Hoàng Thành là vòng thành thứ hai bên trong Kinh thành Huế, có chức năng bảo vệ các cung điện quan trọng nhất của triều đình, các miếu thờ tổ tiên nhà Nguyễn và bảo vệ Tử Cấm Thành – nơi dành riêng cho vua và hoàng gia. Người ta thường gọi chung Hoàng Thành và Tử Cấm Thành là Đại Nội.
Kiến Trúc
Hoàng Thành được xây dựng năm 1804, nhưng mãi đến năm 1833 đời vua Minh Mạng mới hoàn chỉnh toàn bộ hệ thống cung điện với khoảng 147 công trình. Hoàng Thành có mặt bằng gần vuông, mỗi bề khoảng 600 mét, xây bằng gạch, cao 4m, dày 1m,[1] xung quanh có hào bảo vệ, có 4 cửa để ra vào: Cửa chính (phía Nam) là Ngọ Môn, phía Đông có cửa Hiển Nhơn, phía Tây có cửa Chương Đức, phía Bắc có cửa Hòa Bình. Các cầu và hồ được đào chung quanh phía ngoài thành đều có tên Kim Thủy.
Khu vực phòng vệ: gồm vòng thành bao quanh bên ngoài, cổng thành, các hồ (hào), cầu và đài quan sát.
Khu vực cử hành đại lễ, gồm các công trình: Ngọ Môn, cửa chính của Hoàng Thành – nơi tổ chức lễ Duyệt Binh, lễ Truyền Lô (đọc tên các Tiến sĩ tân khoa), lễ Ban Sóc (ban lịch năm mới).
Điện Thái Hòa – nơi cử hành các cuộc lễ Đại Triều một tháng 2 lần (vào ngày 1 và 15 Âm lịch), lễ Đăng Quang, lễ Vạn Thọ, lễ Quốc Khánh…
Khu vực các miếu thờ: được bố trí ở phía trước, hai bên trục dọc của Hoàng Thành theo thứ tự từ trong ra gồm:
Triệu Tổ Miếu ở bên trái thờ Nguyễn Kim.
Thái Tổ Miếu thờ các vị chúa Nguyễn.
Hưng Tổ Miếu ở bên phải Nguyễn Phúc Luân.
Thế Tổ Miếu thờ các vị vua nhà Nguyễn.
Khu vực dành cho bà nội và mẹ vua (phía sau, bên phải), gồm hệ thống cung Trường Sanh (dành cho các Thái hoàng Thái hậu) và cung Diên Thọ (dành cho các Hoàng Thái hậu).
Khu vực dành cho các hoàng tử học tập, giải trí như vườn Cơ Hạ, điện Khâm văn… (phía sau, bên trái).
Ngoài ra còn có kho tàng (Phủ Nội Vụ) và các xưởng chế tạo đồ dùng cho hoàng gia (phía trước vườn Cơ Hạ)
Khu vực Tử Cấm Thành nằm trên cùng một trục Bắc-Nam với Hoàng Thành và Kinh Thành, gồm một vòng tường thành bao quanh khu vực các cung điện như
Điện Cần Chánh (nơi vua tổ chức lễ Thường triều).
Điện Càn Thành (chỗ ở của vua).
Điện Khôn Thái (chỗ ở của Hoàng Quý phi),
Điện Kiến Trung (từng là nơi ở của vua Bảo Đại và Hoàng hậu Nam Phương),
Nhà đọc sách và các công trình khác phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt của nhà vua và gia đình như Thượng Thiện Đường (nơi phục vụ ăn uống), Duyệt Thị Đường (nhà hát hoàng cung)…
Đến nay, trải qua bao biến động và thời gian, hàng trăm công trình kiến trúc ở Đại Nội chỉ còn lại ít ỏi chiếm không đầy một nửa con số ban đầu.
Cảnh quan bên trong Hoàng Thành
-Ngọ Môn: Ngọ Môn là cổng chính phía nam của Hoàng thành Huế. Hiện nay là một trong những di tích kiến trúc thời Nguyễn trong quần thể di tích cố đô Huế. Ngọ Môn – có nghĩa là “cổng tý ngọ” – hướng về phía nam, là cổng lớn nhất trong 4 cổng chính của Hoàng thành Huế. Chì dành riêng cho vua đi lại hoặc dùng khi tiếp đón các sứ thần.
