Di tích ngoài Kinh thành Huế bao gồm các di tích quan trọng có từ thời nhà Nguyễn hoặc xa hơn là từ thời các chúa Nguyễn nó mang nhiều chức năng, phục vụ cho các mục đích khác nhau. Có cùng một đặc điểm là thuộc hệ thống di sản văn hóa Huế.

Lịch sử

Với địa thế của mình, Huế đã được các chúa Nguyễn chọn làm nơi xây dựng các công trình thủ phủ nhằm xây dựng cơ sở cho mình trong cuộc nội chiến kéo dài. Trong suốt thời gian tồn tại của mình, họ đã xây dựng nhiều công trình với mục đích chính trị như các Thủ phủ: Phủ Phước Yên, Phủ Kim Long, Phủ Bác Vọng, Phủ Phú Xuân lần thứ nhất và Đô thành Phú Xuân, hay tâm linh như các chùa chiền như chùa Thiên Mụ và một loạt các lăng tẩm của các chúa… Một số công trình thời này về sau đã bị nhà Tây Sơn tàn phá.

Khi nhà Tây Sơn lấy Phú Xuân từ các chúa Nguyễn, họ cũng đã thiết lập được một số công trình của mình đơn cửa là các lăng mộ của vua Quang Trung. Nhưng dấu vết để lại không rõ nét lắm vì những công trình trên về sau bị nhà Nguyễn tàn phá và nhà Tây Sơn tồn tại quá ngắn ngủi.

Khi thắng Tây Sơn và chọn Huế xây dựng làm kinh đô, vua Gia Long đã cho xây dựng một dạng kinh đô có tính phòng thủ: xây dựng một loạt tường thành, cung điện, công sở, đồn lũy ở bờ bắc sông Hương như Kinh Thành cùng với các phòng, bộ nha viện trong kinh thành, các công trình phòng thủ quân sự dọc bờ nước sông Hương, sông Hộ Thành và cửa biển Thuận An. Các công trình trên được xây dựng theo lối kiến trúc truyền thống của Huế, kết hợp với kiểu mẫu bố trí từ Trung Quốc và kỹ thuật quân sự, xây tường thành theo lối Vauban từ các nước phương Tây đồng thời tuân thủ theo nguyên tắc địa lý phong thủy phương Đông. Ngoài các công trình trong Kinh thành Huế, Hoàng thành Huế, Tử cấm thành (Huế), nhà Nguyễn còn cho xây dựng nhiều công trình ở các khu vực lân cận với nhiều mục đích khác nhau như: phục vụ giáo dục như Văn Miếu, Võ Miếu, Quốc Tử Giám, Trường Thi…; ngoại giao như Thượng Bạc Viện và giải trí như Hổ Quyền. Cũng trong khoảng thời gian này, Huế đã tự hình thành cho mình một phong cách xây dựng lăng tẩm riêng theo phong cách triết học có sự chi phối của phong thủy địa lý, kết hợp phong cách nhà vườn Huế với phong cách cung đình Huế như ở các khu lăng tẩm tiêu biểu của vua Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, Dục Đức và Đồng Khánh. Ngoài các công trình trên, giai đoạn này cũng là giai đoạn nhiều chùa quán, đền miếu được xây dựng trùng tu với bốn ngôi quốc tự Thiên Mụ, Giác Hoàng, Diệu Đế, Thánh Duyên và quốc quán Linh Hựu cùng với nhiều chùa chiến đền miếu nhỏ khác. Việc này đã hình thành thiền kinh của Phật giáo Việt Nam thế kỷ thứ 19.

Loading...

Các di tích

-Lăng Gia Long: 

Lăng bắt đầu được xây dựng từ năm 1814 và đến năm 1820 mới hoàn tất. Từ bờ sông Hương đi vào lăng có con đường rộng hai bên trồng thông và sầu đông cao vút, xanh um, tạo ra một không khí trong mát, tĩnh mịch. Hai cột trụ biểu uy nghi nằm ở ngoài cùng báo hiệu khu vực lăng.Với chu vi lên đến 11.234,40 m, Thiên Thọ Lăng gồm những lăng sau:

-Lăng Quang Hưng của bà Thái Tông Hiếu Triết Hoàng hậu, vợ thứ hai của Chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần (1620-1687).

