Kinh thành Huế được vua Gia Long tiến hành khảo sát từ năm 1803, khởi công xây dựng từ 1805 và hoàn chỉnh vào năm 1832 dưới triều vua Minh Mạng.
Các di tích trong kinh thành gồm:
–Kỳ Đài: Kỳ Đài được xây dựng vào năm Gia Long thứ 6 (1807) cùng thời gian xây dựng kinh thành Huế. Đến thời Minh Mạng, Kỳ Ðài được tu sửa vào các năm 1829, 1831 và 1840. Kỳ Đài gồm hai phần: đài cờ và cột cờ.
Đài cờ gồm ba tầng hình chóp cụt chữ nhật chồng lên nhau. Tầng thứ nhất cao hơn 5,5 m, tầng giữa cao khoảng 6 m, tầng trên cùng cao hơn 6 m. Tổng cộng của ba tầng đài cao khoảng 17,5 m. Từ mặt đất lên tầng dưới bằng một lối đi nhỏ ở phía trái Kỳ Ðài, tầng dưới thông với tầng giữa bằng một cửa vòm rộng 4 m, tầng giữa thông với tầng trên cùng cũng bằng một cửa vòm rộng 2 m. Ðỉnh mỗi tầng có xây một hệ thống lan can cao 1 m được trang trí bằng gạch hoa đúc rỗng. Nền ba tầng lát gạch vuông và gạch vồ, có hệ thống thoát nước mưa xuống dưới. Trước đây còn có hai chòi canh và tám khẩu đại bác.
Cột cờ nguyên xưa làm bằng gỗ, gồm hai tầng, cao gần 30 m. Năm Thiệu Trị thứ 6 (1846), cột cờ được thay bằng một cây cột gỗ dài hơn 32 m. Đến năm Thành Thái thứ 16 (1904), cột cờ này bị một cơn bão lớn quật gãy, nên sau phải đổi làm bằng ống gang. Năm 1947, khi quân Pháp tái chiếm Huế, cột cờ lại bị pháo bắn gãy một lần nữa. Năm 1948, cột cờ bằng bê tông cốt sắt với tổng chiều cao 37 m hiện nay mới được xây dựng.
Kỳ Đài và một đoạn thành Huế Thời Nguyễn, trong tất cả các dịp lễ tiết, chầu mừng, tuần du cho đến việc cấp báo đều có hiệu cờ. Trên đỉnh cột cờ còn đặt một trạm quan sát gọi là Vọng Đẩu. Thỉnh thoảng, lính canh phải trèo lên Vọng Đẩu dùng kính Thiên lý quan sát ngoài bờ biển. Ngày 23/8/1945, sau khi Bảo Đại thoái vị, lá cờ đỏ sao vàng của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã thay thế cho là cờ hình quẻ ly của triều đình Nguyễn. Trong Sự kiện Tết Mậu Thân năm 1968, 8 giờ sáng ngày 31/1/1968 quân giải phóng miền Nam chiếm được kỳ đài và lá cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam được kéo lên trong 26 ngày đêm. Đến ngày 24/2/1968, đại đội Hắc Báo, thuộc sư đoàn bộ binh 1 Quân lực Việt Nam Cộng Hòa chiếm lại kỳ đài và xé lá cờ này xuống. Ngày 26/3/1975, sau khi giành thắng lợi trong Chiến dịch Huế – Đà Nẵng, lá cờ dài 12 m, rộng 8 m của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam lại được kéo lên kỳ đài.
-Trường Quốc Tử Giám: Từ thế kỷ XI đến thế kỷ XVI, Văn Miếu – Quốc Tử Giám ở Thăng Long – Hà Nội là trung tâm của cả nước về giáo dục. Sang thế kỷ XVIII, do sự phân chia đôi miền Đàng Trong và Đàng Ngoài nên việc giáo dục theo đó cũng tách biệt. Ở Đàng Trong, chúa Nguyễn Phúc Nguyên (1613 – 1635) tổ chức bộ máy chính quyền riêng ở đất Thuận – Quảng và cho mở trường Văn miếu dạy học ngay tại phủ chính, để dạy các công tử cùng con em quan lại. Địa điểm đầu tiên của Văn Miếu thời này được xây dựng tại xã Triều Sơn (nay thuộc huyện Hương Trà, Thừa Thiên Huế). Năm 1770, đời chúa Nguyễn Phúc Thuần (1765 – 1774), nhận thấy địa thế Triều Sơn ẩm thấp nên sai dời Văn Miếu đến Long Hồ (nay thuộc phường Kim Long, thành phố Huế) với tên gọi Nhà Học hay Học Cung (đền Khải Thánh ngày nay). Nhà Học tọa lạc trên một khu đất mà Lê Quý Đôn, người từng sống ở Thuận Hóa vào thời điểm đó đã miêu tả trong cuốn Phủ biên tạp lục như sau: “Ngày tế Đinh, tôi thân đến Học cung xem lễ, học trò đến học có vài trăm người, tôi cũng cùng họ giảng học luận văn, khuyến khích dạy bảo ân cần lắm”.
