Linh Phong Thiền Tự còn gọi là chùa Ông Núi, là một ngôi cổ tự danh tiếng ở Bình Định, Việt Nam.

Chùa tọa lạc trên sườn phía Đông Nam núi Bà, cách thành Trà Bàn (Đồ Bàn) hơn 30 dặm; nay thuộc địa phận thôn Phương Phi (xã Cát Tiến, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định).

Đây là một danh lam thắng cảnh của tỉnh, sách Đại Nam nhất thống chí chép:

Chùa Linh Phong ở thôn Phương Phi, huyện Phù Cát, lưng dựa vào núi cao (núi Bà), mặt trông ra đầm Biển cạn (tức đầm Thị Nại), xung quanh có nước suối lượn quanh phong cảnh thật đẹp.

Lịch sử

Tương truyền vào năm Nhâm Ngọ (1702) đời chúa Nguyễn Phúc Chu, có một nhà sư Trung Quốc, tên tục là Lê Ban (?) đến hang đá phía đông núi Bà để ẩn tu . Sau nhà sư mới đến lưng chừng núi “phát gai dại, vác đá to xây chỗ này, lấp chỗ kia, kết cỏ làm tranh, dựng lên am nhỏ, đặt tên là chùa Dũng Tuyền”.

Năm Quý Sửu (1733), chúa Nguyễn Phúc Chú vì mộ đức nhà sư nên ban hiệu là Tịnh Giác Thiện Trì Đại Lão Thiền Sư, và lệnh xây cất lại Dũng Tuyền tự thành một ngôi chùa lớn lợp ngói, đặt tên là Linh Phong Thiền Tự.

Loading...

Theo “Linh Phong tự ký” của danh thần Đào Tấn, thì thiền sư viên tịch “trong thời loạn lạc” (ám chỉ thời Tây Sơn). Sau đó, các đồ chúng lập tháp thờ ở bên phải chùa vào năm Thái Đức (niên hiệu của Nguyễn Nhạc) thứ 8 (1785).

Đến năm Gia Long thứ 7 (1808), nghe lời Thánh mẫu là Hoàng hậu Hiếu Khương, nhà vua ban lệnh không cho ai được xâm phạm hay lấy các vật dụng ở chùa trong khi chờ đợi trùng tu. Tuy nhiên, mãi đến đời Minh Mạng, chùa Linh Phong mới được sửa sang lớn. Sử nhà Nguyễn kể: “một hôm nhà vua bị bệnh, vừa chợp mắt thì mộng thấy một vị sư già mặc áo vỏ cây đứng bên giường hầu quạt, đến sáng thì khỏi bệnh. Khi ngự triều, nhà vua đem chuyện ấy hỏi các quan, có người tâu rằng vị sư già đó có lẽ là Linh Phong thiền sư ở chùa Linh Phong ngày xưa”.

Vì vậy, năm 1826, nhà vua ban cho chùa này một chiếc áo cà sa mới may để thờ, đồng thời cho lấy 120 lượng bạc ở trong kho để trùng tu lại chùa.

Đến năm 1884-1885, dưới triều Kiến Phúc và Hàm Nghi, đại thần Đào Tấn “bỏ quan về Nam, ẩn giấu tích ở chùa Linh Phong để lánh loạn”

Năm 1895, Đào Tấn được bổ làm Thượng thư bộ Công “. vì muốn sửa sang ngôi cổ tự, nên ông đem việc ấy tâu lên Tây cung (chỉ mẹ vua Thành Thái). Nghe lời mẹ, vua Thành Thái bèn giao cho tỉnh thần 70 lạng bạc lo việc trùng tu chùa, đồng thời sai hiểu dụ dân trong tỉnh quyên góp thêm, đến tháng 8 (âm lịch) năm Đinh Dậu (1897) thì hoàn tất, và quang cảnh chùa lúc bấy giờ rất đẹp.

Sau đó trải qua thời gian và chiến tranh, ngôi cổ tự trên chỉ còn lại cổng tam quan ở mặt đông và một bửu tháp. Năm 2004, một ngôi chùa mới đã dựng trên vị trí của chùa Linh Phong ngày xưa.

phong cảnh chùa

Phong cảnh quanh chùa thật kỳ mỹ. Chùa nằm trong rừng cây cổ thụ, tịch mịch thâm u, nhiều cây sống lâu đời, hình thù cổ quái. Nhiều cây cao vút bóng mây, lại nhiều cây nằm ngửa nghiêng trong sắc cỏ. Quanh chùa đá mọc ngổn ngang, hoặc đứng sừng sững giữa trời hoặc chen chúc cùng cây cối. Nơi chồng chất thành những hòn giả sơn, nơi lại dựng đứng như vách, nơi lại nằm rải rác như một bầy voi nằm dấu vòi.

