Đối với Phật giáo Bắc tông Việt Nam, cần giữ gìn cũng như khích lệ rộng rãi  hơn bản sắc pháp phục đặc thù của Phật giáo Việt Nam đã được bám rễ vững chắc trong đời sống văn hóa trang phục Việt Nam như áo cánh vạt hò, áo nhật bình, khăn chít đầu của ni giới ở miền Bắc. Nếu trang phục truyền thống của một dân tộc hay quốc gia biểu đạt bản sắc văn hóa về y phục của dân tộc hay quốc gia đó, thì pháp phục Phật giáo thể hiện bản sắc đặc thù, khác hẳn và vượt lên trên nhiều quốc phục và thường phục của người đời, trong phạm vi dân tộc hay quốc gia. Lễ phục tôn giáo nói chung và pháp phục Phật giáo nói riêng thể hiện rõ tính tôn giáo và xã hội (social and religious status), nó được sử dụng theo hai hình thức, mặc trong sinh hoạt thường nhật và mặc trong các nghi lễ tôn giáo, nói chung các dịp đặc biệt.

Ba y thời Đức Phật

Y hạ (P. antaravāsaka), tức cái quần không có ống chân (undergarment), giống cái khố (waistcloth) hay cái sarong, mặc từ thắt lưng đến mắt cá, chủ yếu che phần thân dưới (covering the lower body).

Y trung (P. uttarāsaṅga): Có hai hình tướng khác nhau. Hình tướng một, giống như áo không có ống tay (upper robe, uppermost garment), che phần thân trên  rồi mặc từ vai đến quá đầu gối, che vai trái nhưng lại để trống vai phải cũng như cánh tay phải. Được gọi là “y choàng ngoài” hay “y vai trái”. Hình tướng hai, thực chất chỉ là cái áo ngắn, choàng vai trái, hở vai phải, kéo dài xuống nửa đùi.

Y thượng (P. saṃghāṭi) giống như áo choàng (the outer robe), che phủ y trung và y hạ, được khoác từ vai đến mắt cá, phủ kín hết toàn thân, chỉ trừ đầu và hai bàn chân. Còn gọi là “y hai lớp”. Khi không có nhu cầu để đắp trên thân thể, y thượng thường được xếp lại và đặt trên vai hoặc trên cánh tay trái, ở trước ngực.

 Chất liệu vải cũng như màu của Ba y

Hầu hết các y của tăng sĩ Phật giáo là một phần chính của văn hóa pháp phục đã có từ thời đức Phật lịch sử, cách đây 26 thế kỷ. Các tăng sĩ Phật giáo thời Phật thường mặc các chiếc y được tạo thành từ vải vụn bị vứt bỏ, có màu vàng đất. Luật Phật đã quy định các tăng sĩ mặc y bằng những loại vải bị vứt đi, mà người đời không ai thích, vì rẻ tiền, chất liệu vải xấu, màu sắc không đẹp. Tuy vậy đối với các tăng sĩ tu khổ hạnh, y thường được may bằng các những loại vải thừa, hay vải bị cháy xén, hoặc bị chuột gặm, vải bị dính máu, vải tẩn liệm người chết, vải quăng bỏ ở sọt rác… Những loại vải không được sử dụng đó sẽ được giặt sạch lại và nhuộm thành màu vàng đất, hoặc màu vàng nghệ pha màu đất. Đây là màu vải mà người đời không ai thích mặc, vì tông màu cũ và tối sẽ không thể hiện được sự sang trọng. Và sau này tông vàng đất được thay đổi thành màu vàng cam, vàng chanh, hay màu nghệ, chói sáng. Phật giáo sử dụng tông màu y vàng với các gam màu khác nhau, thể hiện tính giản đơn, nhưng trang nghiêm và thanh thoát.Khi Phật giáo được truyền sang các nước Đông Nam Á, tông màu vàng đất được thay đổi theo văn hóa sắc phục của quốc gia, không giữ truyền thống về vải và màu vải nữa,  tại Ấn Độ thời đức Phật. Ngày nay thì y phục của Tăng Ni sẽ không dùng những loại vải thô sơ, cũ kỹ, tối tăm nữa. Vải may pháp y cũng như thường phụcTăng Ni thường được Phật tử cúng dường hoặc do Tăng Ni mua nên được chọn từ chất liệu vải đểthích hợp với khí hậu của từng vùng, còn tông màu y cũng như pháp phục thì tùy thuộc vào từng truyền thống Phật giáo mà có sự khác biệt.

Loading...

Pháp phục thân và pháp phục đầu

Pháp phục của Tăng sĩ Phật giáo rất khác nhau về nhiều hình thức và màu sắc, cũng tùy theo các truyền thống Phật giáo (Nguyên thủy và Đại thừa), các chi phái trực thuộc và các quốc giavà vùng lãnh thổ, nơi Phật giáo có mặt như một thực tại tâm linh. Các “pháp phục thân” theo phong cách của đức Phật hay lưu truyền tại các nước Phật giáo Nguyên thủy như Ấn Độ, Tích Lan, Miến Điện, Thái Lan, Lào, Campuchia và những nơi chịu ảnh hưởng chính từ truyền thống này.

Pháp phục của Phật giáo Việt Nam hiện hành

Dầu có nét đặc thù về hình thức ở chủng loại áo cánh vạt hò và áo nhật bình, chúng ta không thể phủ định nguồn gốc pháp phục Phật giáo Việt Nam xuất phát từ Phật giáo Trung Quốc, với những  biến đổi về phong cách. Chúng ta cần định hướng cho sự ra đời các pháp phục mới của Phật giáo Việt Nam, hạn chế tối đa sự lai căng từ nước ngoài, tạo ra bản sắc đặc thù cho chính pháp phục Phật giáo của Việt Nam, để cộng đồng Phật giáo Việt Nam có chỗ đứng độc lập với những đóng góp thiết thực vào sự đa dạng hóa cũng như phong phú hóa pháp phục Phật giáo thế giới.

Loading...