Theo sách Việt Nam phong tục, thì mỗi làng thường thờ một vị Thành hoàng làng, cũng có làng thờ hai, ba thậm chí năm, bảy vị thần Thành hoàng; tuy nhiên, trong đó có một vị làm chủ thần.

Mỗi vị Thành hoàng đều có một thần tích và thần phả riêng gắn liền với những đặc điểm, điều kiện tự nhiên và hoàn cảnh lịch sử của làng đó. Tuy nhiên, có trường hợp nhiều làng cùng thờ một vị Thành hoàng như thần Tản Viên được rất nhiều làng thuộc tỉnh Hà Tây thờ, mặc dù vậy nhưng thần tích của vị Thần này ở mỗi địa phương mỗi khác: ở làng Dô, Tản Viên được thờ vì công ơn của ngài trong việc dạy dân làm ruộng, ca hát; ở Sơn Đông, ngài lại được thờ bởi công đức dạy dân làm liềm cắt cỏ, gặt lúa, người đã dạy dân đan sọt từ mây, tre để làm dụng cụ gánh cỏ, gánh lúa …

Thành hoàng thường được thờ ở đình, miếu hay nghè tuy nhiên đôi khi có nơi thờ Thành hoàng ở chùa theo mô típ “Tiền thần hậu phật”. Với quan điểm “Tam giáo đồng nguyên” (ba đạo giáo một nguồn), nên nhiều vị chân tu đắc đạo vẫn được phong thần như: Đại pháp thiền sư Từ Đạo Hạnh (chùa Thầy – Hà Tây cũ) được phong làm Thánh tổ, tục gọi là đức Thánh Từ; Không Lộ thiền sư (chùa Keo – Thái Bình) được phong làm Thánh tổ, tục gọi là đức Thánh Không Lộ; Huệ Tộ thiền sư (chùa Cổ Tung – Nam Định), được phong làm Dực Bảo Trung Hưng – Linh phù tôn thần, tục gọi là đức Thánh Tu…

Bản sắc phong Thành Hoàng
Bản sắc phong Thành Hoàng cho Phi Vận tướng quân Nguyễn Phục làm Hiển Văn Chiêu Tiết Trung Đẳng Thần (click để xem ảnh to).

Ở các đình, miếu thờ thần đều có thần phả, còn gọi là Ngọc phả. Đây là cuốn sách ghi chép sự tích các vị thần được thờ (Thần tích). Thần tích phần lớn do Đông các Đại học sĩ Nguyễn Bính sưu tập và soạn thảo vào năm Hồng Phúc (1572), đời vua Lê Anh Tông, lúc đó đang đóng đô tại Yên Trường, Thanh Hóa vì ngoài Bắc đang nằm dưới sự quản lý của nhà Mạc. Sau này được Quản giám bách thần, Hùng Lĩnh thiếu khanh Nguyễn Hiền sao chép lại vào đời Lê Vĩnh Hựu (1735-1739). Một số thần phả xuất hiện vào đời vua Tự Đức (1848-1882). Các loại thần phả còn lại đến ngày nay, có nhiều lớp thông tin khác nhau chồng chất, thêm bớt, hiện đại hóa thần tích qua các lần sao chép lại hoặc mới biên soạn.

CẤP BẬC THÀNH HOÀNG

Xét theo công trạng mà các thần đã âm phù giúp nhà vua đánh giặc, giúp dân trừ thiên tai địch họa, bệnh dịch, tai ách và giúp dân lập ấp, mở nghề mà triều đình ra sắc phong cho các thần Thành hoàng thành theo các cấp độ như sau:

Loading...

Thượng đẳng thần bao gồm các vị thần có công lớn với dân, với nước, được nhà vua sắc phong và lập đền thờ như Trần Hưng Đạo, Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt, Phạm Ngũ Lão,… và các thiên thần được lưu truyền rộng rãi trong nhân gian về các công trạng của họ giúp dân, giúp nước như Tản Viên Sơn Thần, Thánh Gióng, Liễu Hạnh công chúa, Chử Đồng Tử… Tất cả các vị thần này đều có công trạng hiển hách và được vua sắc phong làm Thượng đẳng thần.

Trung đẳng thần là các vị thần hoặc các quan địa phương có công khai điền lập ấp, có ơn với dân, có khi là các vị thần mà dân làng thờ đã lâu, có tên họ mà không rõ công trạng, hoặc có quan tước mà không rõ tên họ, hoặc những vị thần có chút linh dị, cho tới khi vua cầu đảo, có ứng nghiệm thì triều đình phong làm Trung đẳng thần.

Hạ đẳng thần là những vị thần được dân làng thờ cúng tuy không rõ thần tích, nhưng cũng thuộc bậc chính thần. Triều đình theo dân làng mà sắc phong làm hạ đẳng thần.

Ngoài ba vị phúc thần trên, nhiều làng còn thờ cúng cả những vị thần kỳ dị như: thần ăn mày ở làng Thư Lan – Nam Hà; thần ăn trộm ở làng Lông Khê – Thái Bình; thần gắp phân ở làng Cổ Nhuế – Hà Nội; thần trẻ con, thần Tà Dâm… Theo cách giải thích của dân gian thì những vị thần này ngoài những khả năng khác thường, họ còn được thờ cúng bởi chết vào các giờ thiêng. Lúc đầu do sợ hãi mà dân làng thờ cúng sau lâu dần họ được thờ cúng nhằm giúp dân làng xua đi rủi ro, bảo trợ cho sự tồn tại và phát triển của cộng đồng làng.

Loading...