Chùa Cầm Thực nằm cách chùa Suối Tắm gần 2km, cạnh dốc Mụ Chị thuộc đất Phạm Hồng Thái Đông, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh. Chùa còn có tên là Bóng Thiêng, Linh Nhâm (tên thiền sư có công xây dựng chùa). Chùa Cầm Thực tọa lạc trên một đỉnh núi tròn như “mâm xôi” ở về phía trái lộ trình vào Yên Tử. Cảnh đẹp không khác gì chốn “bồng lai”, “tiên cảnh”.

Tục Truyền

Hơn 700 năm trước, Vua Trần Nhân Tông cùng đệ tử Bảo Sái sau khi xuống suối tắm gội sạch bụi trần, tiếp tục lộ trình vào Yên Tử. Trời đã sang trưa, Bảo Sái mở túi lấy cơm chay mời Thầy dùng bữa mới sực nhớ suất ăn của hai Thầy trò đã bố thí cho người hành khuất ở Cửa Ngăn. Vua Trần vui vẻ cùng Bảo Sái uống nước suối thay cơm rồi nghỉ trưa trên núi “mâm xôi” này. Để ghi lại sự tích trên, người xưa dựng chùa đặt tên là: “Cầm Thực” (có nghĩa là “không ăn”) như thế khắc ghi đức bố thí cứu độ chúng sinh của Vua Trần Nhân Tông và đệ tử Bảo Sái.

Lịch sử hình thành và phát triển

Chùa Cầm Thực xưa được xây dựng vào thời Trần, hiện nay chỉ còn lại dấu tích sau nhiều lần trùng tu và tôn tạo.

Thời kháng chiến chống Pháp do hỏa hoạn, toàn bộ tượng pháp, đồ tế khí được phật tử chuyển về thờ tại chùa Suối Tắm. Nền chùa chỉ còn đông gạch vụn và một bát nhang hương lạnh khói tàn. Bổn bề, vài gốc cây to lửa cháy nằm trơ trỏng. Di tích chỉ còn vài ba cây tháp đổ và một lăng xây vào thời Nguyễn khá nguyên vẹn. Đỉnh lăng đúc hình hoa sen cách điệu nâng đỡ bình đựng nước cam lồ của đức Phật Quan âm Bồ Tát. Đường nét kiến trúc rất tinh vi. Trong lăng vẫn còn tấm bia đá khắc chữ Hán vào năm 1934 Hoàng Triều Bảo Đại năm thứ 9, ghi lại lòi phát nguyện của một phật tử khi công đức Tượng vào chùa.

Năm 1988, cụ quản tự Bùi Văn Hài (là người địa phương) cùng các Phật tử đã thu nhận công đức của thập phương để xây dựng ngôi chùa, nhà khách, cổng tam quan và dựng mô cầu. Cầu xây chưa xong thì cụ tịch (tháng 6 nàm 1994). Người sau hoàn thiện phần còn lại.

Loading...

Mùa thu năm 1993, một Việt Kiều ở Canada tên là Lê Khắc Hoa, người Thủy Nguyên (Hải Phòng) đã phát tâm công đức xây lát đường lên chùa Cầm Thực. Đường dài hơn hai trăm mét, bậc đá kè bằng vữa xi măng.

Năm 2004, bằng nguồn vốn đầu tư của Nhà nước và nguồn công đức của thập phương, chùa Cầm Thực được xây dựng lại khang trang như ngày nay, gồm có: chính điện, nhà Mẫu, các công trình phụ trợ.

Cảnh quan và kiến trúc

Trước lúc lên chùa, du khách phải qua cầu. Cây cầu ba nhịp, mặt cầu cong duyên dáng, thành cầu trang trí búp hoa sen chưa nở. Nhiều du khách thích quay phim, chụp ảnh khi đứng trên cầu này. Phía bên kia cầu là cổng tam quan, dáng vẻ cổ kính, đắp nối đôi câu đôi viết theo chữ thảo:

“Cổ tự lưu danh Linh Nhâm Tự
Kim thời hiển tích Trúc Lâm Thiền”

Dịch nghĩa:

“Từ xưa vẫn lưu danh ngôi chùa Bóng Thiêng
Thời nay sự tích Thiền Trúc Lâm còn hiển hiện”

Đôi câu đối này do đại tá Hải quân đã về hưu tên Nguyễn Thi tiến cúng vào năm 1993.

