Chùa Phụng Thánh hiện ở ngõ cống Trắng, phố Khâm Thiên, phường Trung Phụng, quận Đống Đa, Hà Nội.


Chùa Phụng Thánh cũng như làng Phụng Thánh được lí giải bằng truyền thuyết rất xưa liên quan đến vương triều Lí (1010 -1225).
Theo truyền thuyết vào thế kỷ XII, dưới triều Lí, có một công chúa rất xinh đẹp, nàng quan tâm đến đời sống của nhân dân và phong cảnh đất nước. Một hôm nàng xin phép vua cha cho đi du ngoạn trên một chiếc thuyền. Khi con thuyền đưa nàng công chúa đến một chiếc hồ lớn thì gặp một cơn giông, làm thuyền bị đắm và nàng công chúa đã chết. Nhà vua bèn sai quân lính vớt xác, nhưng công chúa đã làm nhiều điều thiện giúp dân nên được hóa Phật. Để tưởng nhớ công lao của nàng, dân quanh vùng đã chọn mảnh đất quanh hồ để xây miếu thờ. Sau đó dân làng lại đóng góp công sức xây dựng nên ba gian nhà gỗ ở phía sau miếu để thờ Phật. Đó là tiền thân của di tích chùa Phụng Thánh.
Sau một thời gian tồn tại lâu dài, đến thời Tây Sơn, di tích nằm trong khu vực chiến trường Đống Đa, nên chùa bị hủy hoại. Đến thời Nguyễn, chùa được phục hồi vào năm Ắt Mão (1855) và năm Ất Sửu (1865). Đến đêm 26 -12 -1972 chùa bị bom B52 Mỹ phá sập khu chùa chính. Năm 1973 nhà sư Đàm Ánh trụ trì tại chùa đã tiến hành xây dựng lại di tích.
Di tích được dựng trên một khu đất bằng phẳng và có một khuôn viên rộng lớn bao quanh. Chùa quay mặt về hướng Nam, trông ra hồ nước rộng. Trước đây, di tích bao gồm Tam quan, chùa chính, nhà tổ, nhà ngang, sân sạch và khu vườn rộng bao quanh. Do sự phát triển dân cư, Tam quan chùa không còn, nên lối vào chùa là một lối nhỏ, cửa gỗ dẫn vào hành lang nhà tổ và nhà mẫu.
Các bộ phận kiến trúc chùa Phụng Thánh được xếp đặt trên trục Bắc – Nam. Sau chùa chính là sân gạch vuông dẫn tới nhà tổ, hai dây dải vì nằm song song với hậu cung chùa và và sân gạch tới hiên trước nhà tổ.
Chùa chính thờ Phật, trong chùa lưu giữ 29 pho tượng tròn, trong số đó có 21 tượng hệ Phật điện, 8 pho tượng Mầu, 2 quả chuông đồng, đồ gốm sứ, đồ gỗ, các bức đại tự, câu đối sơn son thếp vàng, bia đá.
Chùa vẫn bảo lưu được nhiều nét đẹp của kiến trúc truyền thống, đó là sự hài hòa giữa kiến trúc và cảnh quan, giữa các bộ phận kiến trúc với nhau. Các pho tượng cô cố giá trị là những tác phẩm nghệ thuật điển hình của thời Nguyễn.
Chùa đã được Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng Di tích kiến trúc – nghệ thuật ngày 16/11/1988.

Loading...