Độ nhân phải chú trọng đến phương pháp, tâm niệm, căn bản, trí tuệ của chúng sinh không giống nhau, như vậy phương pháp độ nhân cũng có muôn vàn khác biệt. Mấu chốt của vấn đề ở chỗ cần phải triệt để hiểu rõ người cần được độ thoát, căn cứ vào tình hình cụ thể để cho thuốc đúng bệnh. Nếu như “thuốc” không đúng bệnh, thì cho dù thuốc có hiệu lực lớn thế nào cũng vô phương cứu chữa.

Lý lẽ này được ứng dụng rất phổ biến trong đời sống hiện thực, lý giải nó “nhằm vào đúng chỗ” cũng không có gì sai. Có một vị pháp sư Hải Đào đã từng giảng một câu chuyện Phật như sau:

Rất lâu về trước, có một vị Diệu Trang Nghiêm Vương, hoàng hậu của ông gọi là Tịnh Đức sinh được hai con trai, con lớn gọi là Tịnh Tàng, con nhỏ gọi là Tịnh Nhãn. Hai con trai từ nhỏ tu hành đạo Bồ Tát, đã có được thần thông.

Có một hôm, Vân Lôi Âm Túc Vương Hoa Trí Phật nói với Tịnh Tàng và Tịnh Nhãn: “Nếu như Diệu Trang Nghiêm Vương cũng có thể tu hành Phật pháp thì tốt quá.” “E rằng không được, cha con từ lâu nay không tin Phật.” Tịnh Tàng trả lời.

“Sư phụ, con xem ra muốn cha con tin Phật khó lại càng thêm khó!” – Tịnh Nhãn cũng nói thêm vào.

Loading...

“Các con nghĩ cách đưa ông ấy đến gặp ta một lần xẹm!” – Vân Lôi Âm Túc Vương Hoa Trí Phật từ bi nói.

Tịnh Tàng, Tịnh Nhãn trở về cung, luôn nghĩ tới việc để cho phụ vương đi gặp sư phụ, họ quyết định đến gặp hoàng hậu nói chuyện này trước.

“Mẫu hậu, chúng con hi vọng người và phụ vương cùng đến thăm Vân Lôi Âm Túc Vương Hoa Trí Phật một lần, có được không ạ?” – Tịnh Tàng hỏi.

Hoàng hậu buồn bã nói: “Phụ vương các con chỉ tin đạo Bà La Môn, e rằng…”

“Nhưng cúng dường Phật là việc chúng ta nên làm!” – Tinh Nhãn nói.

Hoàng hậu nói: “Như thế này được rồi! Con trai, các con khổ hạnh tu Phật, nên biết một chút thần thông chứ? Chỉ cần các con biểu hiện công lực trước mặt phụ vương, ta lại khuyên ông ấy như thế sẽ dễ dàng hơn nhiều.”

Ba mẹ con liền đến cung của Diệu Trang Nghiêm Vương, Diệu Trang Nghiêm Vương đang bận vùi đầu vào quốc sự.

“Đại vương, thiếp và các con đến thăm người!” – Hoàng hậu nói.

“Chỉ có mình nàng thôi sao? Các con đâu rồi?” Diệu Trang Nghiêm Vương quay đầu lại nhìn xung quanh, không thấy bóng các con trai đâu.

Bỗng từ bên ngoài cửa sổ vọng đến tiếng nói của hai người: “Phụ vương, mẫu hậu, nhi thần ở đây.”

Diệu Trang Nghiêm Vương và hoàng hậu ngẩng đầu nhìn lên, chỉ thấy hai con đang đứng trên không, kinh ngạc hỏi: “Chuyện gì vậy?” “Phụ vương, mẫu hậu xin mời xem mười tám phép biến hóa của nhi thần.”

Nói vừa dứt lời, Tịnh Tàng, Tịnh Nhãn lập tức biến thành hai tượng Phật phát ánh vàng lấp lánh, lại còn không ngừng vẫy gọi cha mẹ. Một lát sau, không thấy tượng Phật đâu, trong không trung bỗng hiện ra hai cây bồ đề nở đầy hoa. Bỗng nhiên cây cũng biến mất, trên trời rơi xuống những đóa hoa tươi, hoa rơi hết xong lại thấy trên không trung có hai con tuấn mã phi.

Mười tám phép biến hóa của Tịnh Tàng, Tịnh Nhãn đã khai nhãn cho Diệu Trang Nghiêm Vương, ông bất giác cứ luôn mồm khen thần kì. Khi hai anh em hạ xuống mặt đất, Diệu Trang Nghiêm Vương vui vẻ hỏi: “Sư phụ của các con là ai? Đây là công phu gì? Có thể đến gặp sư phụ con không? Ta muốn đến thăm sư phụ con ngay.” Sau đó Diệu Trang Nghiêm Vương cùng với hoàng hậu dẫn theo các phi tần, vương tử và quần thần cùng xuất phát đến chỗ Phật, tổng cộng có 42.000 người, thanh thế rất lớn.

Vân Lôi Âm Túc Vương Hoa Trí Phật liền thuyết pháp cho quốc vương, hoàng hậu và mọi người, Diệu Trang Nghiêm Vương nghe xong trong lòng nảy sinh hoan hỉ cực lớn, lập tức truyền vương vị cho em trai, tự mình cùng hoàng hậu và hai con trai, còn có rất đông phi tần đều quy y Phật pháp, xuất gia tu hành. Diệu Trang Nghiêm Vương sau này là Hoa Đức Bồ tát, phu nhân Tịnh Đức sau là Quang Chiếu Trang Nghiêm Tướng Bồ tát, còn Tịnh Tàng, Tịnh Nhãn chính là hai vị Bồ tát Dược Vương và Dược Thượng.

Có thể tưởng tượng, nếu hai vị vương tử nếu không hiểu sâu sắc Diệu Trang Nghiêm Vương thì việc độ thoát ông ta sẽ hết sức khó khăn.

Trong thực tế, mọi người đương nhiên không thể hiển thị thần thông giống như hai vị vương tử, nhưng đạo lý trong câu chuyện này đáng để chúng ta noi theo. Tục ngữ nói: Không có đứa trẻ không được giáo dục tốt, chỉ có gia đình không biết cách giáo dục; không có nhân viên không được quản lý tốt, chỉ có người quản lý trì độn vô tri. Những lời này nói không sai, nếu như chỉ dùng một phương pháp duy nhất, cố định đối với tất cả những người được giáo dục và những người được quản lý, thì những người tiếp nhận giáo dục và quản lý nhất định sẽ bị bỏ lỡ.

Hiểu được cách “cho thuốc đúng bệnh”, biết rõ người cần giúp đỡ tin tưởng nhất vào điều gì, tinh thông nhất cái gì, lại căn cứ vào những nội dung này để có những chỉ điểm nhằm vào đó, như thế mới có thể làm cho công việc của mình có hiệu quả.

Loading...