Sinh lão bệnh tử là quy luật lẽ thường của tự nhiên, cái chết không loại trừ bất cứ ai. Việc tổ chức tang lễ cho người thân quá cố là vấn đề đang được mọi người quan tâm. Ở các thành phố hay thị xã thì tang lễ hầu như do các nhà tang lễ đảm nhiệm nhưng ở nông thôn thì hầu hết đều do gia đình cùng với làng xóm đứng ra tổ chức nên về hình thức mỗi nơi mỗi cách với nhiều thủ tục khá rườm rà. Lễ tang là một tập tục có từ rất lâu bắt nguồn từ gia lễ thời xưa của Trung quốc. Ngày nay, tập tục này mặc dù đã lỗi thời nhưng vẫn được áp dụng rộng rãi trong nhân dân. Nói đến lễ tang là ta phải xét đến tôn giáo, tùy theo tín ngưỡng của từng tôn giáo mà chúng ta có những cách thức tiến hành lễ tang  khác nhau. Thật ra cùng với sự phát triễn mạnh mẽ của xã hội, của những nhận thức tiến bộ trong cuộc sống đầy tất bật như hôm nay mấy ai trong chúng ta có đủ thời gian, tiền bạc…và đủ tín ngưỡn để có thể thực hiện đầy đủ các tập tục mang ít nhiều màu sắc của sự hủ tục, mê tín dị đoan này. Tuy nhiên, con người ta chết không có nghĩa là không còn nữa mà theo nhiều người chết chỉ là mất đi. Một vật vừa mất đi tức là nó vẫn còn hiện hữu đâu đó.

Tang lễ dưới ảnh hưởng của Phật giáo

Có thể khẳng định rằng Đức Phật không dạy một nghi thức cầu nguyện nào về lễ tang, ngoại trừ những bài kinh có nội dung trợ niệm cho người sắp qua đời. Sự thật này được tất cả các truyền thống Phật giáo chấp nhận. Tuy nhiên các nghi lễ cầu nguyện dành cho lễ tang lại được chư Tổ soạn ra nhằm mục đích phục vụ nhu cầu tín ngưỡng quần chúng và làm phương tiện độ sanh. Tồn tại cùng với nền văn hóa bản địa ở Trung Quốc cũng như Việt Nam các tôn giáo ngoại nhập buộc phải thích nghi để tồn tại và một trong những thích nghi quan trọng là nghi lễ cầu nguyện. Mặc dù vậy nghi lễ Phật giáo lại không đóng vai trò nòng cốt trong một lễ tang của tín đồ Phật tử Việt Nam mà nó chỉ chiếm một phần nhỏ quan trọng trong nhiều yếu tố pha trộn bao gồm tôn giáo và tập tục. Về hình thức lễ tang biểu hiện có sự ảnh hưởng của Phật giáo qua ba yếu tố gồm hình tượng Phật hay Bồ-tát, sự hiện diện của chư Tăng Ni hay cư sĩ Phật tử và lời kinh Phật được tán tụng. Trong ba yếu tố trên thì sự hiện diện của chư Tăng Ni là yếu tố quan trọng nhất biểu hiện sự ảnh hưởng của Phật giáo trong lễ tang. Một yếu tố quan trọng hơn biểu hiện sự ảnh hưởng trực tiếp của Phật giáo trong lễ tang chính là nội dung đóng góp của nó. Khi một người thân qua đời gia quyến thường bối rối vì một phần bị tình cảm chi phối và một phần do không rành các tập tục quy định. Hơn nữa sự đau buồn thương tiếc và lòng hiếu thảo hay ân nghĩa luôn thúc giục họ làm điều gì đó hữu ích cho người quá cố và sự siêu độ hay vãng sanh là điều họ mong muốn. Do đó mà Tăng Ni luôn là điểm đầu tiên họ tìm đến nương nhờ. Sự có mặt của Tăng Ni và sự hướng dẫn nhiệt tình khôn khéo của họ sẽ giúp cho an ủi gia quyến phần nào và tạo cho họ cũng như những người xung quanh những hình ảnh đẹp về Phật giáo. Đó là nội dung pháp sinh động của đạo Phật đang được tuyên dương.

