Phú Thọ là tỉnh thuộc vùng Đông Bắc Việt Nam. Phía Bắc giáp tỉnh Tuyên Quang và Yên Bái, phía Đông giáp tỉnh Vĩnh Phúc, phía Đông Nam giáp thành phố Hà Nội, phía Tây giáp tỉnh Sơn La, phía Nam giáp tỉnh Hòa Bình. Thành phố Việt Trì là trung tâm hành chính của tỉnh, cách thủ đô Hà Nội 80 km và sân bay quốc tế Nội Bài 50 km về phía Tây Bắc.

Lễ hội đền Hùng giỗ tổ Hùng Vương
Lễ hội đền Hùng

-Phú Thọ là một trong những cái nôi của loài người. Thời tiền sử trên các bậc thềm phù sa cổ sông Hồng, sông Đà, sông Lô đã có các thị tộc. Dấu vết hóa thạch ở hang Ngựa (Thu Cúc- Thanh Sơn) và nhiều công cụ bằng đá thuộc nền văn hóa Sơn Vi đã khai quật tại hàng trăm địa điểm. Tiếp nối thời đại đồ đá là thời đại kim khí: có đồ đồng và đồ sắt. Đây cũng là thời kì xuất hiện nhiều nền văn minh và nhà nước đầu tiên, đồng thời cũng là thời kì mở đầu cho sự nghiệp dựng nước của dân tộc. Phú Thọ là một trong những nơi tiêu biểu của cả nước có quá trình phát triển văn hóa thời dựng nước, trong đó phải kể đến văn hóa Phùng Nguyên và Gò Mun.