-Điện Thái Hoà và Sân Đại Triều Nghi:
Điện Thái hòa là cung điện nằm trong khu vực Đại Nội của kinh thành Huế, là nơi đăng quang của 13 vua triều Nguyễn từ Gia Long đến Bảo Đại. Trong chế độ phong kiến cung điện này được coi là trung tâm của đất nước.Quá trình xây dựng và trùng tu điện Thái Hòa được chia làm 3 thời kỳ chính; mỗi thời kỳ đều có những thay đổi lớn, cải tiến về kiến trúc và trang trí. Vua Gia Long khởi công xây dựng vào ngày 21 tháng 2 năm 1805 và hoàn thành vào tháng 10 cùng năm. Năm 1833 khi vua Minh Mạng quy hoạch lại hệ thống kiến trúc cung đình ở Đại Nội, trong đó có việc cho dời điện về mé nam và làm lại đồ sộ và lộng lẫy hơn. Năm 1923 dưới thời vua Khải Định để chuẩn bị cho lễ Tứ tuần Đại khánh tiết của nhà vua (mừng vua tròn 40 tuổi) diễn ra vào năm 1924, điện Thái Hoà đã được “đại gia trùng kiến”.Qua các đợt trùng tu lớn nói trên và nhiều lần trùng tu sửa chữa nhỏ khác dưới thời vua Thành Thái, Bảo Đại và trong thời gian gần đây (vào năm 1960, 1970, 1981, 1985 và 1992) điện Thái Hòa đã ít nhiều có thay đổi, vẻ cổ kính ngày xưa đã giảm đi một phần. Tuy nhiên, cốt cách cơ bản của nó thì vẫn còn được bảo lưu, nhất là phần kết cấu kiến trúc và trang trí mỹ thuật.
Sân Đại Triều Nghi: Sân đại triều xây dựng cùng lúc với Điện Thái Hòa, tức là vào năm 1805. Một năm sau đó, vua Gia Long làm lễ trong Điện Thái Hòa.
Sân Đại Triều Nghi hay Sân Chầu là khoảng sân rộng trước Điện Thái Hòa nơi các quan đứng chầu trong các buổi đại thiết triều của triều đình nhà Nguyễn. Điện, cùng với sân chầu, là địa điểm được dùng cho các buổi triều nghi quan trọng của triều đình như: lễ Đăng Quang, sinh nhật vua, những buổi đón tiếp sứ thần chính thức và các buổi đại triều được tổ chức 2 lần vào ngày mồng 1 và 15 âm lịch hàng tháng. Vào những dịp này, nhà vua ngồi uy nghiêm trên ngai vàng trong Điện Thái Hòa. Chỉ các quan Tứ trụ và những hoàng thân quốc thích của nhà vua mới được phép vào điện diện kiến. Các quan khác có mặt đông đủ và đứng xếp hàng ở sân Đại triều theo cấp bậc và thứ hạng từ nhất phẩm đến cửu phẩm, quan văn đứng bên trái, quan võ đứng bên phải. Tất cả các vị trí đều được đánh dấu trên hai dãy đá đặt trước sân chầu.
-Tử Cấm thành thuộc quần thể di tích cố đô Huế là trung tâm sinh hoạt hằng ngày của vua và hoàng gia triều Nguyễn. Tử Cấm thành có vị trí sau lưng điện Thái Hòa, được khởi xây năm Gia Long thứ 3 (1804) gọi là Cung thành và các vua triều Nguyễn xây dựng thêm. Đến năm Minh Mạng thứ 3 (1822), vua đổi tên là Tử Cấm thành, nghĩa là thành cấm màu tía. Theo nghĩa hán tự, chữ Tử có nghĩa là màu tím, lấy ý theo thần thoại: Tử Vi Viên ở trên trời là nơi ở của Trời, Vua là con Trời nên nơi ở của Vua cũng gọi là Tử, Cấm Thành là khu thành cấm dân thường ra vào. Trong Tử Cấm thành có khoảng 50 công trình kiến trúc với qui mô lớn nhỏ khác nhau được phân chia làm nhiều khu vực, tổng số công trình đó biến động qua các thời kỳ lịch sử.
-Cung Diên Thọ: là một hệ thống kiến trúc cung điện trong Hoàng thành Huế, nơi ở của các Hoàng thái hậu hoặc Thái hoàng thái hậu triều Nguyễn. Nằm ở phía tây Tử Cấm Thành, phía bắc điện Phụng Tiên và phía nam cung Trường Sanh, cung Diên Thọ được coi là hệ thống kiến trúc cung điện quy mô nhất còn lại tại Cố đô Huế.
Trải qua nhiều lần tu sửa, khuôn viên cung Diên Thọ ngày nay rộng khoảng 17500m2 với các công trình còn tồn tại như Diên Thọ chính điện, điện Thọ Ninh, lầu Tịnh Minh, tạ Trường Du, các Khương Ninh. Các công trình này được nối kết với nhau bằng hệ thống hành lang có mái che.
