Vào mỗi nhà thờ ta trông thấy những tấm biển gỗ treo cao nằm ngang trên mé trước giường thờ chiều ngang ăn suốt gian nhà vào khoảng ba thước, chiều cao độ từ một thước tới thước hai có khắc những chữ thật lớn, thường là ba,bốn chữ.
Những biển gỗ này chính là những bức Hoành phi. Có bức hoành phi sơn son chữ vàng, có bức sơn đen chữ đỏ hoặc vàng, cũng có bức sơn son hoặc sơn đen chữ khảm xà cừ. Có những bức hoành phi hình cuốn thư.
Những nhà nghèo không có hoành phi bằng gỗ thường dùng những tấm cót đóng nẹp rồi dán lên những tấm giấy đỏ có viết đại tự treo thay hoành phi gỗ.
Những chữ viết trên hoành phi tỏ lòng tôn kính của con cháu đối với tổ tiên hoặc để ghi tụng công đức của tổ tiên.
Dưới đây là những chữ đại tự thường thấy trên các bức hoành phi.
– KÍNH NHƯ TẠI nghĩa là con cháu kính trọng tổ tiên như tổ tiên lúc nào cũng tại vị trên bàn thờ.
– PHÚC MÃN ĐƯỜNG nghĩa là gia đình đầy đủ dư phúc đức.
– BÁCH THẾ BẤT THIÊN nghĩa là bao giờ con cháu cũng ăn ở đúng mực không thiên lệch v.v…
Có gia đình chỉ treo tại bàn thờ tổ tiên một bức hoành phi, có gia đình sung túc treo tới hai ba bức, viết theo hai ba lối chữ chân thảo triện lệ, mỗi bức một lối chữ và một câu khác nhau.
Trên bức hoành phi, ngoài những chữ đại tự còn có ghi niên hiệu năm làm vào mùa tháng nào họặc tên tuổi người con cháu nào đã cúng vào nhà thờ bức hoành phi. Trường hợp hoành phi có ghi tên người cúng thường là hoành phi tại các nhà thờ Tổ họ hay Trưởng chi họ.