Cuộc sống thường xảy ra rất nhiều những tình huống không thể lường trước được, trong đó phải kể tới việc trong thời gian chuẩn bị cho đám cưới mà gia đình hai bên có người đột ngột qua đời. Lúc này hai gia đình thông thường sẽ gấp rút chuẩn bị mọi thứ cho đám cưới chạy tang.
Cưới chay tang là gì?
Đám cưới chạy tang là một tình huống không mong muốn nhưng cũng không phải là hiếm gặp. Đám cưới đã được dự tính và lên kế hoạch trước ít nhất là sáu tháng trở lên. Tuy nhiên, gần đến ngày cưới thì gia đình cô dâu hoặc gia đình chú rể lại có người thân đau ốm nặng. Hoặc khi đám cưới đã được chuẩn bị gần xong thì cũng là lúc có người thân vừa qua đời hay đang trong tình trạng nguy kịch, hầu hết thì các gia đình chọn hình thức cưới chạy tang. Cưới chạy tang thực chất là hình thức cưới tránh tang tức là tổ chức hoàn tất đám cưới trước khi phát tang.
Nguồn gốc đám cưới chạy tang
Sở dĩ có chuyện cưới chạy tang là do có phong tục tập quán để tang 3 năm khi người mất là ông bà, cha mẹ hoặc một khoảng thời gian nhất định đối với những người thân trong gia đình. Trong suốt thời gian này thì gia đình không được tổ chức lễ cưới hay ít hội họp cũng như tổ chức tiệc tùng để tỏ lòng thương tiếc đối với người đã khuất. Vì vậy, để tránh lỡ làng hôn sự đã được dày công chuẩn bị thì các đám cưới được nhanh chóng tiến hành. Lúc này gia đình hai bên sẽ phải nhanh chóng chuẩn bị hôn lễ cho cô dâu chú rể trước ngày đã ấn định để tránh ưu hỷ trùng phùng.
Cô dâu, chú rể khi chuẩn bị cưới chạy tang
Trường hợp cưới chạy tang khó khăn nhất là khi hai gia đình ở xa. Việc phát tang không thể đình lại quá lâu nên không kịp thời gian tổ chức lễ cưới chu đáo ở cả hai nhà. Điều này cũng ít nhiều khiến cặp đôi và nhất là cô dâu có tâm lý tủi thân. Hơn nữa, áp lực về thời gian khi tất cả đều chuẩn bị gấp gáp những cảm xúc buồn vui đan xen lẫn lộn khi nhân lực trong gia đình không thể tập trung để hỗ trợ vì còn vướng bận chuyện tang ma cũng phần nào tạo ra gánh nặng tâm lý đối với cô dâu và chú rể. Trong trường hợp này hãy ra một kế hoạch rõ ràng và tập trung thực hiện nếu có thể thì liên hệ với những bạn bè thân thiết nhất để được hỗ trợ là điều cô dâu chú rể nên làm. Không nên quá căng thẳng hay áp lực vì những sơ suất gặp phải trong đám cưới vì cuộc sống lâu dài sau khi kết hôn mới là điều quan trọng mà mỗi người cần hướng đến.
Một số kiêng kỵ trong đám cưới chạy tang
Tổ chức lễ cưới khi gia đình còn tang cần hạn chế về quy mô và giới hạn số lượng khách mời. Khi mở tiệc đãi khách gia đình chỉ nên mời những người đặc biệt thân thiết. Khi tổ chức lễ thành hôn trên hội trường thì bố mẹ của một trong hai nhân vật chính của nhà có tang sẽ không được lên trên sân khấu hay phát biểu trong lễ cưới như kịch bản thường thấy. Vì đại diện của một bên gia đình không thể xuất hiện nên để cân đối thì bên đại diện còn lại cũng không lên sân khấu mà chỉ có cô dâu chú rể thực hiện nghi lễ kết hôn trong sự chứng kiến của người thân và bạn bè. Tuy nhiên hiện nay suy nghĩ kiêng kỵ cũng dần thoáng hơn và việc tổ chức đám cưới khi nhà đang có tang cũng vì thế mà không khắt khe như cũ. Với cô dâu chú rể gặp đám tang là người ruột thịt cách giải quyết có thể vẫn giữ nguyên lịch trình tổ chức cưới, nhưng cũng phải làm nhanh gọn. Khi mở tiệc đãi khách tại khách sạn không được mời khách tới dự đám cưới rộng rãi mà chỉ nên mời những người đặc biệt thân thiết. Nếu đôi uyên ương có quan hệ ruột thịt với người quá cốthì trong lễ cưới của họ chắc chắn những người thân ruột thịt với người mới mất sẽ tránh tới tham dự.
Lúc trước cưới chạy tang thường dùng để chỉ những đám cưới chạy trước khi nhà có đám tang, thì giờ đây nó dùng để chỉ cả những đám cưới khi gia đình có đám tang mới diễn ra. Tuy việc tổ chức đám cưới khi gia đình vừa có đám tang của một người họ hàng xa đã có phần bớt khắt khe hơn. Đám cưới vẫn sẽ tiến hành phong tục cưới hỏi Việt Nam theo đúng dự tính ban đầu. Nhưng trong đám cưới hãy nên hạn chế mời những người có quan hệ gần với người vừa qua đời tham dự hôn lễ.