Chùa Hà Tiên tọa lạc trên đồi Hà – thuộc thôn Gia Viễn xã Định Trung, thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc. Xưa xã Định Trung thuộc huyện Tam Dương – thời Hùng Vương thuộc Phong Châu, thời Trần thuộc lộ Tam Đái, thời Nguyễn thuộc phủ Vĩnh Tường, tỉnh Sơn Tây, năm 1899 thành lập tỉnh Vĩnh Yên – nay là thôn Gia Viễn, xã Định Trung thuộc thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc.
Thành phố Vĩnh Yên có nhiều ngôi cổ tự đã được xếp hạng là Di tích lịch sử văn hóa: Chùa Tích (Ngũ Phúc Tự), chùa Phú, chùa Hoa Nở; Chùa Bảo Sơn, Chùa Đậu và Chùa Hà. Trong số đó, các ngôi cổ tự được người trong vùng coi là hàng đại danh lam xưa có: Chùa Tích (Ngũ Phúc Tự): Khởi xây từ thời Lý Trần trên núi An (tức An Sơn) sau dời về làng Tích Sơn (nay là phường Tích Sơn), chùa Hà Tiên (tức Hà Tiên Tự), tại đồi Hà, thôn Gia Viễn, xã Định Trung và còn có chùa Bầu – trên núi Bầu – nay thuộc phường Liên Bảo – khởi xây thời Lí Trần.

Chùa Hà Tiên ( Vĩnh Phúc )
Chùa Hà Tiên ( Vĩnh Phúc )

Lịch sử và kiến trúc

Do sự biến động đổi thay, cho đến khoảng giữa thế kỷ XX, chùa Hà bị hủy hoại hoàn toàn, đến khoảng những năm 60, 70 của thế kỷ XX, nhân dân địa phương tận dụng những cơ sở công trình công cộng, bài trí tượng Phật, các đồ pháp khí còn lại làm nơi lễ Phật, cố gắng gìn giữ nơi chùa cảnh xưa để phục vụ nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng của nhân dân trong vùng, vì thế chùa Hà tuy bị hủy hoại nhưng pháp luân vẫn luôn chuyển trong tâm thức của nhân dân, của Phật tử gần xa, luôn kính ngưỡng về suối nguồn đạo đức, tâm linh.
Những năm cuối cùng của thế kỷ XX, trước khi có chủ trương xây dựng, trùng tu, phục hồi, chùa Hà Tiên có 3 gian bài trí 7 pho tượng Phật sử dụng như là chùa chính, 3 gian tiếp đón khách thập phương đồng thời làm nơi tu lễ, 2 gian tưởng niệm Bác Hồ, khu vườn gồm 8 ngôi tháp và cây si cổ thụ, dưới chân đồi phía nam có giếng Hà, nơi Bác Hồ đã ngồi nghỉ vào năm 1961. Ngoài ra chùa còn có 2 bia đá: một là Hà Tiên Thiên Đài Bi lập năm Chính Hòa thứ 24 (tức năm 1703) ghi lại việc trùng tu chùa Hà; một tấm bia được tạo năm Quang Trung thứ 4 (1791), ghi lại sự việc nhà sư trụ trì là Tổ Tịnh Huân nguyện lập đàn tự hóa để cầu mưa cho thiên hạ, tránh được nạn hạn hán mất mùa đói kém, giải thoát tai ương cho nhân dân trong vùng, nay cứ đến ngày 1/6 âm lịch hàng năm là ngày kỵ nhật của Tổ, chúng tăng đều tổ chức lễ giỗ tổ trang trọng để bày tỏ sự tri ân với công đức của tổ đã vì dân mà thăng hóa, chùa cũng còn lưu giữ 2 voi đá nhỏ.
Tương truyền, vào thời Hùng Chiêu Vương, khi quốc gia lâm sự, bà Lăng Thị Tiêu từ vùng Tây Thiên chiêu binh đánh giặc, trên đường về Phong Châu bà đã nghỉ lại chùa Hà, chiêu mộ thêm tráng đinh trong vùng để hội quân với Hung Chiêu Vương ở Phong Châu sau bà được tôn phong là Quốc Mẫu Tây Thiên. Vì vậy được nhân dân địa phương lập bài vị thờ Quốc Mẫu tại chùa, gọi là thờ Đức Thánh Đại Vương.
Kể từ sau khi trùng tu lớn năm 1703, chùa Hà thành một trung tâm tu tập lớn của tăng ni, nơi hoàng pháp cho đông đảo Phật tử trong vùng và phụ cận, có thời gian đã trở thành trung tâm đào tạo Phật giáo ờ phía bắc kinh thành Thăng Long, với vườn tháp còn nguyên vẹn 8 ngôi cổ tháp mộ mang những đặc điểm của mộ tháp sư thời Hậu Lê và thời Nguyễn – đã minh chứng sự ổn định lâu dài qua nhiều thế hệ chư tổ trụ trì và viên tịch của Hà Tiên Tự, đồng thời khẳng định vị thế của chùa Hà trong hệ thống các ngôi chùa được phân bổ khá đậm đặc trong vùng, là nguồn tư liệu quý để nguyên cứu tìm hiểu về giá trị kiến trúc nghệ thuật loại hình tháp mộ thời Hậu Lê ở Vĩnh Phúc.

Loading...