Chùa Dâu tọa lạc ở xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, cách Hà Nội khoảng 30km. Chùa có nhiều tên gọi: Diên Ứng tự, Pháp Vân tự, Thiền Đình tự, Cổ Châu tự, Chùa cả. Chùa thờ Pháp Vân. Nơi đây là trung tâm thành cổ Luy Lâu từ thế kỷ thứ II sau Công nguyên. Đây là ngôi chùa phật giáo cổ nhất Việt Nam. Chùa là một danh lam bậc nhất của xứ kinh Bắc xưa nay. Đây cũng là một di tích quốc gia đặc biệt của Việt Nam được xếp hạng đợt 4.

 

Tục truyền

Từ xa xưa người dân nơi đây thường sống bằng nghề trồng dâu nuôi tằm, dân gian vẫn thường gọi là vùng dâu hoặc kẻ dâu. Chất mộc mạc thôn dã và giản dị nơi đây đã góp phần không nhỏ tạo lên nét đẹp dân gian tự nhiên của chùa. Khoảng đầu Công nguyên một số nhà sư từ Ản Độ đi theo đường biển vào Luy lâu để truyền đạo.

Nhanh chóng chùa đã trở thành một trung tâm truyền giáo đạo Phật đầu tiên để từ đây lan rộng sang Lạc Dương (Trung Quốc) và một số nơi khác. Bấy nhiêu thôi cũng đã đủ làm cho chúng ta tự hào và trân trọng bởi ý nghĩa của giá trị văn hóa nơi đây.

Chùa Dâu gắn với huyền tích Phật mẫu Man Nương và tứ Pháp (Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện), là biểu hiện sinh động sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa tín ngưỡng dân gian của người Việt với Phật giáo khi mới du nhập. Tương truyền, nàng Man Nương, cô gái Kẻ Mèn (nay thuộc xã Hà mãn, Thuận Thành) dốc tâm học đạo Phật, một hôm nằm ngủ quên, sư Khâu –đà –la vô tình bước qua mà bỗng nhiên mang thai. Kết quả đến giờ Ngọ ngày 08 tháng 4 (âm lịch) thì sinh một nữ nhi. Nàng liền đem con đến trả cho sư Khâu-đà-la. Nhà sư mang đứa bé đén gốc cây dung thụ gõ cây đọc kệ. Cây dung thụ bỗng nứt toác ra ôm đúa bé vào lòng. Rồi Khâu-đà-la cho Man Nương cây tích trượng và dặn khi nào có đại hạn cứ cắm xuống đất và phát nguyện thì sẽ có nước để cứu dân. Thế rồi vào năm Giáp Tý, mưa bão đánh đổ cây dung thụ trôi theo dòng sông Dâu về đến thành Luy Lâu thì quẩn không trôi được nữa. Bao nhiêu chàng trai trong vùng được huy động đến kéo cây vào bờ nhưng cây không hề nhúc nhích. Vừa lúc đó, Man Nương vô tình ra sông rửa tay, bỗng dưng cây dập dình như con tìm thấy mẹ. Man Nương ném dải yếm ra thì cây dung thụ trôi ngay vào bờ. Cũng khi ấy Sỹ Nhiếp trong thành Luy Lâu được mộng phải tạc cây dung thụ thành tượng Tứ Pháp để thờ. Sỹ Nhiếp cho ngay thợ xẻ cây dung thụ tạc tượng Tứ Pháp. Khi tượng đã làm xong, làm lễ đặt tên cho pho thứ nhất thì bỗng thấy trời nổi mây ngũ sắc liền đặt tên là Pháp Vân, thờ ở chùa Dâu, dân gian gọi là bà Dâu. Khi đặt tên cho Pho thứ hai thì bỗng thấy trời nổi gió lớn liền đặt tên là Pháp Vũ, thờ ở Chùa Thành Đạo (tức chùa Đậu) dân gian gọi là bà Đậu. Đến khi đặt tên cho pho thứ ba thì bỗng thấy trời nổi sấm ầm ầm thì liền đăt tên là Pháp Lôi thờ ở chùa Phi Tướng (tức chùa Tướng) dân gian gọi là bà Tướng. Đến khi đặt cho pho thứ tư thì bỗng thấy trời nổi chớp, liền đặt tên là Pháp Điện thờ ở chùa Phương Quan (tức chùa Dàn) dân gian gọi là bà Dàn. Nhưng khi làm lễ rước Phật Tứ Pháp về các chùa, chỉ được ba pho, còn pho tượng Pháp Vân không hề chuyển động. Hỏi ra mới biết khi tạc tượng rìu đẽo phải hòn đá trong cây dung thụ đã quẳng xuống sông. Tức thì dân các làng chài quanh đấy được phái đi mò nhưng không hề thấy. khi Man Nương đi dò đến nơi thì bỗng nhiên hòn đá dưới nước nhảy lên vào lòng và phát sáng. Hòn đá đó đặt tên là Phật Thạch Quang được thờ ở chùa Dâu.
 Câu chuyện nàng Man Nương được giải thích là sự mầu nhiệm của “nhân thiên hợp khí”. Thực chất đó là cuộc hôn phối giữa đạo phật với tín ngưỡng bản địa, tiền thân của Tứ pháp (Mây, Mưa, Sấm, Chớp) thờ ở vùng Dâu, Luy Lâu rồi lan tỏa ra nhiều vùng khác. Ngày mồng 8 tháng 4 không chỉ là ngày sinh Phật Thích Ca (Ấn Độ) mà là ngày sinh của Phật Tứ Pháp (Việt Nam).

