Lễ Tịch Điền còn gọi là lễ Hạ Điền. Chính vua Thần Nông đặt ra lễ này. Hàng năm xưa kia mỗi lần xuân đến, nhà vua lại tự thân cày mấy luống ruộng để làm gương cho dân chúng để cử hành lễ Tịch Điền

Theo truyền thuyết, vua Thần Nông ở Trung Quốc là người đã chế ra cày, bừa, dạy dân làm ruộng. Ông cũng là người đầu tiên đã khởi xướng ra lễ Tịch điền. Lễ Tịch điền còn gọi là lễ Hạ điền, là ngày hội lớn, khởi đầu cho một vụ mùa cày bừa cấy hái. Nghi lễ được tổ chức như một ngày hội.

Lịch sử

Lễ Tịch Điền từ thời khởi thủy

Lễ Tịch Điền được cử hành trong một ngày hội đầu xuân. Nhà vua ngự trên một cỗ xa, đem theo cày bừa đi thẳng tới sở Tịch Điền, có văn võ bá quan theo hầu, quân lính và dân chúng theo sau.

Nhà vua xuống ruộng cày ba luống, các vương công chư hầu cày năm luống, các công khanh đại phu cày bảy luống, sĩ cày chín luống. Sau đến lượt dân chúng cũng cày bừa thửa ruộng này, một thửa ruộng dành riêng, lấy hoa màu dùng trong việc cúng lễ. Hạt giống gieo vào thửa ruộng cũng chính là lựa trong đám thóc đã gặt được vụ trước.

Loading...

Lễ Tịch Điền lúc đầu giản dị như vậy, nhưng về sau có nhiều sự thay đổi như việc thêm lễ Tam sinh và có ca hát những bài ca đồng áng về đời nhà Hán. Đến đời nhà Tống nghi lễ càng thêm phiền phức như đắp đài sơn xanh cao chín thước, làm nhà trên đài v.v…

Lễ Tịch Điền tại Việt Nam

Cũng như các nghi lễ khác, ta cũng dùng nghi lễ Tịch Điền của người Tàu, và lễ này du nhập sang nước ta cùng với sự nội thuộc Hán tộc.

Theo sử, chính vua Lê Đại Hành đã cày ruộng, và trong hai lần cày, nhà vua được một lần một chum bằng vàng vào một lần một chum bằng bạc, và những thửa ruộng dùng để cày trong lễ Tịch Điền do đó có tên là kim ngân điền.

Các vua nhà Lý cử hành lễ Tịch Điền rất trọng thể.

Các vua nhà Trần vẫn giữ lễ này, nhưng vì có chiến tranh với quân Mông Cổ, lễ cử hành đơn giản. Qua đời nhà Hậu Lê, đến đời nhà Nguyễn, lễ này được vua Minh Mạng rất chú ý, và lễ được cử hành long trọng.

Lễ Tịch Điền triều Nguyễn

Các quan bộ Lễ trình rõ nhà vua ngày lễ.

Trước ngày lễ một hôm, tại cửa Tả đoan, sáu thể đình, chiếc bàn chung quanh có phủ lụa, được thiết lập. Các quan tỉnh Thừa Thiên sắp sửa sẵn cày bừa và một thúng thóc đặt trên các thể đình rồi nhà vua được rước ra ngự lãm. Cày bừa nhà vua dùng vào thóc giống được rước trên long đình mang tới, sở Tịch Điền có lính tráng, cờ quạt theo hầu. Tại đây long đình được đặt gần chiếc chiếu của vua, gọi là đế tịch.

Các thể đình cũng được mang tới và đặt gần chiếu của các quan gọi là quan tịch.

Sở Tịch Điền đặt tại phường Yên Trạch và Hậu Sanh là nơi cử hành lễ, có xây một đài để nhà vua tới xem cày gọi là đài quan canh, và có sẵn nhà kho để chứa cày bừa, thóc giống dùng vào việc lễ gọi là phần khố.