Được xây dựng vào tháng 4 năm 1804 để làm nơi sinh sống của bà Hiếu Khang hoàng hậu, mẹ vua Gia Long, cung Diên Thọ (khi đó mang tên là cung Trường Thọ) tiếp tục được các đời vua sau như Minh Mạng, Tự Đức, Thành Thái, Khải Định cho đại tu, sửa chữa và đổi tên nhiều lần để trở thành nơi ở của nhiều vị Hoàng thái hậu triều Nguyễn. Sau khi nhà Nguyễn sụp đổ vào năm 1945, dù nhiều công trình trong trong Đại Nội bị tàn phá nặng nề hoặc biến mất nhưng toàn bộ khuôn viên cung Diên Thọ hầu như vẫn còn nguyên vẹn.
Năm 1993, cung Diên Thọ nằm trong danh mục 16 di tích thuộc quần thể di tích Cố đô Huế được công nhận là di sản văn hóa thế giới.
-Hưng Miếu hay Hưng Tổ Miếu(Hưng nghĩa là khởi nghiệp, nghĩa khác là thịnh vượng) là ngôi miếu thờ Thế tử Nguyễn Phúc Luân (hay Nguyễn Phúc Côn) và bà Nguyễn Thị Hoàn – song thân của vua Gia Long, vị trí ở tây nam Hoàng thành (cách Thế Miếu chừng 50 mét về phía Bắc), thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên – Huế, Việt Nam. Ngôi miếu hiện được dùng để thờ.
Lịch sử: Nguyễn Phúc Luân, đáng lẽ sẽ là người lên ngôi chúa, nhưng trong nội bộ chúa Nguyễn có loạn quyền thần Trương Phúc Loan nên ông bị giam vào ngục và mất tại nhà riêng. Tuy mất sớm (32 tuổi): nhưng ông đã để lại đến 6 người còn trai và 4 người con gái, trong đó có Nguyễn Phúc Ánh, tức Gia Long – vị hoàng đế đầu tiên của Triều Nguyễn sau này.
Sau khi lên ngôi Hoàng đế năm 1802, vua Gia Long tìm lại mộ phần của cha và xây dựng một ngôi miếu để thờ phụng. Theo sách sử triều Nguyễn, việc xây dựng được hoàn tất chỉ trong 4 tháng (tháng 4 năm 1804 đến tháng tháng 8 năm 1804) trên địa điểm của Thế Miếu ngày nay, chính thức sử dụng từ tháng 3 năm 1805, ngôi miếu khi ấy có tên là Hoàng Khảo Miếu (ngôi miếu dùng để thờ phụng vua cha).
Đến năm 1821, vua Minh Mạng cho dời Hoàng Khảo Miếu lùi về phía sau địa điểm cũ 50m để sử dụng khu đất của Hoàng Khảo Miếu xây Thế Miếu. Công việc di dời diễn ra từ 23-3 đến 16-4, sau khi hoàn tất ông cho đổi tên khu miếu thành Hưng Tổ Miếu.
Tháng 2 năm 1947, khu miếu bị đốt cháy cùng với Tử Cấm Thành và nhiều cung điện khác.
Năm 1950, Bảo Đại về Huế mua lại An Khánh Vương từ, vốn là nơi thờ một người dòng dõi hoàng tộc là An Khánh Vương Nguyễn Phúc Quang (con vua Gia Long) với giá 300.000 đồng (tiền lúc ấy) để xây dựng lại thành Hưng Miếu mới. Năm 1951, một nhà thầu lúc bấy giờ có tên là Nguyễn Ngọc Bang được giao việc dời An Khánh Vương từ về tái lập thành Hưng Miếu mới.
Năm 1995, nó được trùng tu lại một lần nữa. Trong lần này miếu được sơn son thiếp vàng.
-Cung Trường Sanh: Trong quần thể di tích cố đô Huế, Cung Trường Sanh hay Cung Trường Sinh, còn có tên gọi khác là Cung Trường Ninh, được xây dựng phía Tây Bắc Hoàng thành Huế với vai trò ban đầu là hoa viên, nơi các vua triều Nguyễn mời mẹ mình đến thăm thú ngoạn cảnh. Về sau cung được được chuyển thành nơi ăn ở sinh hoạt của một số bà Hoàng thái hậu và Thái hoàng thái hậu.
Trong thời kỳ rực rỡ nhất, kiến trúc cảnh quan của Cung Trường Sanh được vua Thiệu Trị xếp vào hàng thứ bảy và được vịnh thơ trong Thần kinh nhị thập cảnh[1] liệt kê 20 thắng cảnh của kinh đô Huế.