-Lăng Vĩnh Mậu của bà Anh Tông Hiếu Nghĩa Hoàng hậu, vợ Chúa Nghĩa Nguyễn Phúc Trăn (1650-1725).
-Lăng Trường Phong của Túc Tông Hiếu Ninh Hoàng đế Nguyễn Phúc Chú (1697-1738).
-Lăng Thoại Thánh của bà Hưng Tổ Hiếu Khương Hoàng hậu (1738-1811), vợ thứ hai của Nguyễn Phúc Côn (Luân) và là mẹ của vua Gia Long.
-Lăng Hoàng Cô của Thái Trưởng Công chúa Long Thành, chị ruột vua Gia Long.
-Lăng Thiên Thọ của vua Gia Long và vợ ông.
-Lăng Thiên Thọ Hữu của bà Thuận Thiên Cao Hoàng hậu, vợ thứ hai của vua Gia Long, mẹ vua Minh Mạng.

-Lăng Minh Mạng: Tháng 2 năm 1820, vua Gia Long qua đời hoàng tử thứ tư là Nguyễn Phúc Đảm được đưa lên ngai vàng, lấy niên hiệu là Minh Mạng hay Minh Mệnh. Làm vua được 7 năm, Minh Mạng cho người đi tìm đất để xây dựng Sơn lăng cho mình. Quan Địa lý Lê Văn Đức đã chọn được một cuộc đất tốt ở địa phận núi Cẩm Kê, gần ngã ba Bằng Lãng, nơi hợp lưu của hai nguồn Tả Trạch và Hữu Trạch để tạo thành con sông Hương thơ mộng. Nhưng phải ròng rã 14 năm cân nhắc, chọn lựa, đến năm 1840, nhà vua mới quyết định cho xây dựng lăng tẩm của mình ở nơi này. Nhà vua cho đổi tên núi Cẩm Kê (thuộc ấp An Bằng, huyện Hương Trà) thành Hiếu Sơn và gọi tên lăng là Hiếu Lăng. Đích thân nhà vua xem xét, phê chuẩn họa đồ thiết kế do các quan Bùi Công Huyên, Trương Đăng Quế và Giám thành vệ dâng lên. Tháng 4 năm 1840, công cuộc kiến thiết Hiếu Lăng bắt đầu. Vua sai các quan Lê Đăng Danh, Nguyễn Trung Mậu và Lý Văn Phức điều khiển lính và thợ thuyền lên đây đào hồ đắp La thành. Tháng 8 năm 1840, Minh Mạng lên kiểm tra thấy công việc đào hồ Trừng Minh không vừa ý nên giáng chức các quan trông coi và đình chỉ công việc. Một tháng sau, công việc vừa được tiếp tục thì Minh Mạng lâm bệnh qua đời vào tháng 1 năm 1841. Vua Thiệu Trị lên nối ngôi, chỉ một tháng sau (tháng 2-1841) đã sai các quan đại thần Tạ Quang Cự, Hà Duy Phiên, Nguyễn Tri Phương chỉ huy gần 10.000 lính và thợ thi công tiếp công trình theo đúng họa đồ của vua cha để lại. Ngày 20 tháng 8 năm 1841, thi hài vua Minh Mạng được đưa vào chôn ở Bửu Thành, nhưng công việc xây lăng mãi đến đầu năm 1843 mới hoàn tất. Từ một vùng núi đồi hoang vu, qua bàn tay lao động và óc sáng tạo của con người đã hình thành một khu lăng tẩm uy nghiêm, vừa rực rỡ về kiến trúc, vừa hài hòa với thiên nhiên lại vừa sâu sắc bởi giá trị tư tưởng.

-Lăng Thiệu Trị: Sau khi ở trên ngai vàng được 7 năm, vua Thiệu Trị lâm bệnh qua đời ngày 4 tháng 11 năm 1847, giữa lúc mới 41 tuổi. Trong khi hấp hối, nhà vua đã dặn người con trai sắp lên nối ngôi rằng: “Chỗ đất làm Sơn lăng nên chọn chỗ bãi cao chân núi cận tiện, để dân binh dễ làm công việc. Còn đường ngầm đưa quan tài đến huyệt, bắt đầu từ Hiếu lăng, nên bắt chước mà làm. Còn điện vũ liệu lượng mà xây cho kiêm ước, không nên làm nhiều đền đài, lao phí đến tài lực của binh dân”.

