Thường gọi là chùa Cập Nhất (hay Cửu Phẩm). Chùa Động Ngọ, tọa lạc ở thôn Cập Nhất, xã Tiên Tiến, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương. Chùa thuộc hệ phái Bắc tông.

Lịch Sử

Sách Mĩ thuật của người Việt (Hà Nội, 1989) cho biết chùa có 2 tấm bia cổ (đã mất) có hai niên đại sớm: Lí Thái Bình (Ư Thánh Tông: 1054 – 1072, niên hiệu Long Thụy Thái Bình) và đại chính nguyên niên (1530) cùng bát hương năm Hoàng Định 19 (1619). Ngôi chùa mang dấu ấn của cuối thế kỷ XVII. Tấm bia “Kiến khai Cửu Phẩm Liên Hoa bi ký” (1692) đã nói đến việc Thiền sư Chân Nguyên thuộc Thiền phái Trúc Lâm đã tổ chức dựng cây Cửu Phẩm Liên Hoa vào mùa xuân năm Nhâm Thân (1692) thời Vua Lê Hy Tông. Cây Cửu phẩm cao 5,30m, mặt cắt 6 cạnh đều, 9 tầng (mỗi mặt gắn 3 pho tượng Phật, tổng số tượng là 162 pho), được đặt trong tòa Cửu phẩm vuông, 2 tầng 8 mái. Thượng tọa trụ trì Thích Thanh Đạt đã tổ chức đại trùng tu ngôi chùa vào năm 1993 – 1994, bài trí Chính điện trang nghiêm. Chùa đã được Bộ Văn hóa công nhận là Di tích lịch sử – văn hóa quốc gia.
Tam quan được tôn tạo năm 1995. Cửa chính của Tam quan xây gác chuông hai tầng, bốn mái chồng điện trên có treo một đại hồng chung cao 1,5m, đúc năm 1813.

Kiến Trúc

Với những ai lâu ngày không trở lại chùa, thì lần hội ngộ này sẽ thấy một chùa mới mẻ hơn nhưng vẫn cổ kính, bởi vì kiến trúc ngôi chùa phần nào đã được nhà sư Thích Thanh Thắng, chủ trì chùa chỉnh trang thêm, biến nơi đây thành bảo tàng đá độc đáo nhất huyện Thanh Hà.

Ngay từ ở ngoài cổng, bức tường rào của chùa đã được trang trí bằng những trục đá, mà người xưa dùng để trục lúa. Hàng chục chiếc trục lúa được xếp đều tăm tắp, khiến cho những ai nhìn thấy đều tò mò, cảm thấy thú vị. Trục lúa là nông cụ được bà con nông dân vùng Bắc Bộ dùng phổ biến vào thế kỷ trước để tách hạt lúa ra khỏi bông, khi mà nền nông nghiệp vẫn còn sản xuất thủ công. Trong ký ức của nhiều người, chiếc trục đá nặng trình trịch ấy là minh chứng cho một thời cuộc sống đầy gian khó, gắn bó với nhiều kỷ niệm. Qua khỏi tam quan, có hai chiếc giếng. Chiếc giếng nhỏ có lan can làm bằng gần trăm tai cối giã gạo ngày xưa. Chiếc giếng lớn được gắn xung quanh thành bởi 68 trục đá tuốt lúa, đặt trên những chiếc trụ đá, có khắc chữ “tâm”, chữ “phúc”. Ở phía bên kia tam quan, cũng có một chiếc nhỏ được gắn bằng gần trăm chiếc trục lúa, bên trên có khắc hoa sen. Trong sân chùa, có chiếc thống đá nặng vài tạ với niên đại gần 400 tuổi, người xưa dùng để đựng nước và ngâm gạo nấu xôi khi có yến tiệc hoặc để nhà chùa dùng đựng nguyên liệu làm oản, xôi  khi có việc đại sự; mặt bên chiếc thống này còn khắc rất nhiều chữ Hán cổ. Trong chùa Cửu Phẩm, còn lưu giữ chiếc cầu đá được chạm trổ tinh xảo, đặc trưng cho giao thông của người Bắc Bộ xưa. Tương truyền, nếu cặp đôi nào cùng dắt tay nhau đi từ đầu tới cuối chiếc cầu đá này thì sẽ sống bên nhau trọn đời. Chẳng thế mà, nhiều du khách đến đây thăm quan chẳng ngần ngại cùng nhau đi trọn chiếc cầu ngắn ngủi, để mong sẽ bên nhau mãi mãi trên chặng dài cuộc đời. Xung quanh các gốc cây còn rất nhiều cột đá, bia đá cổ, các cối lớn nhỏ, cối giã giò, giã gạo, chân tảng, trục ép mía… bằng đá được nhà chùa tận dụng trồng hoa sen hoặc bài trí cảnh chùa.  Ngoài ra, tại chùa Động Ngọ, còn có vô số những đồ đá cổ khác gồm trụ đá, cột đá, tháp đá, trục đá, bia đá, phiến đá, cây hương đá, cầu đá, chó đá, gạch lát đường bằng đá. Thầy Thắng cũng dùng đá để tu sửa lại một số bậc chùa đã hư hỏng… Hầu như tất cả những gì làm bằng đá của người xưa đều được trưng bày ở trong sân chùa, vườn chùa.

