Hôm nay Như Tịnh Giác đi dự lễ Vu Lan ở ngôi chùa trên Ba Vì và gặp một người bạn cũ rồi nói chuyện rất lâu. Người bạn ấy ngày trước cũng có ý định muốn xuất gia, nhưng vì bố mẹ phản đối rất gay gắt nên đã không dám vượt qua khỏi rào cản của gia đình. Cô bạn vừa tâm sự vừa khóc nói: “Nếu ngày đó bố không dọa từ bỏ, mẹ không dọa tự tử thì cũng đi tu. Sợ làm đứa con bất hiếu nên ở nhà học hành và lấy chồng sinh con… Giờ ân hận, biết thế ngày đó cứ quyết tâm đi thì bây giờ đâu khổ thế này…”

Sư cô bảo rằng: “Ngày trước, lúc sư cô xin đi tu, mẹ sư cô cũng chửi con đừng có bất hiếu như anh con. Nếu đứa nào nói đến chữ CHÙA trong cái nhà này thì mẹ sẽ nhảy giếng cho coi”. Nhưng với sự kiên trì và quyết tâm, sư cô tập ăn chay trường 2 năm trời từ năm lớp 7, không để ý bất cứ những lời gièm pha khích bác bao người khi chưa biết Phật Pháp.

Trong khoảng thời gian dài như vậy, cuối cùng bố mẹ sư cô đành đồng ý cho thêm một đứa con gái xuất gia.

Vào cái thời năm chín mấy, người xuất gia ở tỉnh sư cô rất ít. Đó là điều rất lạ lẫm với bao người. Vì trong lòng người ta cứ nghĩ ai đi tu cũng là do chán đời, là do thất tình, là do căn cao số nặng mới vào cửa Phật. Cho nên trong dòng họ lên án và cho rằng bố mẹ sư cô không dạy được con cái; con cái bất hiếu không nghe lời cha mẹ…v.v.

Từ một đứa bé học sinh dân tộc thiểu số – mặc dù không được tiếp cận với môi trường Phật Pháp. Nhưng có lẽ nhân duyên nhiều đời, khi nhìn thấy hình tượng Phật và Bồ Tát, cầm trên tay cuốn sách mỏng mang tên “Ngôi Nhà Thực Sự” thì sư cô hiểu được đúng là thế gian này thật vô thường, chẳng có gì là bền chắc cả. Trong lòng càng trỗi dậy quyết tâm xuất gia.

Loading...

Các cô bác hai bên nội ngoại xúm nhau la mắng, chửi là ngỗ nghịch bướng bỉnh làm khổ cha mẹ… Sau bao nhiêu năm nhìn lại, những người bạn cứ nghĩ rằng ở nhà là báo hiếu cha mẹ nhưng các bạn đã làm được những gì cho cha mẹ? Bố mẹ nuôi hết cấp 3, lên đại học, lo kiếm công ăn việc làm cho con, rồi lo dựng vợ gả chồng. Có con rồi thì phải lo chăm bẵm cháu cho con mình…. Con có phước thì lấy được người chồng thương, ngược lại nay khóc lóc mai lo sầu khiến cha mẹ cũng một đời cực khổ theo.

Người xuất gia thì sao? Từ lúc sư cô bước chân theo Phật; từ chuyện học hành, vui buồn sướng khổ cũng không làm cha mẹ lo lắng. Vì mình tự biết tu thì nghiệp đến hoan hỷ trả nợ.

Người ở tại gia thì sao? Nếu ai giỏi lắm thì lo được cho gia đình được đầy đủ là khá lắm rồi. Nhưng mọi người có được thời gian để lo cho bao người khác không? Cũng rất khó.

Người xuất gia, tuy cực khổ, phải từ bỏ những thú vui của thế gian… Nhưng cái mà người xuất gia nhận được đó là niềm an lạc cho mình và cho người. Tất cả những việc người xuất gia làm là vì tha nhân, vì con đường hoằng Pháp lợi sinh. Tất cả những điều đó về thế gian khi không làm khổ cha mẹ đã là điều báo hiếu. Cộng thêm công đức tu hành và những thành quả người xuất gia đang phụng sự thì chẳng những cha mẹ đời này được an vui mà cha mẹ nhiều đời cũng được lợi lạc sao?

Cho nên, một người xuất gia tu hành chân chính là đang làm việc ĐẠI HIẾU VỚI CHA MẸ mà chúng ta cần noi theo gương hiếu hạnh của các bậc tiền nhân đi trước đó. Cả nhà nhìn sư cô cười (tuy răng to) và ánh mắt của người mẹ thì cũng cảm nhận được niềm hoan hỷ đúng không?

Chúc tất cả mọi người nhân mùa Vu Lan luôn làm được nhiều điều tốt đẹp cho cha mẹ vui lòng.

P/S: Chúc những ai đang có ý định xuất gia hãy suy xét kỹ và giữ vững lập trường lý chí để mai này không phải nói hai chữ: ” Giá như” nhé.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Như Tịnh Giác

Loading...