Trong các vị thần thời cổ, Táo thần (thần bếp) là vị thần theo sát cuộc sống của mọi người với vai trò tay chân của Ngọc Hoàng đến với muôn nhà, thường ngày ghi lại những công tội tốt xấu của mọi người để hàng năm vào 23 tháng Chạp lại trở về trời báo cáo với Ngọc Hoàng, làm cơ sở để Ngọc Hoàng thưởng cho cái tốt và phạt những cái xấu, cái ác.

Trong “Bão phác tử” của Tấn Cát Hồng còn nói: Cứ vào cuối mỗi tháng. Táo thần lại về trời để phản ánh tình hình nhân gian. Nếu ai có lỗi với Táo thần (Việt Nam hay gọi là Táo quân) bị Táo quân tố cáo với Ngọc Hoàng, tội nghiêm trọng thì bị cắt bớt 300 ngày sống, nếu tội nhẹ thì bị cắt 100 ngày sống! Kiểu phạt bằng cách cướp đi thời gian sống của đời người, thì ai mà không sợ. Vì thế, thời cổ dân gian hầu như nhà nào cũng hết sức mình thành tâm thờ cúng Táo quân không dám đơn sai. Tất nhiên mọi người thờ cúng Táo quân không chỉ vì sợ mà chủ yếu hơn là mọi người muốn cầu xin Táo quân ban cho mình những điều tốt đẹp.

Sách “Hậu Hán thư” có ghi một câu chuyện như sau: Vào năm Hán Tuyên Đế phong tước, có một người tên là Âm Tử Phương nấu cơm vào sáng sớm mồng 8 tháng chạp (8 tháng 12 âm lịch). Táo thần đột ngột xuất hiện. Nhà anh ta lúc này chỉ có một con chó, thế là Âm Tử Phương liền giết con chó để cúng Táo thần (chó được dùng để cúng tế gọi là “Hoàng dương”. Từ đó, Âm Tử Phương luôn gặp vận may, trở thành nhà giàu một cách nhanh chóng. Gia đình anh ta hưng thịnh. Làm nhà cao cửa rộng, không chỉ nhà ngói mà còn có ruộng tốt tới 700 khoảnh (đơn vị đo diện tích của Trung Quốc). Ăn thì toàn là sơn hào hải vị, mặc thì toàn là lụa là gấm vóc. Con là Âm Thức, Âm Hưng đều sáng láng, được làm quan to trong triều. Tin tức truyền đi, mọi người biết được Táo thần còn đem lại của cải giàu có cho mọi người, thế là uy phong của Táo thần ngày càng lớn.

Câu chuyện được thêu dệt, nhằm mục đích ổn định trật tự xã hội, buộc dân chúng phải an phận thủ thường. Còn việc dân gian cúng Táo thần là bắt nguồn từ sự sùng bái của loài người đối với “lửa”. Từ thuở hoang sơ con người vật lộn với thiên nhiên và học được cách dùng lửa. Lửa đem lại ánh sáng, hơi ấm cho con người. Và với thức ăn chín nhờ có lửa khiến cho thể chất con người khoẻ mạnh cường tráng hơn. Lửa dần dần trở thành một trong những vật sùng bái tự nhiên của con người, và vào mùa hè hàng năm người ta đều cúng Táo thần họ cho rằng Táo thần đã ban phúc đức cho loài người. Đống lửa không bao giờ tắt phải được ủ và đốt trong bếp vì thế thần lửa và thần bếp (hoả thần và Táo thần) là một.

Đời Hán, các đại sư nhà nho đã có cuộc tranh luận về Táo thần là nữ hay nam. Hứa Thuận dẫn kinh điển nói Táo thần là nam; Trịnh Huyền thì xuất phát từ thực tế phụ nữ là người nấu bếp chủ trì việc ăn uống, và cho rằng Táo thần là nữ. Cuộc tranh luận giới tính của Táo thần phản ánh quá trình diễn biến của tục thờ cúng Táo quân, từ thời hoang sơ, tiến vào xã hội Mẫu hệ, việc quản lý lửa thiêng và dùng lửa để nướng thức ăn, rồi chia cho từng người trong bộ lạc, đều do một phụ nữ có uy tín tối cao trong bộ lạc đảm nhận. Vì thế Táo thần cũng được tạo ra bằng hình tượng nữ tính. Vào thời kỳ phụ hệ, tất cả mọi quyền lực từ tay phụ nữ chuyển sang cho nam giới, giới tính của Táo thần cũng chuyển từ nữ sang nam. Từ đó, Táo thần là một vị Thần Linh nam tính đã ăn sâu vào trong lòng mọi người, trở thành một hình tượng sâu sắc nhất trong xã hội phong kiến. Vào ngày này các gia đình Việt Nam thường làm lễ dâng hương tiễn ông Táo. Ngoài những phẩm vật cúng lễ thường kỳ trong năm, người ta thường mua thêm 1 hoặc 2 con cá chép sống, cúng xong thường phóng sinh (thả) ra ao hồ, sông ngòi vì tin rằng cá chép sẽ hoá rồng đưa ông Táo lên Trời.

Loading...

Mũ và bài vị thờ ông Táo năm cũ được hoá (đốt) đi cùng với tiền, vàng (đồ mã) sau khi làm lễ tiến, đồng thời thay vào bàn thờ: mũ và bài vị mới. Chân hương cũ cũng được hoá cùng với đồ hàng mã cũ. Có người thường để lại 3 chân nhang cũ để thờ tiếp.

Lễ tiến ông Táo chầu trời thường được tiến hành vào chiều ngày 23 tháng Chạp âm lịch hàng năm.

Loading...