Nhà sư Thích Thanh Thắng chủ trì chùa Cửu Phẩm đã 25 năm, và cũng từng ấy thời gian thầy bỏ ra để tìm kiếm, sưu tập khối lượng đá khổng lồ này. Theo ước tính, đồ đá ở đây có khoảng 2.000 hiện vật, với khối lượng trên 180 tấn. Theo lời thầy Thắng kể, để có được những hiện vật quý giá này, thầy đã phải đi rất nhiều tỉnh bạn như Ninh Bình, Hưng Yên, Thái Bình, Thanh Hóa,… để tìm kiếm. Đi đến bất kỳ đâu, thầy Thắng đều lân la tìm kiếm tin tức về các loại đá cổ, nếu có thầy sẽ tìm mọi cách vận chuyển về. Có lần, thầy còn ăn mặc giống thường dân để dễ dàng cho công việc tìm kiếm, cũng như vận chuyển đá cổ. Nhiều khi, thầy đi sưu tập những thứ tưởng chừng như đồ bỏ đi, gặp phải ánh mắt dị nghị của nhiều người dân, nhưng thầy cũng không nản chí, quyết tâm mang về dù tốn công sức, tiền của. Đôi khi mất mấy năm trời thầy Thắng mới thuyết phục được địa phương cho phép thầy mang đồ đá đi. Đó là câu chuyện vào năm 2005, thầy Thắng phát hiện ở một ngôi làng thuộc huyện Nam Sách (Hải Dương) có cây cầu đá cổ rất đẹp và rất muốn mang về chùa nhưng chính quyền địa phương không cho. Sau đó, thầy phải thương thuyết xây cho địa phương ấy ngôi nhà văn hóa trị giá 70 triệu đồng, thì chính quyền địa phương mới đồng ý cho mang cây cầu ấy đi. Đó là một câu chuyện khó quên đối với thầy Thắng, cũng minh chứng cho niềm đam mê với đá cổ của thầy. Nói về mục đích của việc sưu tầm đá cổ, thầy Thắng cho biết trong một lần đi cầu siêu giải hạn ở huyện Thanh Hà, thầy Thắng phát hiện một phiến đá xanh to ven đường, trên phiến đá ghi niên đại từ thời Trung Hưng. Lúc ấy, trong đầu thầy lóe lên ý nghĩ về việc sưu tập và bảo tồn những nét văn hóa quý giá của cha ông. Thầy Thắng quyết định dùng toàn bộ tiền bố thí của hôm ấy để thuê xe chở phiến đá về chùa, và công cuộc tìm kiếm đá cổ cũng bắt đầu từ đó. Thầy cũng tâm sự thêm, không có bất cứ cuốn sách Phật giáo nào hay đạo lý nhà Phật nào khuyên nhà sư đi sưu tập đá để tu hành, nhưng thầy Thắng rất tiếc nếu những giá trị văn hóa của người dân nông thôn vùng Bắc Bộ xưa kia bị mất đi không còn ai nhớ tới, biết tới.

Loading...

Đồ đá ở đây không chỉ độc đáo ở số lượng phong phú, tuổi đời hàng trăm nghìn tuổi mà còn ở sự sắp xếp tài tình của nhà sư. Tất cả các hiện vật bằng đá đều được sắp xếp có chủ ý, mục đích, có hình khối tạo nên phong cảnh nên thơ, cổ kính, đầy hoài niệm. Đến chùa Cửu Phẩm không chỉ đọc kinh, niệm Phật, tìm hiểu về các triết lý sống của Phật giáo, mà còn chiêm ngưỡng những giá trị văn hóa tốt đẹp, giàu bản sắc của cha ông ta từ ngàn xưa, được thể hiện qua những hiện vật bằng đá. Với những ai hay hoài niệm quá khứ, thì không gian chùa chiền nơi đây không chỉ bình yên tách biệt với cuộc sống xô bồ ngoài kia, mà còn gợi lại trong họ những năm tháng nhọc nhằn kéo chiếc trục tuốt lúa trên sân hợp tác, những đêm giã gạo rộn tiếng cười, hay những bước đi qua sông trên những cây cầu đá chông chênh,…

 

Loading...