Phong tục thờ bánh chưng vào dịp Tết là sự thể hiện nét văn hóa truyền thống lâu đời của dân tộc Việt Nam, được nhân dân lưu truyền từ thời Hùng Vương (đời thứ Sáu) cho đến ngày nay.

 


Trong những ngày Tết đến, xuân về, những hương vị và những vật phẩm đã trở thành quen thuộc trong dịp tết như: bánh chưng xanh, thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ, bày trí trong nhà một cành đào hay một cành mai, một bức câu đối được cắt làm đôi treo cân xứng hai bên xà nhà. Trên bàn thờ tổ tiên bày trí đủ các loại: mâm ngũ quả, kẹo bánh, mứt, rượu,… đặc biệt là bánh chưng. Tất cả đã tạo nên một không khí, không gian rất “Tết”! Bánh chưng sau khi đã thờ cúng tổ tiên xong, được dọn xuống để mọi người cùng thưởng thức. Hẳn chúng ta sẽ không ngớt lời tấm tắc rằng bánh chưng đúng là một trong những loại thức ăn vừa ngon, béo, thơm và trông thật mĩ quan! Nó đã tôn lên niềm tự hào về văn hóa ẩm thực của người Việt Nam suốt chiều dài lịch sử. Đó là loại thức ăn vừa độc đáo, vừa gần gũi. Độc đáo ở chỗ: là loại bánh do chính người Việt Nam (Hoàng tử Lang Liêu – đời Hùng Vương thứ 6) sáng tạo nên (theo cách giải thích huyền sử về nguồn gốc bánh chưng). Từ xưa tới nay, bánh chưng, bánh giầy Việt Nam không lẫn, không phỏng theo bất kỳ thứ bánh nào của các quốc gia khác. được làm nên từ những nguyên liệu không đến nỗi hiếm hoi trong dân gian như: gạo nếp, thịt heo, hành, tiêu, đậu xanh, lá dong rừng (hoặc lá chuối, lá tre…), lạt giang…và có khi thêm những nguyên liệu phụ như: quả chùm phù (lúc chín có màu đỏ), quả gấc… để tăng phẩm màu cho nhân bánh thêm đẹp.
Bán chưng tượng trưng cho đất với màu xanh đại diện cho cây cỏ, có đỗ xanh đại diện cho hoa quả, có thịt lợn đại diện cho muông thú, và gạo nếp để là sản vật đại diện cho con người. Lá dong được dùng để gói bánh Chưng tạo cho bánh có màu xanh mướt. Chính màu xanh tự nhiên của lá gói khiến cho banh chưng trở nên đặc biệt và bắt mắt. Ở một số vùng người ta thay lá dong bằng lá chuối, lá chít, thậm chí cả lá bàng.

Một điều cũng hết sức độc đáo của bánh chưng đó là thời gian luộc bánh lên tới 10 tiếng. Bao thế hệ người Việt sẽ không thể quên kỉ niệm những đêm giáp Tết lạnh căm căm được thức trắng đêm ngồi trông nồi bánh bên bếp lửa hồng, với những củ khoai được vùi trong bếp. Bánh chưng là món ăn không thể thiếu trong mọi mâm cơm ngày Tết. Những mâm cơm cúng dâng lên tổ tiên vào 3 ngày Tết không thể thiếu đồng bánh Chưng. Mọi mâm cơm mang ra mời khách đều có sắc màu xanh mướt của bánh Chưng, mỗi gia chủ đều muốn mời khách thủ một xóc bánh Chưng nhà mình, đó được coi như một điều may mắn với gia chủ như một lời chúc “ăn nên làm ra”.

Loading...