Trên cổng tam quan và đoạn đường dổc lát đá, du khách dừng chân trước sân chùa. Xung quanh chùa xum xuê cây trái. Quả trứng gà sai chiu chít vàng ươm. Quả hồng đỏ thắm như hàng trăm chiếc đèn lồng treo lơ lửng. Quả mận tím trĩu cành lúc lỉu. Trước chùa, có tấm biển đá giới thiệu sự tích chùa Cầm Thực.

Đứng ở sân chùa, ngắm cảnh trí nơi đây, du khách không khỏi ngỡ ngàng vì sự lựa chọn thế đất dựng chùa của thiền sư Linh Nhâm. Cả một vùng đồi núi gối nhau như dải sóng, duy quả núi này đứng riêng rẽ tách bạch. Gió nồm nam hút vào khoảng không dược tạo nên bởi hai cánh núi loe ra như miệng phễu, thổi vào chính hướng chùa. Ngày hè oi bức, bốn bề cây côi im phăng phắc, riêng ở nơi đây cây lay, lá động gió mát tràn về như ngồi trên bãi biển. Lên chùa hóng mát dịp hè thật thú vị!

Chùa có kết cấu kiến trúc bằng bê tông cốt thép, hình chữ “Đinh” (J) gồm 3 gian 2 chái, chiều dài 14,31m; chiều rộng 7,11m; Hậu cung 7,19m x 6,87m, mái lợp ngói vẩy, tường chùa xây gạch đỏ không trát, bờ nóc đắp vữa ở giữa đắp một hình chữ nhật không có chữ, hai đầu nóc đắp hình Rồng, vân mây. Bốn bờ mái xuôi dài tạo ra bốn đầu đao cong lên với những hình lá, vân mây cách điệu.

Tượng thờ trong chùa được bài trí theo kiến trúc chùa Việt và Phật giáo Đại thừa. Tiền đường bên trái thờ Đức Chúa Ông, tiếp theo là Hộ pháp Khuyến thiện. Bên phải là ban thờ Thánh tăng, Tổ Bồ Đề Đạt Ma. Hậu cung chia thành 5 cấp: Cấp trên cùng là 3 pho tượng Tam Thế Phật; cấp thứ hai là Phật A-Di-Đà ở giữa, Quán Thế Âm Bồ Tát bên trái, Đại Thế Chí Bồ Tát bên phải; cấp thứ ba là Tam Tổ Trúc Lâm; cấp thứ tư là Ngọc Hoàng, Nam tào, Bắc Đẩu; cấp thứ năm là Toà Cửu Long. Bên trái Hậu cung là Quan Âm Chuẩn Đề, bên phải là Quan Âm Bồ Tát.

Điện thờ Mẫu ở bên phải chùa, kết cấu kiến trúc bê tông cốt thép, tường xây gạch đỏ theo kiểu nhà hình chữ “Nhất” (-), chiều dài: 9,39m; chiều rộng: 5,3m, mái lợp ngói vẩy. Bờ nóc đắp vữa không trang trí, hai đầu nóc đắp hình đấu vuông loe, trên thót dưới. Phía dưới bờ mái được xây thành tường thấp theo thế tam cấp. Cửa chùa được làm bằng gỗ lim, cánh cửa kiểu “Thượng song hạ bản”, ở trên con song tiện, ở dưới là bản gỗ trơn không trang trí tạo sự thông thoáng và dáng vẻ cổ xưa. Đầu hồi cửa sổ hình vuông trang trí hình chữ Thọ. Tiền đường cao hơn sân 0,75m, bậc lên được làm bằng đá xanh, hai bên lan can đá xanh trạm trổ hình Rồng cách điệu. Chính điện là ban thờ Mẫu, bên trái là ban thờ Đức Thánh Trần. Tượng thờ trong chùa và điện thờ Mẫu có niên đại muộn và được bài trí thờ từ khi xây dựng lại chùa.

Toàn cảnh chùa Cầm Thực:

Loading...