Thần Núi (Sơn Thần) hoặc có tên là Cao Sơn đại vương hoặc là đức Thượng Ngàn thường hiện hình là những ông già tóc bạc. Cũng như thần Đất, số lượng thần Núi khá nhiều. Mỗi thần cai quản một dãy núi lớn bao gồm cả những núi con, ví dụ dãy núi Ba Vì thì có Tản Viên sơn thần, cụm núi Hồng Lĩnh thì có Hồng Lĩnh sơn thần…Oai quyền của thần cũng rất to mặc dầu chỉ trong phạm vi đất đai của mình. Mọi thú vật cây cối đều thuộc dưới quyền của thần.
Truyền thuyết về thần núi
Có lần có người bị cọp tha mất mẹ. Anh ta đau đớn vô cùng bèn xin với thần Núi bắt hộ. Quả nhiên thần bắt ngay con cọp đó trói vào một gốc cây bằng những sợi dây vô hình để cho người con mất mẹ kia đến trả thù.
Thần Núi có lúc theo người đi đánh giặc, giúp người thắng quân thù như thần Núi Đồn Cổ, thần núi Tản Viên,…cho nên cũng có khi gọi là thần Chiến tranh.
Giữa thần Đất và thần Núi thì rất hòa thuận với nhau nhưng giữa thần Núi với thần Nước thì hay xảy ra xung đột như trận đánh nhau giữa thần núi Tản Viên và Thuỷ Tinh.
Có thần Núi được Ngọc Hoàng cho giữ khí tinh anh của các bậc anh hùng hào kiệt như thần Núi Kim Nhan ở Nghệ An. Mỗi lần có bậc anh hùng hào kiệt chết thì thần Núi ra mở cửa đón chờ. Khí tinh anh của họ là một vệt sáng trông như tấm lụa hoặc như mui xe, màu đỏ đào rực cả trời. Khi đã bay vào xong, thần Núi ấy đóng cửa lại sầm một tiếng như tiếng sấm nổ.
Có thần Núi được Ngọc Hoàng cho giữ của cải vàng bạc hay đồng…Người ta, trừ khi thần cho không kể, còn thì khó lòng mà được hưởng những của đó. Người ta thường kể chuyện ở núi Kim Âu cứ như bây giờ thuộc về Thanh Hóa, Ngọc Hoàng có đặt một cái chum trên miệng có nắp. Trong đó Ngọc Hoàng chứa toàn vàng khối, tuy bị đậy kín mà đêm đêm vẫn còn ánh ra sáng rực. Ngọc Hoàng sai thần Núi ở lại canh giữ và ra lệnh cửa đó chỉ để dành thưởng cho gia đình nào một chồng một vợ mà lần lượt đẻ được 10 người con trai sống toàn vẹn. Gia đình nào có như thế thì chỉ có việc đem 10 người con lên núi khiêng nắp lọ ra mà lấy vàng. Thần Núi sẽ để cho lấy một cách dễ dàng vô cùng. Còn như nếu không đúng thì dù có thiên binh vạn mã cũng đừng có hòng cạy được nắp chum ấy ra.
Từ thượng cổ tới nay chưa có ai là kẻ làm chủ được số vàng ấy của Ngọc Hoàng. Tương truyền đời chúa Trịnh có hai vợ chồng nhà nọ sinh được 10 người con trai. Chúa nghe tin ấy sai lính gọi gia đình ấy lên núi thử mở nắp chum xem có nghiệm hay không. Nhưng khi họ mó tay vào thì chỉ thấy 9 góc có hé lên được một tí còn một góc thì nặng chịt xuống cố sức mấy cũng không nổi, đành phải thôi. Chúa Trịnh cho là thần Núi tiếc của. Nhưng sau có người cáo giác là nhà ấy chỉ có 9 người là con đẻ còn một người là con nuôi. Chúa có làm hay câu thơ:
Của trời mới biết là thiêng thật
Không chịu cho người có chín con.
Những gia đình ở vùng núi non, nhà nào cũng có bàn thờ Sơn thần tại nhà. Vừa là để tiện cho việc cúng lễ, và cũng là để mong được Sơn thần che trở, phù hộ.
Bàn thờ Sơn thần được thiết lập tại một chiếc bàn riêng, thường xây ở vườn về phía chân núi. Bàn thờ không có bài vị, chỉ có bát hương và các đồ thờ khác. Những chiếc ban thờ được xây, thường bên trên thờ Sơn thần bên dưới thờ thần Hổ.