Sang mồng Một Tết, pháo lại nổ ran. Ngoài sân pháo nổ, trong nhà bày mâm cỗ để cúng ông bà ông vải tại bàn thờ gia tiên, gọi là lễ Chính đán.
Lễ phẩm gồm tất cả những thứ đã chuẩn bị từ trong Tết. Chính đán là lễ cúng long trọng nhất mở đầu cho cả một năm, nên được mọi người hết sức chú ý. Sự bày biện mâm cỗ tươm tất không những có ý nghĩa biểu hiện lòng hiếu thảo, tôn kính của con cháu đối vói tổ tiên, mà còn là một dịp trình diện với xóm làng về khả năng lo liệu tết nhất của mình. Những người con thứ đã ra ở riêng, hoặc thuộc các ngành thứ, làm cỗ đơm ở nhà trưởng để cúng ông bà.
Cúng gia tiên xong, các hàng chú bác và con cháu mọi gia đình đến nhà thờ tổ làm lễ tế Tổ. Các bậc hào trưởng hương lý ra đình làm lễ tế Thần. Tế Tổ và tế Thần theo nghi thức trọng thể, hết cả buổi sáng. Nhiều nơi có tục tế đình xong một số quan viên đại diện cả làng đi lễ yết các cửa họ.
Những người cùng một họ (chỉ riêng đàn ông) sau khi lễ tổ tiên các nhà trong chi họ mình rồi, đến lễ tổ tiên các nhà chi trên và chi dưới, đồng thời chúc Tết. Họ to nhiều nhà, thì anh em cắt đặt chia nhau đi lễ, để chỉ trong ngày mồng Một phải đi hết.
Đi lễ Tết, vào nhà phải đến lễ tổ, và chúc mừng năm mói. Phải vào lễ trước bàn thờ gia tiên bốn lậy ba vái, rồi mới ngồi nói chuyện, uống nước, ăn trầu. Ngày Tết có lệ bất cứ ai đến, không kể giờ giấc nào, xong tuần trầu nước, cũng mời uống rượu, ăn cỗ, ăn bánh. Khách cũng phải giữ lễ nhấm nháp chút rượu, ăn bánh hoặc mứt.
Ngày nay, việc tổ chức đi thăm họ hàng, làm cơm cúng đầu năm không nhất thiết phải tuân thủ theo thời gian nghiêm ngặt. Có gia đình chỉ cúng chiều 30, có nhà lại cúng sáng mồng Một. Tuy nhiên, gia đình nào cũng làm lễ này và rất thành kính khi làm lễ.
Cũng trong buổi sáng mùng Một, nhiều nhà còn mang lễ vật ra chùa, đến, đình, miếu để thắp hương cúng bái. Khác với đình miếu, lễ phẩm cúng ở chùa chỉ là oản, chuối, hương hoa, chứ không bày cỗ mặn.