Ở Trung Quốc thời nhà Chu, thế kỷ VI-V trước Công Nguyên, để bảo vệ thành, hào, các bá Vương chư Hầu đã đặt ra thần Thành hào (hào có nước gọi là trì, không nước gọi là hoàng). Như vậy, Thành hoàng xuất hiện ở Trung Quốc cổ đại với tính chất là thần coi giữ, bảo vệ cho cái thành.
Ở Việt Nam, Thành hoàng là vị thần được tôn thờ chính trong các đình làng, là vị thần linh cai quản toàn bộ thôn xã, là thần hộ mệnh, phù hộ và che chở cũng như ban phúc cho dân làng.
Danh hiệu Thành Hoàng xuất hiện vào năm 822, Thời Đường Mục Tông và vị Thành Hoàng đầu tiên ở nước ta là vị nhân thần tên là Tô Lịch. Thái thú nhà Đường khi ấy là Lý Nguyên Gia, thấy ngoài cửa bắc thành Long Biên có một dòng nước chảy ngược mà địa thế khả quan, mới tìm và chọn một nơi cao ráo để dời phủ lỵ đến đó…Nhân dịp ấy, y giết trâu đặt rượu, mời khắp các vị kỳ lão hương thôn đến dùng và thuật rõ là muốn tâu vua Tàu xin phụng Vương (thần sông Tô Lịch) làm Thành Hoàng.
Đến khi Cao Biền đắp thành Đại La, nghe đủ sự linh dị, thì lập tức sắm lễ điện tế, dâng cho hiệu là Đô Phủ Thành Hoàng Thần Quân.
Đời Lý Thái Tổ lúc dời đô (năm 1010), thường mộng thấy một cụ đầu bạc, phảng phất trước bệ rồng…(Sau khi hỏi rõ lai lịch) nhà vua liền sai quan Thái Chúc đưa rượu chè đến tế, phong làm Quốc Đô Thăng Long Thành Hoàng Đại Vương. Dân cư đến cầu đảo hay thề nguyền điều chi, thì lập tức họa phúc linh ứng ngay.
Sau đó, các triều đại độc lập tiếp tục duy trì và phát triển bằng nhiều đợt sắc phong. Thời nhà Trần, Tô Lịch lại được phong thêm các mỹ tự: “Bảo Quốc vào năm Trùng Hưng thứ nhất, Hiển linh vào năm Trùng Hưng thứ tư, Định bang vào năm Hưng Long thứ 21. Đời Lê (1442) cho lập các đàn thờ các thần thiên nhiên để cúng tế. Vào thời Nguyễn, quan niệm chính thống về Thành Hoàng được duy trì và mở rộng ra các trấn, tỉnh. Dân ta tin rằng: Đất có Thổ công, sông có Hà bá; cảnh thổ nào phải có Thần hoàng ấy; vậy phải thờ phụng để thần ủng hộ cho dân, vì thế mỗi ngày việc thờ thần một thịnh…
Như vậy, việc thờ Thành hoàng xuất hiện ở nước ta ban đầu là ở đô thị do nhu cầu cần có một vị thần bảo hộ cho một thành trì. Còn ở các làng quê, nông thôn Việt Nam thì thật khó có thể xác định chính xác niên đại của các Thành hoàng. Theo các nguồn tư liệu khác nhau thì có lẽ Thành hoàng du nhập về nông thôn nước ta từ vào khoảng thế kỷ 13 đến thể kỷ 15. Tuy nhiên, đặc điểm nổi bật của Thành hoàng nông thôn Việt Nam là những vị thần đã được nhân dân thờ từ trước, sau đó mới được vua phong tước vương với danh vị Thành hoàng.
Tại đình Phi Xá, xã Canh Hoạch, huyện Tiên Lữ (nay thuộc tỉnh Hưng Yên), có tấm bia ghi rõ Trần Thái Tông (1225-1258) phong Đoàn Thượng Phúc làm phúc thần, nhưng bia lại dựng vào năm 1563; còn hai chữ Thành hoàng lần đầu tiên được ghi trong văn bản là tấm bia xã Thường Sơn (Thủy Nguyên, Hải Phòng) thờ ông tù trưởng Lại Bốn, cũng người đời Trần, do tiến sĩ Nguyễn Đình Tuấn soạn, dựng năm 1487, kể rõ Thành hoàng ở đây do bốn xã thờ chung. Vị Thành hoàng này hiệu là Lã Nam Để Đế Lang. Đây là nguồn tài liệu quý chứng tỏ cuối thế kỷ 15 đã có việc thờ Thành hoàng ở nông thôn.
Việc thờ Thành hoàng ở làng xã trở nên phổ biến khi triều đình biểu dương công trạng của các bậc trung thần, nghĩa sĩ và những người có công lao với nước bằng việc lập đền cho dân làng ở gần thờ khi họ hy sinh vì dân, vì nước hay khi họ chết đi. Tục này lan truyền từ làng nọ sang làng kia, làng nào cũng muốn tìm một vị làm chủ tế của làng mình. Làng nào có người anh hùng hào kiệt, hay có công khai lập làng, lập ấp thì khi mất đi rồi dân làng sẽ thờ ngay người đó, làng nào không có thì đi cầu lấy một vị về thờ,… cho nên làng nào cũng có đình, có đền hoặc miếu thờ.
TÓM LẠI,
Thành hoàng là một biểu tượng cổ xưa có gốc từ Trung Hoa để chỉ vị thần đại diện cho một tòa thành lớn có hào bao quanh, vị thần này được thờ nhằm để bảo vệ cho tòa thành đó. Tín ngưỡng thờ Thành hoàng bắt đầu du nhập vào Việt Nam từ thời nhà Đường (khoảng thế kỷ thứ IX) rồi phát triển qua các triều đại phong kiến độc lập của nước ta. Các Thành hoàng được phong các mỹ tự, các tước vị được phong là do có công giúp dân, giúp nước.
Tuy nhiên, việc thờ vị thần cai quản thành trì này không sâu đậm và không dài lâu ở các thành đô ở nước ta. Tín ngưỡng thờ Thành hoàng bắt đầu lan truyền đến các vùng nông thôn nơi tín ngưỡng thờ thần in đậm dấu ấn trong nét văn hóa của người dân làm nông nghiệp lúa nước. Chẳng bao lâu, nhân dân đồng lòng suy tôn Thành hoàng làng là những vị thần bảo vệ cho cuộc sống của người dân trong làng, nhất là những nhân vật lịch sử từng có công tạo lập hay phát triển đời sống kinh tế – văn hóa – xã hội cho làng, nước.
Trước hết, đó là những người anh hùng có công đức lớn với dân, với nước như Hai Bà Trưng, Trần Hưng Đạo, Trần Quốc Tảng…, hay những vị thần linh truyền thuyết đã giúp dân chống thiên tai như Thần núi Tản Viên, hay những người có công khai ấp, lập làng, dạy dân các nghề thủ công… Ngoại lệ, cũng có làng còn thờ cả các vị Thành hoàng vốn làm những nghề không mấy vinh quang như ăn xin, ăn trộm, gắp phân…
Thành hoàng làng đảm bảo cho sự thống nhất cộng đồng. Trải qua tiến trình lịch sử, Thành hoàng được thiêng hóa, lịch sử hóa. Xu thế lịch sử hóa Thành hoàng chứng tỏ người dân luôn mong muốn cho làng mình gắn bó với lịch sử dân tộc.