Sang triều Minh Mạng (1820 – 1841), do nhu cầu đào tạo ngày càng mở rộng nên nhà Quốc học được đổi thành Quốc Tử Giám với quy mô lớn hơn, trong đó có việc xây dựng thêm nhà Di Luân Đường, Giảng đường cùng các phòng ở của sinh viên, quan Tế tửu và Tư nghiệp. Dưới triều Tự Đức (1848 – 1883), cấu trúc Văn Miếu được chỉnh trang và mở rộng hoàn chỉnh nhất.
Đầu thế kỷ XX, trong trận bão năm 1904, hệ thống cấu trúc của Quốc Tử Giám bị hư hỏng nặng. Nhân việc xây dựng và tu bổ lại Quốc Tử Giám Huế, đồng thời để tạo điều kiện cho việc dạy và học thuận lợi hơn nên năm 1909, vua Duy Tân đã cho dời Quốc Tử Giám về trong Kinh Thành, dựng trên một khu đất rộng 40.000m2, về phía trái Hoàng Thành.
Xét về mặt quy mô và nội dung đào tạo thì Văn Miếu – Quốc Tử Giám Huế chưa phải là một trường đại học; bởi học sinh phân cấp nhiều thành phần với trình độ kiến thức khá chênh lệch. Tuy nhiên, với vai trò trường kinh sư, tồn tại đến cuối triều Nguyễn, mặc dù bị chi phối do những biến động về mặt xã hội… nhưng Văn Miếu – Quốc Tử Giám Huế là một tổ chức giáo dục tương đối kỷ cương, là nơi đã đào tạo cho đất nước nhiều hiền tài (293 tiến sĩ) với những tên tuổi như: Phan Thanh Giản, Phan Đình Phùng, Phan Thúc Trực, Đặng Huy Trứ, Nguyễn Khuyến, Nguyễn Thượng Hiền…
-Điện Long An( Bảo tàng Mỹ thuật Cung đình Huế ): Điện được xây dựng vào năm 1845, thời vua Thiệu Trị với tên gọi là Điện Long An trong cung Bảo Định, phường Tây Lộc (Huế) làm nơi nghỉ của vua sau khi tiến hành lễ Tịch điền (cày ruộng) mỗi đầu xuân. Đây cũng là nơi vua Thiệu Trị thường hay lui tới, nghỉ ngơi, đọc sách, làm thơ, ngâm vịnh,… Sau khi vua Thiệu Trị qua đời, đây cũng là nơi quàn thi hài của vua trong tám tháng, trước khi làm lễ Ninh lăng (đưa đi an táng). Ngoài nơi thờ chính thức trong Thế Miếu, bài vị của vua Thiệu Trị còn được đưa vào thờ tại điện Long An – nơi ông thường lui tới khi còn sống. Trong thời kỳ thất thủ kinh đô (1885), quân Pháp đã tràn vào ngôi điện, làm mất đi sự tôn nghiêm của một nơi thờ phụng. Vì thế, sau biến cố này, bài vị của vua Thiệu Trị được đưa vào thờ tại điện Phụng Tiên bên trong Đại Nội. Sở dĩ ngôi điện ở vị trí hiện nay (số 3 Lê Trực, Huế) trong khu vực Thành nội, vì năm 1885, sau trận đánh úp đồn Mang Cá của Pháp do Tôn Thất Thuyết chỉ huy bị thất bại, vua Hàm Nghi và tam cung chạy khỏi Hoàng Thành, ra Quảng Trị. Kinh thành Huế thất thủ, quân Pháp chiếm cung Bảo Định làm sở chỉ huy, lục soát thô bạo điện Long An và tiếp đó ngôi điện bị triệt hạ, vật dụng được xếp vào kho.
Cho đến năm 1909, đời vua Duy Tân, ngôi điện được chuyển ra vị trí mới hiện nay và phục dựng làm Tân Thơ Viện lưu giữ hàng ngàn tư liệu bằng chữ Hán, Pháp, Anh,… chủ yếu phục vụ cho học sinh trường Quốc Tử Giám.
Ngày 24/8/1923, Khâm Sứ Trung kỳ và vua Khải Ðịnh cùng ban sắc dùng Ðiện Long An làm Bảo tàng Khải Ðịnh.
Hiện nay, điện Long An còn gọi là Bảo tàng Mỹ thuật Cung đình Huế, là nơi trưng bày cổ vật cung đình Huế.
