Tết Trung Thu theo Âm lịch là ngày Rằm tháng 8 hằng năm, đây đã trở thành ngày tết của trẻ em (Tết Thiếu nhi), còn được gọi là Tết trông Trăng hay Tết Đoàn Viên.

Tục truyền

Theo tục truyền, thì vua Đường Minh Hoàng, vào một đêm rằm tháng Tám nằm mơ thấy đạo sĩ đưa lên chơi cung Quảng Hàn tận trên mặt trăng. Nhà vua đắm mình trong cảnh đẹp lộng lẫy với những nàng tiên trong vũ điệu Nghê thường. Tan giấc mơ, vua nuối tiếc cảnh ở cung trăng, bèn đặt ra tết Trung thu để ngắm trăng và soạn ra vũ khúc Nghê thường.

Ngoài tục truyền về vua Đường Minh Hoàng. thì ở Việt Nam ta còn có sự tích chú cuội trên cung trăng

Hoạt động trong tết Trung Thu

Theo truyền thống, Trung thu là Tết đoàn viên, đó là khoảng thời gian đại gia đình ngồi quây quần bên nhau, cùng thưởng thức tách trà xanh ấm áp với miếng bánh trung thu ngọt ngào và cũng là dịp để bày tỏ và thắt chặt mối quan hệ thâm giao.

Cũng trong dịp này người ta mua bánh trung thu, trà, rượu để cúng tổ tiên vào buổi tối khi Trăng Rằm vừa mới lên cao. Đồng thời trong ngày này, mọi người thường biếu cho ông bà, cha mẹ, thầy cô, bạn bè, họ hàng và các ân nhân khác Bánh Trung Thu, hoa quả, trà và rượu.

Loading...

Vào dịp Tết Trung Thu, những người lớn bày cỗ cho trẻ em để mừng trung thu, mua và làm đủ thứ lồng đèn thắp bằng nến để treo trong nhà và để các con rước đèn. Và bày cỗ mừng trung thu gồm bánh Trung Thu, kẹo, mía, bưởi và các thứ hoa quả khác nữa. Thời điểm trăng lên cao, trẻ em sẽ vừa múa hát vừa ngắm trăng phá cỗ. Song song với việc phá cỗ thì người ta còn tổ chức múa Lân, múa rồng để cho Tết Trung Thu thêm huyên náo. Trẻ em rất mong đợi được đón tết này vì thường được người lớn tặng đồ chơi, thường là đèn ông sao, mặt nạ, đèn kéo quân, súng phun nước… rồi bánh nướng, bánh dẻo.

Thời xưa, người Việt còn tổ chức hát Trống Quân và treo đèn kéo quân trong dịp Tết Trung Thu. Điệu hát trống quân theo nhịp ba “thình, thùng, thình”.

Ngoài ý nghĩa vui chơi cho trẻ em và người lớn, Tết Trung Thu còn là dịp để người ta ngắm trăng tiên đoán mùa màng và vận mệnh quốc gia. Nếu trăng thu màu vàng thì năm đó sẽ trúng mùa tằm tơ, nếu trăng thu màu xanh hay lục thì năm đó sẽ có thiên tai, và nếu trăng thu màu cam trong sáng thì đất nước sẽ thịnh trị.

  • Muốn ăn lúa tháng Năm, trông trăng rằm tháng Tám.
  • Tỏ trăng Mười Bốn được tằm, đục trăng hôm Rằm thì được lúa chiêm.

Bánh Trung Thu

Từ truyền thống đến hiện đại, bánh trung thu ngày càng đa dạng khi các nhà sản xuất sáng tạo trong sử dụng các nguyên liệu và thực phẩm khác nhau đưa vào nhân bánh; dập khuôn kiểu dáng bánh thành nhiều hình thù sinh động; đóng gói với bao bì mẫu mã đẹp mắt. Tuy nhiên, dựa theo công thức làm vỏ bánh thì chỉ có hai loại bánh trung thu là bánh nướng và bánh dẻo.

Bánh nướng

Bánh nướng được làm với lớp vỏ bánh là bột mì và có chút dầu ăn. Đường để trộn vào vỏ bánh thường được nấu với mạch nha để chuyển thành màu hổ phách và để càng lâu càng tốt. Trước kia tại Việt Nam nhân bánh nướng thường là nhân thập cẩm, có chút lá chanh thái chỉ, thịt mỡ, mứt, hạt dưa, lạp xường.

Sau khi nặn bánh, ép khuôn, bánh được cho vào lò nướng. Quy trình nướng chia làm hai giai đoạn trong đó khoảng 2/3 thời gian nướng là giai đoạn đầu tiên. Sau đó bánh được dỡ ra, làm nguội, phết lòng đỏ trứng gà lên rồi cho vào nướng tiếp 1/3 thời gian còn lại.

Bánh dẻo

Theo truyền thống bánh dẻo trung thu được làm với vỏ bánh là bột gạo nếp rang xay mịn, nước đường kính trắng đun sôi để nguội (không dùng mạch nha như bánh nướng), nước hoa bưởi. Nhân bánh làm từ các thực phẩm, nguyên liệu đã chín. Bánh được nặn xong ép khuôn và có thể sử dụng ngay không cần cho vào lò nướng.

 

Loading...