Chùa cất trên đầu núi, nhưng sau lưng vẫn có núi cao. Nước khe trên núi cao chảy xuống, đến chùa thì chia làm hai nhánh lớn chảy bọc quanh thềm. Hai nhánh lớn lại chia làm nhiều nhánh nhỏ chảy vào sân sau, chảy vào bếp.. quanh co róc rách, rồi nhập lại nơi sân trước để chảy xuống hồ sen trước chùa.

Nơi sườn núi về phía đông có một hang đá rộng lớn ăn sâu vào lòng núi. Đó là nơi ông Núi tu trì ngày trước. Truyền rằng trong hang có bàn đá, ghế đá, và nhiều dụng cụ khác cũng toàn bằng đá. Lại có hai con cọp mun hiền lành của thiền sư để lại, thỉnh thoảng ra khỏi hang đi tìm trái chín đỡ lòng. Hang bỏ vắng đã lâu đời, đường vào hang gai rấp, cửa hang mây phong, khách mười phương dù có ý tò mò cũng không dám và không thể vào thăm được.

Đi quanh chùa một vòng, rồi ra phía trước, tìm một tảng đá cao đứng trông ra bốn mặt, để cho thêm rộng tầm con mắt thì mới hả tấm lòng đăng sơn.

Xa tít tận chân trời, đồng lúa bát ngát bao trùm hai mặt tây và nam. Lúa non trải sắc xanh mươn mướt, lúa chín trải màu vàng hươm, thoảng ngọn gió đưa, lúa vờn sóng lụa và hết đây lại đó đàn cò điểm những điểm trắng rung rinh. Lẫn trong màu sắc của đồng ruộng mênh mông, từng chòm từng khoảnh nổi lên màu lục đậm của cây, màu xam xám hoặc đo đỏ của chợ quán, nhà cửa, chùa đền… ẩn hiện dưới bóng mây làn khói.

Nhìn về phía đông thì biển xanh lênh láng. Phía đông nam thì đầm Thị Nại long lanh và rừng dương liễu chạy từ Cách Thử đến Gò Bồi, quãng dày quãng thưa, chập chờn trên bãi cát nửa vàng nửa trắng. Xa xa, thành phố Quy Nhơn thấp thoáng trong sương sóng, nửa tỏ nửa mờ, khi ẩn khi hiện. Và gió biển thổi vào rừng dương liễu dưới bãi, thổi vào rừng cổ thụ trên non, tiếng nghe rào rào lẫn lộn cùng tiếng sóng vỗ nơi gành xa bãi vắng.

Phong vị thật là thanh kỳ.

Năm Quý Sửu (1733), khi chùa Linh Phong được dựng kiên cố lần đầu, chúa Nguyễn Phúc Chú có ban cho ban chùa một tấm hoành và hai tấm liễn đối. Tấm hoành trên có khắc bốn chữ “Linh Phong Thiền Tự”, phía trái khắc chữ “Vĩnh Khánh, tháng Giêng năm Quý Sửu”, phía mặt có khắc chữ “Quốc Chủ ngự đề”.

Trên hai tấm liễn có khắc câu đối như sau:

Hải ngạn khởi lương nhân, pháp vũ phổ thiên tư Phật thổ;
Linh Phong ngưng thoại khí, tường vân biến địa ấm nhân gian.
Nghĩa là:
Bờ biển gặp duyên may, mưa pháp khắp trời thấm nhuần đất Phật;
Núi Linh đọng khí tốt, mây lành khắp chốn che chở người đời.
  • Ngoài những câu hát về chùa Ông Núi (tức chùa Linh Phong) còn lưu truyền trong dân gian, còn có một số thơ viết về ngôi cổ tự này, trong số đó có thơ của Phan Thanh Giản,Đào Tấn, Võ Kiêm, Quách Tấn…Giới thiệu hai đoạn hát dân gian:
Cây che đá chất chập chồng,
Biển giăng dưới núi chùa lồng trong mây.
Bụi đời không bợn mảy may,
Chút thân rộng tháng dài ngày thảnh thơi.

Và:

Ông Núi đi đâu
Bỏ bầu sơn thủy
Đủ nhân đủ trí
Thêm vỹ thêm kỳ…
Chùa xưa nhạt bóng tà huy,
Xui lòng non nước nặng vì nước non.
Loading...