-Đình Phú Xuân: Đình Phú Xuân của làng Phú Xuân xưa, nằm bên trong Kinh thành Huế. Lúc đầu, đình được xây dựng ở bên bờ sông Hương gần Ngọ Môn; nhưng sau khi vua Gia Long cho xây dựng Kinh thành Huế, thì dời về vị trí hiện nay.
Từ năm 1738, trên địa bàn của làng Phú Xuân đã được chúa Nguyễn Phúc Khoát chọn làm nơi dựng phủ, và sau này trở thành kinh đô dưới thời Quang Trung và nhà Nguyễn .
Đến khi vua Gia Long xây dựng Kinh thành Huế (khởi công vào tháng 4 năm Ất Sửu, 1805), thì dân làng Phú Xuân lâm vào cảnh mất hết đất phải lưu tán khắp nơi. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân, để đền bù cho sự mất mát này, nhà vua cho giữ lại ngôi đình, nhưng dời về phía sau Hoàng thành Huế. Đồng thời cho phép dân làng đến ở đâu cũng được đặt tên đất là Phú Xuân ở đó, và hằng năm những ai muốn về đình cúng tế, thì triều đình sẽ cấp tiền.
–Hồ Tịnh Tâm: Hồ Tịnh Tâm là một di tích cảnh quan được kiến tạo dưới triều Nguyễn. Dưới thời vua Thiệu Trị đây được xem là một trong 20 cảnh đẹp đất Thần Kinh. Trước đây, hồ nguyên là vết tích của đoạn sông Kim Long chảy qua Huế. Đầu thời Gia Long, triều đình cho cải tạo một số đoạn sông và khơi dòng theo hướng khác để tạo thành Ngự Hà và hồ Ký Tế. Hai bãi nổi trong hồ này được dùng làm nơi xây dựng kho chứa thuốc súng và diêm tiêu. Năm Minh Mạng thứ 3 (1822), triều Nguyễn đã huy động tới 8000 binh lính tham gia vào việc cải tạo hồ. Năm 1838, vua Minh Mạng cho di dời hai kho sang phía đông, tái thiết nơi này thành chốn tiêu dao, giải trí và gọi là hồ Tịnh Tâm.
–Tàng thư lâu: Tàng thư lâu là một công trình xây dựng trên hồ Học Hải, Huế vào năm 1825, dùng làm nơi lưu các công văn cũ của cơ quan và lục bộ triều đình nhà Nguyễn. Đây có thể coi là một Tàng Kinh Các của Việt Nam dưới triều Nguyễn lưu trữ các tài liệu văn bản quý hiếm liên quan đến sinh hoạt của triều đình và biến đổi của đất nước. Chỉ riêng số địa bạ thời Gia Long và Minh Mạng lưu trữ ở đây đã lên đến 12.000 tập. Có thể nói Tàng thư lâu rất quan trọng trong việc chứa các tài liệu và địa bạ, giấy tờ quan trọng lúc bấy giờ.
-Viện cơ mật: Sau khi ở Nam Kỳ có vụ Lê Văn Khôi nổi loạn, chống lại triều đình thì vua Nguyễn Thánh Tổ cho lập một cơ quan đặc trách để tham khảo về những vấn đề trọng mật, nhất là về mặt quân sự. Nhà vua theo mẫu Khu mật Viện của nhà Tống và Quân cơ Xứ của nhà Thanh để lập ra Cơ mật Viện.Cơ quan này có bốn đại thần tương tự như bên Nội các nhưng quan bên Cơ mật thuộc chánh tam phẩm trở lên cùng là người giữ một chức vụ khác nữa. Quan Cơ mật thường mang danh hiệu Đại học sĩ của các điện Đông Các, Văn Minh, Võ Hiển và Cần Chánh.Sang thời Pháp thuộc triều Thành Thái thì Thượng thư Lục Bộ tham gia vào Viện Cơ mật và viên Khâm sứ Trung Kỳ người Pháp đứng chủ toạ. Thời vua Duy Tân đổi thành phủ Phụ Chính.
–Cửu vị thần công: Cửu vị thần công là tên gọi 9 khẩu thần công được các nghệ nhân Huế đúc năm Gia Long thứ hai (1803). Chín khẩu thần công được đánh giá là một trong những tác phẩm nghệ thuật bằng đồng có giá trị cao. Cửu vị thần công xưa được đặt dưới chân Hoàng Thành, trước cửa Ngọ Môn – kinh thành Huế. Đến đời vua Khải Định, chúng được dời ra tại vị trí như ngày nay.Sau khi đánh bại nhà Tây Sơn, khi lên ngôi, vua Gia Long liền cho các nghệ nhân đương thời tập trung tất cả các binh khí và vật dụng bằng đồng để đúc thành 9 khẩu thần công để làm vật chứng cho chiến thắng vẻ vang của mình. Công việc đúc chính thức từ năm 1803 và hoàn thành vào năm 1804.