Chùa Trung Tự còn có tên gọi là chùa Phúc Long vốn thuộc phường Phương Liên, quận Đống Đa, Hà Nội.

 

Lịch sử

Chùa do Quận chúa Trịnh Thị Thuần lập ra khoảng giữa thế kỷ XVIII, đã trùng tu nhiều lần vào các năm 1892, 1894, 1925… Đến năm 1947 thì bị thực dân Pháp phá trụi. Năm 1951, nhà sư Đàm Châm cho xây lại chùa như ngày nay. Chùa gồm 3 gian chùa và điện thờ Phật, kiến trúc theo kiểu chữ Đinh, 1 gian bếp và 3 tháp mộ của các vị sư tổ, cổng chùa quay ra phố Xã Đàn.

Kiến Trúc

Ngoài điện có 3 gian: Gian bên phải có bàn thờ đặt tượng tổ, tượng mặc áo cà sa cao 0,6m, sơn đen. Gian bên trái là bàn thờ quận chúa Trịnh Thị Thuần, trên án gỗ có tượng nhỏ cao 0,4m, hai bên phía thấp hơn thờ người hầu. Phía đầu tường của gian phải cố gắn 3 tấm bia đá: Bia thứ nhất ghi công đức bà Lê Thị Hương, phường Đông Tác, thôn Trung Tự đã cúng 3 sào ruộng được 20 nguyên tiền gửi hậu cho chùa vào năm 1916 (Khải Định 1). Bia thứ hai được dựng vào năm 1925 của chính lãnh binh Nguyễn Văn Đắc cung soạn. Bia thứ ba lập năm Khải Định 10 (1925) ghi tên những người gửi hậu vào chùa. Phía đầu tường của gian trái có 4 tấm bia cũng của những người gửi hậu, tấm thứ nhất dựng năm Tân Tỵ (1941), tấm thứ hai dựng năm Thành Thái 6 (1894); bia thứ ba chỉ có dòng chữ “Thành Thái Giáp Thìn niên mạnh hạ nguyệt cát nhật” (1904); bia thứ tư ghi ngày thành lập vào năm Thành Thái 6 (1894), trên bia ghi rõ người cúng tiến 60 quan tiền và 3 sào tư điền.
Quả chuông đề “Phúc Long tự chung” đúc năm Thành Thái 14 (1902) treo ngay trước của bên trong chùa.
Thượng điện ở sâu vào phía trong, giữa thượng và hạ điện có bàn thờ được xây bằng gạch thờ tượng Cửu Long bằng đồng, hai bên là song bình sử, đèn nến đồng, bát hương đồng… Phía trên là bức đại tự trên giấy màu ‘Thiên nam hiến thụy”, thượng lương ghi ‘Tuế thứ Tân Mão” (1951) là năm xây lại chùa.
Bệ thờ có ba bậc: Bệ thứ nhất có 6 pho tượng tạc bằng gỗ chính giữa là Thích Ca, phía sau có 3 pho tượng lớn hơn ngồi cùng hàng đội mũ, mặc áo cà sa tay để trên gối, 1 tay cầm quạt chống trên đùi. Bệ thứ hai thờ tượng Phật ngồi trên tòa sen, bên trái cũng là 1 pho tóc xoắn Ốc, sơn nhũ vàng. Phía trước là bát hương và đỉnh đồng nhỏ. Bệ thờ thứ ba cao nhất có 6 pho tượng, chính giữa là Phật Bà Quan Thế Âm, hai bên là 2 pho tượng giống nhau* tượng đứng, mặc áo cà sa, sơn nhũ vàng, tay cầm Kinh Phật để trước ngực Phía sau tượng Quan Thế Âm là 1 pho tượng ngồi trên tòa sen tóc xoắn ốc, bên phải thấp hơn là một pho tượng ngồi, bên trái là một pho đứng. Phía trên tượng Phật là bức đại tự “Kim tân độ sinh”.
Ngoài chùa từ cổng vào có 1 tấm bia thời Cảnh Hưng 2 (1741), sau bia là 1 bệ thờ lộ thiên cao 1,7m có dòng chữ hán “Duy nhạc giáng thần”. Hai mặt bia nói rõ lí do dựng chùa và bài văn ước của làng Trung Tự (ruộng và các tiết cúng lễ của làng) làm vào năm Cảnh Hưng 2 (1741). Mặt trước bia nhắc đến công lao của bà Trịnh Thị Thuần, bên phải là hương ước của bà, bên trái là bài ước của dân Trung Tự ghi năm Minh Mệnh 17 (1836). Bên phải chùa là 3 tháp mộ của 3 vị sư tổ đã viên tịch, tháp lớn cao nhất 3,5m, tháp thấp nhất cao 2m.
Chùa Phúc Long tuy nhỏ nhưng xây dựng khá lâu đời, trong kháng chiến chống Pháp là nơi đi về của một số đồng chí hoạt động nội thành. Thời gian Mỹ ném bom, Chùa là nơi tạm lánh của một số gia đình.
Đặc điểm là chùa này không có ngày lễ hội riêng. Khách thập phương thường đến lễ vào các ngày tết, rằm mồng 1. Chùa đã được công nhận Di tích lịch sử – văn hóa năm 1992.

Loading...