Đến chỗ hạ huyệt lại có một trạm nữa dùng để đặt linh cữu khi dừng lại để tế hạ huyệt, trạm này gọi là Trạm tế huyệt, nếu đã có trạm tế huyệt thì bao giờ cũng làm lễ tế Thần chủ tại đây.
Trước khi hạ huyệt, người ta phải làm lễ cúng “Thổ thần” để xin phép được an táng người chết tại nơi đây
Lễ cúng Thổ thần cũng giống như lễ cúng “Đạo lộ thần” gồm có trầu rượu, vàng, hương và đĩa xôi, thủ lợn hoặc chân giò, gà… bày trên một án đặt theo chiều hướng thuận lợi.
Một người đại diện tang chủ làm lễ. Nhà nghèo thời cơi trầu bầu rượu trong một chiếc khay đặt trên một nấm đất gần đấy, cũng đèn nhang khấn vái nhưng không tế.
Đối với nhà giàu, cúng Thổ thần cũng như có văn khấn riêng. Muốn cho long trọng hơn, một đôi khi người ta cũng có đọc văn tế.
Cúng Thổ thần xong, linh cữu mới được hạ huyệt. Huyệt đã đào theo hướng thầy địa lý chỉ bảo. Đợi tới giờ hoàng đạo, người ta mới đặt linh cữu xuống gọi là hạ huyệt. Lúc đó thầy địa lý dùng la bàn gióng hướng phúc lại cho đúng.
Người ta trải “minh tinh” lên trên linh cữu một lát rồi đem ra phương Bắc đốt, ở nhiều nơi, người ta thường chôn theo luôn với linh cữu.
Thời xưa, khi đốt, nhiều người hay chờ đợi tranh nhau xé “minh tinh”, để đem về vặn như vặn bùa cho trẻ con đeo lấy “khước”, nếu người chết là bậc lão đại phúc hậu.
Trong lễ hạ huyệt, có khi người ta còn đọc điếu văn. Để tỏ lòng thương kính trước khi lấp đất, thân nhân bằng hữu cùng nhau mỗi người ném xuống huyệt một hòn đất.
Đám tang của phật tử, khi hạ huyệt có tăng ni tụng niệm. Sau khi huyệt đã lấp rồi, các bà bạn cùng đi chùa với người quá cố mỗi người cầm một nắm hay một cây nhang, tụng kinh niệm Phật đi quanh mộ, rồi mỗi người cầm một hòn đất ném vào mộ gọi là “dong nhan”
Sau khi huyệt đã lấp thành mộ, những tràng hoa tươi bỏ lại mộ, còn những đồ phúng điếu khác được đem về nhà treo trên tường, ở trên và chung quanh bàn thờ.
Thời xưa, bát cơm cúng đặt trên nắp linh cữu được người ta tranh nhau cướp lấy đem cho trẻ em ăn để tránh khỏi sài đẹn, đau yếu.