Lịch sử hình thành và phát triển

Theo ghi chép trong sách sử và bia đá, đây là ngôi chùa Phật giáo cổ nhất Việt Nam, là nơi giao lưu của hai luồng văn hóa Phật giáo, một từ Ân Độ sang, một từ phương Bắc xuống.

Loading...

Vào đầu công nguyên, các tăng sĩ Ân Độ, tiêu biểu là Khâu Đà La, đã tới Dâu – tức Luy Lâu tiến hành truyền bá đạo Phật, lập nên trung tâm Phật giáo Luy Lâu – trung tâm Phật giáo lớn nhất và cổ xưa nhất của Việt Nam. Chùa tháp được xây dựng rất nguy nga bên cạnh thành quách, đền đài, cung điện, lầu gác, phố chợ sầm uất của đô thị Luy Lâu, trong đó chùa Dâu là trung tâm trong hệ thống các chùa thờ Phật và thờ tứ pháp (Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện), một nét độc đáo trong sự kết hợp giữa Phật giáo Ân Độ và tín ngưỡng dân gian của người Việt. Chùa Dâu trở thành trung tâm của Thiền phái Tì ni đa lưu chi – Thiền phái đầu tiên của Phật giáo Việt Nam.

Chùa được xây dựng từ thế kỉ thứ 2 (khởi công xây dựng năm 187 và hoàn thành năm 226) dưới thời Sĩ Nhiếp làm thái thú. Chùa Dâu thờ nữ thần Pháp Vân nên gọi là chùa Pháp Vân và nằm trong vùng đất Cổ Châu nên cũng gọi là chùa Cổ Châu. Chùa gắn liền với truyện cổ tích Tứ pháp của người Việt xưa.

Những tài liệu, cổ vật còn lại ở chùa Dâu, đặc biệt là bản khắc “Cổ Châu Pháp vân Phật bản hạnh”, có niên đại 1752 cùng kết quả nghiên cứu về lịch sử Phật Việt Nam của các nhà sử học và Phật học đã khẳng định “Chùa Dâu là tổ đình của Phật giáo Việt Nam”, được nhà nước xếp hạng di tích lịch sử ngày 28/4/1962.
Vào thế kỷ XIV (1313), có thể nói đây là đợt hưng công lớn nhất, chùa Dâu được trùng tu mở rộng với quy mô lớn mà người có công đầu là trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi. Vua Trần Nhân Tông đã sai Trạng Nguyên Mạc Đĩnh Chi về kiến thiết lại chùa Dâu thành “chùa trăm gian, tháp chín tầng, cầu chín nhịp”. Trải qua bao thăng trầm và chiến tranh tàn phá nhưng chùa Dâu với tháp gạch cao sừng sững, với tòa ngang, dãy dọc nguy nga, cổ kính vẫn còn đó. Vua quan, các cung tần mỹ nữ các triều đại thường lui tới thăm chùa, lễ Phật, cầu đảo, cầu tự.