Vua Tự Đức lên nối ngôi đã lệnh cho các thầy địa lý tìm đất để xây lăng cho vua cha. Họ tìm được địa cuộc tốt tại chân một dãy núi thấp thuộc làng Cư Chánh, huyện Hương Thủy, cách Kinh thành không xa như hai lăng vua tiền nhiệm. Sau đó núi ấy được đặt là núi Thuận Đạo còn lăng được gọi là Xương Lăng.

Vào ngày 11 tháng 2 năm 1848, vua Tự Đức sai đại thần Vũ Văn Giai, sung chức Đổng lý, đứng ra trông coi công việc xây dựng lăng. Nhà vua dặn cứ 10 ngày một lần phải báo cáo cho vua biết tiến độ xây dựng lăng.

Ngoài ra, ở gần lăng Thiệu Trị còn có 3 ngôi lăng mộ khác của những người trong gia đình vua. Nằm chếch phía trước là Lăng Hiếu Đông của mẹ vua – bà Hồ Thị Hoa; gần phía sau bên trái là Lăng Xương Thọ của vợ vua – bà Từ Dũ; phía trước bên trái là khu lăng “Tảo thương” là những ngôi mộ của con vua Thiệu Trị chết lúc còn nhỏ.

-Lăng Tự Đức: là một quần thể công trình kiến trúc, trong đó có nơi chôn cất Nguyễn Dực Tông Tự Đức hoàng đế, tọa lạc trong một thung lũng hẹp thuộc làng Dương Xuân Thượng, tổng Cư Chánh (cũ), nay là thôn Thượng Ba, phường Thủy Xuân, thành phố Huế. Lúc mới xây dựng, lăng có tên là Vạn Niên Cơ , sau cuộc Loạn Chày Vôi, Tự Đức hoàng đế bèn đổi tên thành Khiêm Cung. Sau khi Tự Đức băng hà, lăng được đổi tên thành Khiêm Lăng.

Lăng Tự Đức có kiến trúc cầu kỳ, phong cảnh sơn thủy hữu tình và là một trong những lăng tẩm đẹp nhất của hoàng gia nhà Nguyễn.

-Lăng Ðồng Khánh: là một di tích trong quần thể di tích cố đô Huế đây là nơi an táng vua Đồng Khánh, lăng tọa lạc giữa một vùng quê thuộc làng Cư Sĩ, xã Dương Xuân ngày trước (nay là thôn Thượng Hai, phường Thủy Xuân, thành phố Huế).

-Lăng Dục Ðức: là một di tích trong quần thể di tích cố đô Huế, là nơi an táng vua Dục Ðức, vị vua thứ 5 của triều đại nhà Nguyễn. Lăng tọa lạc tại thôn Tây Nhất, làng An Cựu, xưa thuộc huyện Hương Thủy, nay thuộc phường An Cựu, thành phố Huế, cách trung tâm thành phố chưa đầy 2 km.

Khái niệm khu lăng Dục Ðức thường dùng hiện nay là để chỉ toàn bộ quần thể kiến trúc nằm trong một khu vực rộng gần 6 ha, bao gồm lăng vua Dục Ðức, hoàng hậu và 42 tẩm mộ ông hoàng bà chúa cùng 121 ngôi mộ đất của những người thuộc Ðệ Tứ Chánh phái Nguyễn Phước tộc (hệ phái của vua Dục Ðức).

An Lăng nằm ở khu vực trung tâm, diện tích khoảng 1ha. Lăng gồm 2 khu vực: khu lăng mộ và khu tẩm thờ đặt song song với nhau. Cả hai khu đều có tường thành bao bọc. Lăng quay mặt về phía tây bắc, lấy đồi Phước Quả làm tiền án, núi Tam Thai sau lưng làm hậu chẩm và dòng khe chảy vòng qua trước mặt làm minh đường tụ thủy.

-Lăng Khải Định: Lăng Khải Định, còn gọi là Ứng Lăng là lăng mộ của vua Khải Định (1885-1925), vị vua thứ 12 của triều Nguyễn, tọa lạc trên triền núi Châu Chữ (còn gọi là Châu Ê) bên ngoài kinh thành Huế, nay thuộc xã Thủy Bằng, thị xã Hương Thủy.

Ngoài các lăng tẩm còn có các di tích khác như: Trấn Bình đài, Phu Văn Lâu, Tòa Thương Bạc, Văn miếu, Võ Miếu, Đàn Nam Giao, Điện Hòn Chén, Chùa Thiên Mụ, Trấn Hải Thành, Nghênh Lương Đình, Cung An Định.

 

Loading...