Với thời đại đồ đồng thau phát triển, thời kì nước Văn Lang dưới triều đại các Vua Hùng bắt đầu. Thời đại Hùng Vương chia làm hai thời kỳ:
     -Thời kỳ bộ lạc khoảng từ thế kỷ thứ X trước công nguyên trở về trước ứng với văn hóa Đồng Đậu- Phùng Nguyên.
Thời kỳ dựng nước Văn Lang khoảng từ thế kỷ X trước Công nguyên đến giữa thế kỷ III trước Công nguyên, ứng với văn hóa Gò Mun- Đông Sơn. Theo truyền thuyết và sử cũ, nước Văn Lang có 15 bộ lạc hợp thành gồm: Văn Lang, Giao Chỉ, Việt Thường, Vũ Ninh, Quân Ninh, Gia Ninh, Ninh Hải, Bình Văn, Kê Tử, Bắc Đái. Dân số Văn Lang khi đó khoảng một triệu người. Trong số các bộ lạc ấy, bộ lạc Văn Lang là hùng mạnh nhất. Lãnh thổ của bộ lạc này trải rộng từ chân núi Ba Vì đến sườn Tam Đảo, có sông Hồng cuồn cuộn phù sa chảy xuyên giữa. Thủ lĩnh bộ lạc Lạc Việt đóng vai trò lịch sử, là nguồn thống nhất các bộ lạc khác, dựng lên nhà nước Văn Lang. Ông xưng Vua sử gọi là Hùng Vương. Quan hệ giữa Vua Hùng và Lạc dân rất gần gũi,cùng cày ruộng, cùng săn bắn, cùng xem hội. Lương thực chủ yếu là gạo tẻ và các lương thực đồng quê. Quốc tục là bánh chưng, bánh dày. Nhà ở chủ yếu là nhà sàn. Tục truyền rằng:
Cung điện nhà vua dựng ở Gò làng Cả, thôn Việt Trì
Tháp Long là nơi các Lạc hầu ở
Cẩm Đội (Thụy Vân) đặt ở trường huấn luyện quân sỹ
Nông trang là nơi đặt kho thóc của nhà vua
Chợ Lý là nơi mua bán gạo
Đồng Lú (ló, lúa) Minh Nông là xứ đồng vua dạy dân cấy lúa nước
Gò Tiên Cát là nơi dựng lầu kén chồng cho các công chúa
Xứ đồng Hương Trầm là nơi Hoàng Tử Lang Liêu trồng nếp thơm làm bánh chưng, bánh dày.
Lâu Thượng, Lâu Hạ là khu lầu vợ con vua ở
     Dưới thời Pháp thuộc, tỉnh Phú Thọ nguyên là tỉnh Hưng Hóa, sau tách dần đất để lập thêm các tỉnh Lào Cai, Lai Châu, Sơn La, Yên Bái. Ngày 5/5/1903 tỉnh lỵ Hưng Hóa chuyển tới làng Phú Thọ cho gần đường xe lửa hơn. Do vậy tỉnh Hưng Hóa cũng đổi tên thành tỉnh Phú Thọ. Khi đó tỉnh Phú Thọ gồm hai phủ (Đoan Hùng và Lâm Thao) và tám huyện (Tam Nông, Thanh Thủy, Sơn Vi, Thanh Ba, Phù Ninh, Cẩm Khê, Hạ Hòa, Hạc Trì) và hai Châu (Thanh Sơn, Yên Lập).
Trước Cách mạng tháng Tám cư dân rất thưa thớt nhất là các huyện miền núi. Nguyên nhân do điều kiện sinh sống còn khó khăn, dịch bệnh đã cướp đi nhiều sinh mệnh con người. Phần khác, Phú Thọ là căn cứ của nhiều cuộc khởi nghĩa nên thực dân Pháp mở nhiều cuộc hàng quân chống phá khiến nhân dân phải lưu tán. Do cư dân thưa thớt nên dưới thời phong kiến và thời Pháp thống trị, dân nghèo vùng đồng bằng lên đây khai khẩn lập nghiệp trở thành dân địa phương. Vì vậy đặc điểm cư dân Phú Thọ có sự hòa quyện, hòa nhập giữa nhân dân địa phương sống lâu đời và đồng bào các nơi khác đến xây dựng quê hương.
-Phú Thọ là nơi phát triển của nhiều nền văn hóa dân tộc rực rỡ và lâu đời. Những di chỉ khảo cổ văn hóa Sơn Vi, Đồng Đậu, làng Cả và nhiều đình chùa, lăng tẩm còn lại quanh vùng Nghĩa Lĩnh cho thấy đất Phong Châu là một trung tâm văn hóa của dân tộc. Bản sắc ấy gắn liền với lịch sử dựng nước và giữ nước từ thời Hùng Vương với trên 200 di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, di tích Cách mạng… Phú Thọ cũng là đất của lễ hội với nhiều lễ hội tổ chức quanh năm như lễ hội Đền Hùng, hội đền Mẫu Âu Cơ, hội Chu Hóa, hội Phết Hiền Quang, hội đánh cá, hội mở cửa rừng…
Từ nhiều đời nay, các thế hệ dân Việt luôn hướng đến một điểm tựa tâm linh. Điểm tựa đó trở thành tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên chung của dân tộc: thờ tự Vua Hùng. Trải qua bao thăng trầm ngày nay các ngôi đền trên núi Nghĩa Lĩnh thuộc xã Hy Cương, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ là nơi tiến hành tín ngưỡng truyền thống độc đáo đó. Núi Hùng cao nhất trong các ngọn núi nơi đây, tạo nên vùng đất thiêng “Tam sơn cấm địa”. Lễ hội Đền Hùng và giỗ tổ Hùng Vương được tổ chức hàng năm vào ngày mồng 10 tháng 3 âm lịch. Thường thì sau tết Nguyên đán đồng bào hành hương về đây. Sự ra đời và tồn tại lâu đời của truyền thuyết Hùng Vương và lễ hội Đền Hùng cùng tín ngưỡng giỗ tổ là sự khẳng định niềm tin cùng truyền thống dựng nước và giữ nước muôn đời của dân tộc ta. Đây là lễ hội mang tính chất văn hóa tâm linh lớn nhất. Con cháu trên khắp mọi miền tổ quốc trở về với lòng thành kính dâng lên tổ tiên lòng biết ơn công lao dựng nước của các Vua Hùng. Tín ngưỡng này xuất phát từ đạo lý và truyên thống của dân tộc: lòng yêu nước, kiên cường bất khuất luôn hướng về cội nguồn. Lễ hội Đền Hùng đã tái hiện lại một phần nào đó truyền thuyết về thời đại Hùng Vương, trở thành động lực tinh thần của dân tộc Việt nam.
     Theo tư liệu lịch sử thì năm 1943 cờ Đảng và cờ Tổ Quốc đã được treo trên gác chuông của chùa Thiên Quang (thuộc khu di tích lịch sử Đền Hùng). Ngày 19/9/1954, trước khi về tiếp quản Thủ Đô Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gặp gỡ, căn dặn chiến sỹ Đại đoàn quân tiên phong tại Đền Hùng:
“ Các Vua Hùng đã có công dựng nước
Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước ”
Lễ hội giỗ Tổ gồm hai phần: Lễ được tiến hành với nghi thức nghiêm trang tại Đền Thượng. Hội diễn ra quanh chân núi Hùng với nhiều hoạt động phong phú.
     Ở Minh Nông, thành phố Việt Trì có lễ hội xuống đồng. Đó là tên gọi vùng đất sáng lập nghề nông. Vùng đất này nằm dọc sông Thao, tiếp giáp hợp lưu 3 con sông: Sông Hồng, sông Lô, sông Đà vì thế Minh Nông là vùng đất bồi tụ phù sa màu mỡ và trở thành quê hương của nghề trồng lúa nước. Nơi đây có những cánh đồng rộng bên bãi bồi các con sông và có đồi Ba Búa, nơi cu trú của người Sơn Vi cách đây hơn 30.000 năm gần khu cư trú Làng Cả- văn hóa Đông Sơn. Các tài liệu khoa học cho biết: cách đây nhiều ngàn năm,văn minh lúa nước đã bắt đầu phát triển.
Hội Bạch Hạc diễn ra từ ngày mùng 3 đến ngày mùng 5 tháng Giêng tại đền thờ Thổ Lệnh Đại Vương ở xã Bạch Hạc, thành phố Việt Trì.
 Ở Xã Chu Hóa, huyện Lâm Thao vào ngày mùng 5 tháng Giêng hàng năm tổ chức lễ hội Chu Hóa nhằm tưởng nhớ ba anh em Cả Đông, Nhị Đông, Tam Đông là các tướng giỏi của Vua Hùng thứ mười tám. Ở Thanh Sơn từ ngày mùng 6 đến ngày 10 rằm tháng Giêng có lễ hội mở cửa rừng. Ngoài ra còn nhiều các lễ hội khác như hội cầu tháng Giêng, hội hát Xoan, đâm đuống, hát trống quân…
     Đất Phú Thọ còn bảo lưu được nhiều nghi lễ cổ xưa của cư dân nông nghiệp như rước lúa thần, lễ gọi lúa, rước nông cụ, lễ cầu nước… Có thể nói Phú Thọ chính là đất ươm trồng văn hóa làng xã với các biểu hiện tập trung là lễ hội. Đến với Phú Thọ người ta có thể tìm thấy những lời giải đáp về quá khứ của nền văn hóa dân tộc đi từ cội nguồn.

Loading...