Tang lễ có sự khác biệt vùng miền

Sinh sống ở vùng đất mới phương Nam, tuy có chịu ảnh hưởng từ văn hóa Bắc Trung nhưng trong tập tục tang ma thì người Nam bộ vẫn có những nét khác biệt so với miền ngoài. Nếu như nhiều tỉnh ở miền Bắc có tục cải táng sau 3 năm, thì ở Nam bộ chỉ có thói quen xây sẵn kim tỉnh tức xây sẵn huyệt mộ chuẩn bị cho người chết mà có khi nhiều năm sau người ấy mới chết. Nhưng đến nay thì không còn phổ biến lắm. Khác hẳn với người Miền Bắc khi đưa đám ma thì không khí phải tang thương, rầu rĩ hay ở làng có ai đó mất dân làng sẽ đến chia buồn, những người thân trong nhà ai cũng khóc lóc thảm thiết khiến cho những người đến chia buồn cùng tang gia cũng ngậm ngùi, không kìm nổi nước mắt. Còn người Miền Nam đặc biệt là người Sài Gòn việc ra đi của một người trong gia đình nhẹ nhàng quá. Họ nhờ các sư thầy về tụng kinh để cầu cho người đã mất siêu thoát còn những người khác vẫn cười đùa rất như bình thường có khác chăng là hôm đó có thêm cái khăn trắng chit trên đầu. Đặc điểm thứ hai của đám tang ở Nam Bộ là nhạc lễ. Với tên gọi của nó đã cho thấy không phải để mua vui mà để tăng tính trang trọng cho tang lễ khác với dàn nhạc vui chơi giải trí là đàn ca tài tử.  Ngoài việc phục vụ cúng tế theo nghi lễ vào lúc đêm khuya vắng người theo yêu cầu của gia chủ hoặc những người dự tang thì ban nhạc lễ cũng có thể hòa tấu những bài nhạc trong khuôn khổ nhạc cổ, nhạc lễ nhưng không có ca hát. Việc làm này có ý nghĩa làm không khí bớt cô quạnh vắng vẻ chứ không nhằm để vui. Người Việt từ Bắc vào Nam cũng có những điểm thống nhất một nền văn hóa Á đông trong hầu hết những giá trị chuẩn mực.

Một số hướng dẫn chung về lễ tang

Đám tang trong ngày tết

Ngày tết nguyên đán là ngày vui cổ truyền của dân tộc nó có ý nghĩa rất thiêng liêng. Gia đình phải gác mối sầu riêng để hòa cùng niềm vui của toàn dân tộc. Vì vậy có tục lệ cất khăn tang trong ba ngày tết. Nhà nào có đại tang thì kiêng không đi chúc tết hay mừng tuổi bà con. Ngược lại bà con xóm giềng lại cần phải đến chúc tết và an ủi những gia đình bất hạnh. Trường hợp gia đình có người chết vào ngày giáp tết thì gia đình phải định liệu được thì giờ chôn cất trước ngày tết nếu để sang năm mới thì có nhiều điều bất tiện. Đa số các gia đình kiêng không để sang ngày mồng một đầu năm nhưng trường hợp chết đúng ngày mồng một tết thì không phát tang vội nhưng phải chuẩn bị mọi thứ để sáng mồng hai mới làm lễ phát tang.

Loading...

