biệt danh, “chùa Nhà trời”.

Hiện nay, tại chùa Thiên Mụ còn đang lưu giữ hai chiếc chuông. Một chiếc không bao giờ đánh được, đó là chiếc Đại Hồng Chung được đúc từ thời chúa Nguyễn Phúc Chu năm Canh Dần (1710) nay đặt ở bên phải tháp Phước Duyên mang ý nghĩa như một pháp khí của chùa, giúp mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an.

Còn một chiếc là nguồn gốc của tiếng chuông chùa Thiên Mụ. Chuông chùa Thiên Mụ được đúc vào thời vua Gia Long (1815) được đặt ở gác chuông nằm bên trái cổng chùa dẫn vào điện Đại Hùng phía trong.

Từ xưa đến nay tiếng chuông chùa Thiên Mụ vẫn được vang lên 2 lần trong ngày đó là lúc 19 giờ 30 và 3 giờ 30 sáng. Cái khó của việc gõ chuông Thiên Mụ là không phải bất kỳ ai cũng làm được. Tiếng chuông đầu tiên phải cất lên đúng vào lúc 19 giờ 30 và 3 giờ 30 mỗi sáng, đều đặn trong một tiếng đồng hồ và phải đủ 108 dùi (lần gõ). Với người tu luyện chưa có đủ công phu thì chắc chắn sẽ không làm chủ được bản thân để mỗi sáng thức dậy đúng và đủ thời gian để đánh đủ 108 tiếng chuông trong thời gian 60 phút mà không phải canh đồng hồ hay dùng bất cứ phương pháp nào để giữ nhịp.

Mỗi sáng sau khi thức dậy tĩnh tọa hành thiền, người đánh chuông chùa Thiên Mụ bước xuống khỏi thiền sàn và đi trong bước chân thiền từ tăng phòng đến tháp chuông, đánh tiếng đầu tiên đúng vào lúc 3 giờ 30, không được sai lệch.

Loading...

Giai thoại thiền môn kể rằng, cố hòa thượng Thích Đôn Hậu là một thiền sư gắn liền nhiều nhất với hạnh nguyện đánh chuông.

Lúc sinh thời, những khi còn khỏe, hòa thượng vẫn thường thức dậy đánh chuông chùa Thiên Mụ hằng đêm và tiếng chuông của ngài có âm thanh vang vọng thanh thoát một cách lạ thường.

Những người cao niên ở các làng xung quanh khu vực chùa Thiên Mụ như Nguyệt Biều, An Ninh Thượng, Long Hồ, Ngọc Hồ, Lựu Bảo, Xuân Hoa… cho biết, khi nào hòa thượng đi vắng hay đau ốm là biết liền. Bởi tiếng chuông chùa Thiên Mụ được người khác thay thế là biết ngay; âm sắc và nhịp điệu của tiếng chuông sẽ khác hẳn.

Tiếng chuông Thiên Mụ ngoài âm sắc của tiếng đồng được chế tác bằng một kỹ thuật đúc truyền thống hoàn hảo, nó được vang xa nhờ vào vị trí đặt chuông trên đồi cao, lại có dòng sông Hương trải dài như một chất dẫn truyền tự nhiên huyền diệu… Nhưng trên tất cả những yếu tố ấy còn có ẩn chứa một âm sắc vi diệu khó diễn đạt từ chính công phu thiền định và hạnh nguyện từ bi được chuyển tải trong mỗi tiếng chuông của người hành đạo.

Ngày nay, trước hàng vạn tạp âm của nhịp sống đô thị, tiếng chuông Thiên Mụ hằng đêm vẫn giữ nhịp thời gian, gửi vào trần thế tiếng thiền vi diệu.

Loading...