Chùa Mật Dụng thuộc thôn Đông, phường Bưởi, quận Tây Hồ, Hà Nội.


Tương truyền chùa dựng từ trước đời Lê Sơ. Chùa quay về hướng nam nằm trên một khu đất cao bằng phẳng của thôn Đông xưa. Từ ngoài vào, thứ tự của kiến trúc như sau: Cổng tam quan có 4 trụ lớn, trên trụ xây hình trái giành. Chùa chính làm theo kiểu chữ Công gồm tiền đường, nhà thiêu hương và hậu cung. Nhà tiền đường gồm 5 gian, 2 chái lợp ngói ta, bít đốc, vì kèo kiểu chồng rường giá chiêng hạ kẻ, chạm khắc gọn và sắc nét. Nhà thiêu hương có 2 gian. Hậu cung 3 gian, 2 chái xây gạch vồ vững chắc, cao hơn tiền đường 0,60m. Song song với hậu cung là 2 dãy tịnh xá, 6 gian, nối tiền đường với nhà Tổ. Nhà Tổ, nhà thờ Mẫu 7 gian, kiến trúc đơn giản thờ các vị sư tổ của chùa và tam phủ (còn gọi là điện Lưu Ly). Đây là một công trình khép kín còn nguyên vẹn.
Chùa Mật Dụng là một kiến trúc Phật giáo còn giữ được gần như nguyên vẹn, từ kiến trúc đến tượng Phật, đồ tế khí. Đây là một di tích quý cho việc nghiên cứu Phật giáo ở Thủ đô cần được bảo lưu, tôn tạo thành một địa điểm tham quan du lịch và nghiên cứu khoa học.
Chùa thờ Phật. Trong chùa có nhiều tượng Phật có giá trị. Chùa có quả chuông Mật Dụng hồng chung đúc năm Cảnh Thịnh 2 (1794). Tấm bia đá hậu Phật ghi việc sửa chữa chùa Mật Dụng dựng năm Minh Mệnh 4 (1824) cho biết ngày trước nhân vì binh hỏa lâu ngày nên chùa hoang phế, năm Tân Mùi (1811) dân trong làng mới bàn nhau tu sửa. Nhà sư họ Trần tên là Chiếu Liêm đã cùng với thiện nam tín nữ tu sửa. Đến năm Canh Thìn (1820) Chiếu Liệm lại xin tạo thêm một gác chuông, hành lang, tô vẽ tượng Phật, lập bia và truyền thần một bức tượng để truyền đến mai sau. Chùa có 2 bia đá, nhiều câu đổi cổ.
Chùa đã được Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng Di tích kiến trúc, nghệ thuật năm 1989.

Loading...