Lễ cưới đã chuẩn bị sẵn nhưng vấp phải lễ tang

Cuộc đời thì có hạn nhưng không ai biết trước mình sẽ chết lúc nào. Theo lễ nghi thì trong khi nhà có tang nhất là đại tang thì phải tránh mọi cuộc vui. Nhưng lễ cưới đã chuẩn bị sẵn nếu quá câu nệ thì qủa gay go cho cả hai gia đình, nhất là các gia đình mà cả đôi bên ông bà đều đã già có khi đợi đến bảy tám năm sau cũng chưa hết tang. Vì vậy mới có tục lệ cưới chạy tang. Khi đó người chết được cho nằm tạm trên giường, đấp chăn lại, chưa nhập quan hoặc làm lễ nhập quan nhưng chưa làm lễ thành phục . Hàng xóm tuy biết nhưng khi gia đình chưa phát tang thì chưa thể đến viếng. Trong khi đó cả hai gia đinh chuẩn bị gấp đám cưới, cũng làm đủ lễ nhưng lễ vật rất đơn sơ, bó hẹp trong phạm vi gia đình và một vài thân nhân. Khách, bạn đã mời thì sẽ thông cảm sau. Công việc cưới gả xong xuôi thì mới bắt đầu phát tang. Cô dâu, chú rể mới trở thành thành viên của gia đình, chịu tang chế như mọi con cháu khác. Trường hợp nhà có đám cưới mà hàng xóm lân cận có đám tang. Người biết phép lịch sự và có lòng nhân ái không bao giờ cười đùa vui vẻ trước cảnh buồn thảm của người khác. Trong trường hợp trên thì người ta vẫn tiến hành lễ cưới nhưng không nên làm huyên náo, tránh tình trạng kẻ khóc người cười.

Dự đám tang

Dù thân hay sơ nếu ta đi đến dự đám tang thì phải thật nghiêm túc và biểu lộ lòng thành kính đối với người đã khuất. Ngoài ra, đám tang thường kéo dài đôi ba ngày cho nên việc ăn uống là không tránh khỏi nhưng chỉ nên hạn chế trong số người đến giúp việc và những thân nhân ở xa về. Đối với bà con, lối xóm hay khách bạn…thì tang lễ không phải là dịp để trả nợ miệng cho nên tự hạn chế mình, giúp được việc gì thì tận tình giúp nếu không tiện về nhà ăn cơm thì cũng không nên hạch sách, trách móc theo thói cũ vì như thế sẽ không hay ho gì cả. Khi dự đám tang không ăn mặc lòe loẹt, hở hang mà cần phải trang nghiêm, kín đáo.

Đi đường gặp đám tang

Nếu gặp đám tang ngược chiều dù vội đến đâu thì chúng ta cũng phải nhường đường cho đám tang đi qua, có những người còn lịch sự ngã mũ, nón để cúi chào. Ngược lại đòan xe tang khi di chuyển cũng phải nghiêm túc, trật tự, đi có hàng lối và tuân thủ trật tự giao thông.

Hơi lạnh xác chết

Nhiều người công nhận rằng theo cảm giác thì người mới chết lạnh hơn nhiều so với nhiệt độ bình thường của con người cũng như của môi trường xung quanh. Hiện tượng hơi lạnh ở nhà người mới chết là có thực và hiện tượng vướng phải hơi lạnh bị ốm cũng khá phổ biến nhất là đối với những người bị các chứng bệnh kinh niên còn đối với những người mạnh khỏe thì không mấy ảnh hưởng. Vì vậy để phòng xa, người ta không cho các bậc cao lão hay phụ nữ có thai sắp đến ngày sinh đến dự khi tẩn liệm, an táng và cải táng. Tục xông khói chính là để đề phòng có người bị hấp thụ bởi hơi lạnh. Tục này yêu cầu người ta phải xông khói rồi mới được vào nhà. Những người đi dự lễ tang cũng có thể phòng hơi lạnh bằng cách ngậm gừng sống hay uống nước lá nhót….trước và sau khi đến viếng lễ tang.

Đám tang hay đám ma là một trong những phong tục của Việt Nam. Bao gồm nhiều quy trình của những người đang sống thực hiện đối với người vừa chết tang lễ được tổ chức khác nhau ở các dân tộc trên Việt Nam và mỗi một dân tộc có những nghi lễ tổ chức khác nhau mặc dù không nhiều nhưng đều có những bước cơ bản tương đối giống nhau ở các người Kinh cũng như các dân tộc thiểu số khác.

Loading...