Từ quốc gia cho đến các tổ chức trong xã hội, đều phải có một biểu tượng, cờ chính là một trong những biểu tượng. Phật Giáo không nằm ngoài quy ước đó. Cờ Phật giáo là một lá cờ được thiết kế vào cuối thế kỉ XIX nhằm tượng trưng và đại diện một cách thống nhất cho Phật giáo và được tất cả Phật tử trên khắp thế giới sử dụng.

Nguồn gốc lá cờ Phật giáo

Người phác họa ra lá cờ Phật giáothế giới là ông Henry Steel Olcott, lá cờ được chính thức chấp nhận trên đất Tích lan vào dịp lễ Phật đản ngày 28 tháng 4 năm 1885. Tuy nhiên mãi đến ngày 25 tháng 5, năm 1950 trong lần hội nghị Phật giáo quốc tế ở thủ đô Colombo, với 26 quốc gia tham dự thì lá cờ ngũ sắc mới được chính thức và nhất trí chấp nhận nói lên sự thống nhất của Phật giáo thế giới. Ngày naythì chỉ có một lá cờ chung cho toàn thể Phật giáo và nó biểu tượng của hòa bình, từ bi và trí tuệ, không phân biệt màu da và chủng tộc cũng như không phân biệt giữa con người và tất cả những sự sống khác đã phất phới trên lãnh thổ của hơn 50 quốc gia trên thế giới. Ngày 24 tháng 2 năm 1951, tỳ kheo Thích Tô Liên, đại diện ủy ban Phật giáo thế giới tại Việt Nam khi đi dự hội nghị Colombo đã đích thân mang lá cờ quý báu này về cho quê hương chúng ta.

Ý nghĩa năm màu trong lá cờ

Cờ Phật Giáo, trước hết là biểu trưng tinh thần thống nhất của Phật tử trên toàn thế giới. Cờ Phật Giáo còn tượng trưng cho niềm chánh tín và sự yêu chuộng hòa bình của mọi người con Phật. Ngoài ra, lá cờ còn có ý nghĩa cắt bỏ quan niệm cố chấp các ranh giới địa phương cũng như gia tăng niềm hăng hái đoàn kết để phụng sự cho đạo pháp và dân tộc. Năm sắc theo chiều dọc là xanh đậm, vàng, đỏ, trắng, cam, để chỉ cho hào quang của chư Phật. Còn theo chiều ngang thì là mầu tổng hợp tượng trưng cho ánh sáng hào quang của Ngài. Màu xanh đậm tượng trưng cho định căn còn màu xanh tượng trưng cho sự rộng lớn, sáng suốt. Màu vàng lợt tượng trưng cho niệm căn vì có chính niệm mới sinh định và phát huệ. Màu đỏ tượng trưng cho tấn căn, bởi có tinh tấn mới khắc phục được mọi trở ngại, nghịch cảnh. Màu trắng để chỉ cho tín căn ý nói niềm tin không lay chuyển và có tín căn chính là có nhân duyên với chư Phật và nguồn gốc sinh ra muôn hạnh lành. Màu da cam tượng trưng cho huệ căn. Khi có tín, tấn, niệm, định đầy đủ thì tuệ chắc chắn sẽ phát sinh. Màu tổng hợp tượng trưng cho tinh thần đoàn kết của tín đồ Phật giáo trên toàn thế giới. Như vậy có thể thấy năm màu của lá cờ là biểu trưng cho ý nghĩa ngũ căn ngũ lực. Ngoài ra, nó còn biểu trưng cho ý nghĩa tinh thần hòa hợp của Phật giáo. Phật giáo luôn chủ trương hòa bình. Vì thế,nhân loại khắp năm châu tuy màu da chủng tộc có khác nhau nhưng Phật giáo xem nhau như tình huynh đệ một nhà.

Hình thức lá cờ

Lá cờ hình chữ nhật được chia đều thành sáu phần theo chiều dọc. Màu sắc gồm các màu của cầu vồng nhưng chỉ có năm màu được chọn là xanh dương, vàng nhạt, đỏ, trắng, cam, sọc thứ sáu của lá cờ tượng trưng cho sự tổng hợp của các màu vừa kể. Vì thế, sọc thứ sáu lập lại tất cả năm màu nhưng được xếp theo chiều ngang.

Một lá cờ nói chung thực ra chỉ là một biểu tượng và con người có thể gán cho nó bất cứ một ý nghĩa nào ta muốn. Đối với lá cờ Phật giáo ta cũng nhìn thấy nó mang nhiều màu sắc vui mắt và xem nó như một vật trang trí ở cổng chùa, trước cửa nhà hay trên bàn thờ Phật. Tuy nhiên biết đâu rằng đến một lúc nào đó khi ta ngước nhìn lá cờ Phật giáo thì tâm thức ta bỗng nhiên sẽ bừng lên ánh hào quang của Phật, rạng rỡ và muôn màu. Khi nhìn thấy lá cờ đột nhiên ta sẽ đồng loạt quán nhận được tất cả sáu thể dạng của chúng sinh từ ngạ quỷ, quỷ đói đến súc sinh, từ con người đến thánh nhân và thiên nhân, không mảy may phân biệt, ghét bỏ, hận thù hay ganh tỵ ai cả. Tất cả chúng sinh và chính bản thân ta đều đang quờ quạng trong bóng đêm như đang bước đi trong một giấc mộng du. Thì bỗng nhiên tâm thức ta bị khích động mãnh liệt bởi lòng từ bi vô biên và ta ước mong được gieo rắc tình thương trên khắp sáu nẻo của luân hồi.

Loading...
Loading...