Sáng hôm hành lễ, chiêng trống vang lừng. Quân dân sắp hàng hai bên đường vua đi tới nơi hành lễ, đường này cờ xí rợp trời, có voi ngựa đứng hầu, lại thêm phường nhạc đội khăn mặc áo đỏ, mang cờ ngũ hành, chân đi hia đứng dàn hầu.

Đúng giờ Mão, nhà vua bắt đầu đi từ trong cung đi ra, đầu đội mũ cửu long, mình mặc áo vàng. Bảy phát súng lệnh được bắn lên báo hiệu vua đã khởi hành.

Tới nơi hành lễ, nhà vua rửa tay rồi bắt đầu dự lễ, tế ba tuần rượu. Tế xong, phường nhạc nổi lên, và nhà vua sang nhà cụ phục để thay áo, đội một chiếc khăn, mặc một chiếc áo chẽn. Sau đó nhà vua ra cày.

Nhà vua cày bằng một chiếc cày sơn vàng, tay trái cầm roi. Có bốn vị bô lão, chức sắc giúp nhà vua cày và dắt hai con bò có phủ lụa vàng. Hai vị quan đi theo sau vua, người bưng thúng thóc, người vãi thóc.

Nhà vua cày ba đường, đoạn giao cày và roi cho hai quan theo hầu là quan Phủ doãn Thừa Thiên và một quan bộ Hộ. Cày và roi để lên long đình. Nhà vua đến nhà quan canh để dự xem nốt buổi lễ. Các hoàng thân, các quan văn võ đều phải cày. Hoàng thân cày mười đường, quan văn võ cày mười tám đường. Sau cùng là các chức sắc, bô lão sở tại cũng ra cày.

Cày xong, vua trở về Đại Nội, các dụng cụ cất vào kho, trâu bò giao cho làng sở tại Phú Xuân để trông coi thửa ruộng cho tới mùa gặt.

Đồng thời tại các đình, các xã cũng có lễ Tịch Điền. Ở tỉnh, quan tỉnh mở đầu việc cày, ở xã do ông tiên chỉ hoặc vị kỳ mục nào chức sắc cao nhất trong xã.

Việc cử hành lễ Tịch Điền tại các xã, nhiều địa phương có những tục lệ riêng.

Đến ngày lễ, vị chủ tế, ông tiên chỉ hoặc vị chức sắc cao nhất trong xã, được dân làng rước ra thửa ruộng riêng của làng dành cho lễ này. Nơi đây có bàn thờ để cử hành cuộc tế lễ Tế lễ xong, ông tiên chỉ bước xuống ruộng cấy lúa, ruộng là ruộng chiêm nên thường xâm xấp nước. Theo lệ làng ông phải cấy mấy hàng lúa. Trong lúc ông cấy lúa, ông mặc quần áo chỉnh tề. Dân làng đứng ở trên bờ ruộng, chờ lúc ông bắt đầu cấy, họ dùng nước, có khi cả bùn đất ném vào người ông.

Bị ném ông lính quýnh, muốn cấy cho mau xong, cắm cây mạ xuống ruộng vội vàng, mạ không ăn sâu, lại tự nổi lên, ông lại phải cắm lại, và dân làng té nước, ném bùn vào người ông, vừa té vừa cười rất vui vẻ. Ông chủ tế không giận và cũng không bỏ dở việc của mình, ông chịu đựng sự té nước, ném bùn và cấy cho xong những hàng lúa. Thật là náo nhiệt tưng bừng.

Hành động té nước vào ông tiên chỉ chủ tế tượng trưng cho sự tưới nước vào cây lúa, cầu mong cho cây lúa được tốt tươi và có nhiều thóc.

Lễ Thượng Điền

nhắc tới lễ Tịch Điền thì không thể không nhắc tới lễ Thượng điền. Tuy nhiên lễ này không cử hành đầu xuân mà cử hành khi lúa chín. Khi lúa chín, quan tỉnh Thừa Thiên làm lễ rồi gặt hái, chọn thóc dùng cho lễ Tịch Điền năm sau.
Tại cái tỉnh, các xã, đều có lễ Thượng Điền để tạ ơn Trời, Đất và vua Thần Nông đã ban cho được mùa.

Loading...