–Triệu Tổ Miếu: Triệu Tổ miếu hay là Triệu Miếu là một công trình kiến trúc trong Hoàng thành Huế. Triệu Tổ miếu được xây dựng dưới thời vua thứ nhất của nhà Nguyễn, năm Gia Long thứ 3 (1804). Miếu này nằm ở phía bắc của Thái Miếu, là miếu thờ Nguyễn Kim, thân sinh của chúa Tiên Nguyễn Hoàng. Miếu được xây trong một khuôn viên hình chữ nhật, tường phía nam gắn liền với tường Thái Miếu. Bên trong điện chính đặt án thờ Triệu Tổ Tĩnh Hoàng đế và Hoàng hậu. Mỗi năm tổ chức 5 lần tế tương tự như ở Thái Miếu.
Nguyễn Kim bị hàng tướng nhà Mạc là Dương Chấp Nhất đầu độc chết. Nguyễn Kim đã được triều Nguyễn truy tôn miếu hiệu cho ông là Triệu Tổ.
Về hình thức và qui mô kiến trúc, Triệu Miếu tương tự như Hưng Miếu, miếu gồm 1 tòa điện chính theo lối nhà kép, chính đường 3 gian 2 chái, tiền đường 5 gian 2 chái đơn. Hai bên điện chính có Thần Khố (phía đông) và Thần Trù (phía tây).
–Thái Tổ Miếu: Thái Tổ Miếu (tức Thái Miếu) là miếu thờ các vị chúa Nguyễn trong lịch sử Việt Nam. Miếu thờ từ chúa Nguyễn Hoàng đến chúa Nguyễn Phúc Thuần. Miếu được xây dựng từ năm Gia Long thứ 3 (1804) ở góc Đông Nam trong Hoàng thành, đối xứng với Thế Tổ Miếu ở phía Tây Nam.
–Hiển Lâm Các: Hiển Lâm Các là một công trình kiến trúc nằm trong quần thể di tích cố đô Huế, trong khu vực các miếu thờ, được xây dựng vào năm 1821 và hoàn thành vào năm 1822 thời vua Minh Mạng, cùng lúc với Thế Miếu. Hiển Lâm Các nằm trong khu vực miếu thờ trong hoàng thành Huế, cao 17 m và là công trình kiến trúc cao nhất trong Hoàng Thành . Đây được xem là đài kỷ niệm ghi nhớ công tích của các vua nhà Nguyễn và các quan đại thần có công lớn của triều đại.
–Cửu Đỉnh: Cửu Đỉnh của nhà Nguyễn là chín cái đỉnh bằng đồng, đặt ở trước sân Thế miếu trong Hoàng thành Huế. Cửu Đỉnh được vua Minh Mạng ra lệnh đúc vào mùa đông năm 1835 và khánh thành vào ngày 1 tháng 3 năm 1837.
Lấy ý tưởng từ Cửu đỉnh của nhà Hạ ở Trung Quốc, vua Minh Mạng ban chỉ dụ cho Nội các vào tháng 10 âm lịch năm Ất Mùi (1835), ra lệnh cho Nội các cùng bộ Công đôn đốc công việc đúc Cửu Đỉnh. Tháng 5 âm lịch năm Bính Thân (1836), phần thô của chín đỉnh đúc xong. Nhưng phải mất gần 8 tháng sau, Cửu Đỉnh mới được chính thức hoàn thành. Buổi đại lễ diễn ra vào ngày 1 tháng 3 năm 1837 để đặt đỉnh ở sân Thế Miếu dưới sự chủ trì của vua Minh Mạng. Trong thời kỳ chiến tranh Đông Dương rồi chiến tranh Việt Nam, theo đó là suy thoái của thời kỳ bao cấp (1945 – 1981), Cửu Đỉnh vẫn không dời chuyển và còn nguyên vẹn tới ngày nay.
Cửu Đỉnh gồm chín cái đỉnh đồng, mỗi đỉnh có một tên riêng ứng với một thuỵ hiệu của mỗi vị hoàng đế triều Nguyễn. Trên mỗi đỉnh, người ta đều chạm khắc 17 bức họa tiết và 1 bức họa thư, gồm các chủ đề về vũ trụ, núi sông, chim thú, sản vật, vũ khí,…tập hợp thành bức tranh toàn cảnh của đất nước Việt Nam thống nhất thời nhà Nguyễn.
–Điện Phụng Tiên: Điện Phụng Tiên là một ngôi điện nằm ở gần cửa Chương Đức, phía trước Cung Diên Thọ, cửa tây của Hoàng Thành, Thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế, Việt Nam. Ngôi miếu dùng để thờ cúng các vua triều Nguyễn. Khác với Thế Miếu, điện này cũng thờ các vị vua và hoàng hậu nhà Nguyễn nhưng nữ giới trong triều được phép đến đây cúng tế.