Lễ hội xuống đồng là một lễ hội lớn, phổ biến trên toàn vùng Đất Tổ và ở những cư dân trồng lúa nước nhiều nơi khác. Trước cách mạng 1945, ở Phú Thọ bất cứ làng nào cũng có đàn Thần Nông, để một năm hai lần làm lễ hạ điền và hai lần làm lễ thượng điền vào hai vụ chiêm mùa. Dù hạ điền hay thượng điền đều mang tính chất tâm linh, là cầu mong sự phù trợ cho mùa màng và tạ ơn vị Thần Nông đã dạy dân làm ruộng.


So vói tất cả mọi thôn làng, thì 11 hội hạ điền Đồng Lú xã Minh Nông, Việt Trì là nguồn gốc và điển hình nhất. Lễ hội này gắn với truyền thuyết Vua Hùng dạy dân cấy lúa, vì vậy nó được chia làm 2 nghi thức, thứ nhất là tế Thần Nông, thứ hai là làm hèm xuống đồng.
Tế Thận Nông về bài bản tế cũng giống như tế thành hoàng làng, nghĩa là có chủ tế, đông tây xướng, đọc chúc, bồi tế, có chiêng trống nhạc bát âm. Sau cùng là tất cả phụ lão chức sắc trong làng và 14 ông trưởng giáp đều vào làm lễ.
Điều giá trị nhất ở đầy là người xưa xác định vị trí vua Thần Nông ở phía tây nam bầu trời, cho nên đàn xây theo trục đông bắc – tây nam, khi tế lễ thì những người hành lễ nhìn về hướng tây nam. Vị trí đó là nơi xuất hiện tròm sao Thần Nông hình người đội nón cúi lom khom. Chòm sao này vào đêm rằm tháng 8 âm lịch có thể trắc nghiệm vụ lúa chiêm: Nếu sao sáng tỏ hình ông Thần Nông rõ ràng thì được mùa, nếu sao mờ hình Thần Nông không hiện rõ thì vụ lúa đó kém sút. Do hiện tượng này mà người ta thờ chòm sao Thần Nông để cầu mùa màng tươi tốt.
Thời Hùng Vương dân ta chỉ làm ruộng chiêm hay ruộng nước, sách cổ của người Hán gọi là Ruộng Lạc. Cũng từ Ruộng Lạc mà khởi ra tín ngưỡng Thần Nông.
Nghi thức thứ hai là làm hèm xuống đồng, diễn tả Vua Hùng dạy dân cấy lúa. Người đóng giả Vua Hùng chính là ông chủ tế, vẫn lễ phục ấy ông đi từ đàn ra ruộng cấy mấy con mạ, có lọng che, nhạc bát mà tấu theo.
Bàn văn tế đàn Thần Nông Đồng Lú viết năm Bảo Đại tam niên (1928) có 367 chữ Hán, nội dung có 3 ý lớn:
–    Cung thỉnh Tiên thánh đế Thần Nông hưởng lễ phẩm tế hạ điển (hoặc thượng điền).
–    Dân chúng ờ đây từ cổ chí kim vẫn ghi nhớ ơn đức của họ Thần Nông dạy dân cấy gặt chế tạo đồ dùng làm ruộng. (Giáo dân giá sắc… đức đại nhân thiên, giáo dân canh vân điền khí bỉ hỉ, giáo dân thụ nghệ nông sự hưng yên).
–    Cầu Tiên thánh đế Thần Nông phù hộ cho mùa màng sai bông chắc hạt và ban phúc lộc tốt lành đức lớn cho dân.
Vậy là lễ hội này có tính chất lưỡng hợp, vừa cầu Thần Nông hộ mệnh cho cây lúa, vừa cầu người có công dạy dân làm ruộng, cấy hái (Vua Hùng). Ông chủ tế làm vai trò kép, vừa thay mặt dân cư cúng bái Thần Nông, vừa thay mặt Thần Nông tái hiện việc cấy lúa dạy dân.
Xin lưu ý rằng, trong quan niệm của phụ lão làng Lú, kể cả lời lẽ của bản văn tế đều nói Thần Nông dạy dân cấy hái, chứ không phải chỉ là thiên thần cứu trợ.
Kết hợp cả hai nghi lễ trên lại, đối chiếu với các tư liệu khác, đưa ta đến nhận định: Vua Hùng là người phát minh kỹ thuật trồng lúa nước, thoạt đầu là lúa chiêm. Kỹ thuật đó chia đời sống cây lúa làm 2 giai đoạn: Giai đoạn đầu cây mạ à trên cạn, khi đủ chiều cao thì đem cấy xuống đồng nước. Mặt khác phải nắm vững quy luật thời tiết và thủy chế các dòng sông để định ra lịch canh tác. Chính Ngài phát hiện ra chòm sao Thần Nông có liên quan với lúa chiêm nên lập đàn cầu ở bờ Đồng Lú.
Với địa hình và khí hậu thủy văn vùng ngã ba sông Hồng, Lô, Đà, đồng chiêm mỗi năm đưa lại cho dân cư một vụ lúa thỏa mãn nhu cầu lương thực.
Do chỗ việc làm của Vua Hùng quá khác thường, vượt xa khả năng của người phàm tục, đáng được tôn lên hàng thần thánh. Trong tư duy của người Việt cổ, giữa Vua Hùng và vị Thần Nông trên trời, nhất định phải có mối quan hệ mật thiết với nhau. Bởi vậy họ đem ghép Ngài làm con cháu Thần Nông. Và vị Thần Nông vốn chỉ có hình thức là chòm sao hình người, đã được gán cho hành trạng của Hùng Vương dạy dân cấy gặt chế tạo cày bừa. Tức là sự nghiệp sáng tạo nghề làm ruộng nước của Hùng Vương đã thăng hoa nhập cuộc với Thần Nông. Các nhà nho phong kiến căn cứ vào quan niệm dân gian trong truyền thuyết và thêm bớt theo kiến thức của họ, đã viết Ngọc phả Đền Hùng rằng: Đế Minh là cháu ba đời Viêm Đế Thần Nông . Đế Minh sinh ra Kinh Dương Vương. Phổ hệ là: Kinh Dương Vương – Lạc Long Quân – Hùng Quốc Vương – Hùng Diệp Vương – Hùng Hy Vương – Hùng Huy Vương – Hùng Chiêu Vương – Hùng Vi Vương – Hùng Định Vương – Hùng Uy Vương – Hùng Chinh Vương – Hùng Vũ Vương –
Hùng Việt Vương – Hùng Ánh Vương – Hùng Triều Vương – Hùng Tạo Vương – Hùng Nghị Vương – Hùng Duệ Vương.
Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, Đền Thượng treo mảnh trấu hạt Lúa Thần, đục bằng gỗ to như chiếc thuyền câu, chính là biểu tượng nghề làm ruộng của các vị thánh tổ Hùng Vương.

Loading...