Năm Đinh Tị 1737 có rất nhiều vua chúa cung tần mĩ nữ qua lại lễ Phật cầu đảo thăm chùa, vãn cảnh,…

Cảnh quan và kiến trúc

Cũng như nhiều chùa chiền trên đất Việt Nam, chùa Dâu được xây dựng theo kiểu “nội công ngoại quốc”. Bốn dãy nhà liên thông hình chữ nhật bao quanh ba ngôi nhà chính: tiền đường, thiêu hương và thượng điện

Với diện tích khoảng 1730m2 trên khu đất rộng bằng phẳng nằm cạnh sông Dâu, chùa được xây dựng mang đậm phong cách nghệ thuật, kiến trúc của thời Lý, Trần do được tu sửa vào thời kỳ này

Quan trọng nhất là tháp Hòa Phong: Chính giữa sân chùa trước bái đường, Mạc Đĩnh Chi đã cho dựng ngôi tháp Hòa Phong cao chín tầng, nay chỉ còn ba. Ngôi tháp vuông xây bằng gạch trần, dáng chắc khỏe nổi bật giữa khung cảnh xung quanh. Tháp tượng trưng cho ngọn núi vũ trụ, bốn góc tháp có bốn tượng Thiên vương trấn giữ. Trên tháp treo một khánh đồng cổ. Tháp Hòa Phong Tháp xây bằng loại gạch cỡ lớn ngày xưa, được nung thủ công tới độ có màu sẫm già của vại sành. Thời gian đã lấy đi sáu tầng trên của tháp, nay chỉ còn ba tầng dưới, cao khoảng 17 m nhưng vẫn uy nghi, vững chãi thế đứng ngàn năm. Mặt trước tầng 2 có gắn bảng đá khắc chữ “Hòa Phong tháp”. Chân tháp vuông, mỗi cạnh gần 7 m. Tầng dưới có 4 cửa vòm. Từ “Hoà Phong” có nghĩa là ngọn gió mát mẻ, tốt lành. Trong tháp có treo một quả chuông đồng đúc năm 1793 và một chiếc khánh đúc năm 1817. Có 4 tượng Thiên Vương – 4 vị thần trong truyền thuyết cai quản 4 phương trời- cao 1,6 m ở bốn góc.

Trước tháp, bên phải có tấm bia vuông dựng năm 1738, bên trái có tượng một con cừu đá dài 1,33 m, cao 0,8 m. Điều này làm ngạc nhiên nhiều du khách, bởi xưa kia nước Việt không có con cừu. Truyền sử kể rằng: vào thời Luy Lâu còn là trung tâm văn hoá, chính trị, kinh tế của cả nước ta, có vị sư người Tây Thiên sang nước ta tu hành truyền bá đạo Phật. Ông dắt theo 2 con cừu. Một hôm sơ ý để 2 con đi lạc, 1 con lạc đến chùa Dâu, 1 con lạc đến lăng Sĩ Nhiếp (thái thú Giao Chỉ thời đó), dân ở 2 vùng này đã tạc tượng 2 con cừu bằng đá ở nơi chúng đến để thờ. Do vậy hiện nay chùa Dâu có 1 con, lăng Sĩ Nhiếp (cách đó 3 km) có 1 con.

Đến với chùa Dâu ngoài cảnh quan đồ sộ, chúng ta còn được chiêm ngưỡng những pho tượng quý giá như Pháp Vân, Kim Đồng, Ngọc Nữ, những bức phù điêu chạm khắc trên những bức trống, cốn, giá chiêng mà ngày nay ít khi có được. Tất cả đều được tạc và rèn đúc rất tinh xảo trong bàn tay các nghệ nhân đời xưa.

Tượng Pháp Vân cao 1m85cm tạo trong thế ngồi ở tòa sen toàn thân sơn màu cánh dán. Với chân dung tai to, lông mày cong lá liễu, cổ cao ba ngấn tay phải dơ 5 ngón lên trời, trong lòng bàn tay có một viên ngọc sáng. Nét thanh thoát, mềm mại của bức tượng đã toát lên vẻ nhân từ, độ lượng của nhà Phật thiêng liêng, cao quý

Ở gian giữa chùa có tượng Bà Dâu, hay nữ thần Pháp Vân, uy nghi, trầm mặc, màu đồng hun, cao gần 2m được bày ở gian giữa. Tượng có gương mặt đẹp với nốt ruồi to đậm giữa trán gợi liên tưởng tới những nàng vũ nữ Ấn Độ, tới quê hương Tây Trúc. Ở hai bên là tượngKim Đồng và Ngọc Nữ. Phía trước là một hộp gỗ trong đặt Thạch Quang Phật là một khối đá, tương truyền là em út của Tứ Pháp.

Ta còn nhận thấy rằng tín ngưỡng phật giáo ấn Độ đan xen trong tín ngưỡng dân gian ở Việt Nam như thờ các vị thần: Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện. Gửi gắm vào đó là những mong ước cho mùa màng bội thu, cơm no áo ấm cho mọi chúng sinh của nhân dân khi trời đất được mưa thuận, gió hòa.

Trạm trổ đá: Một điểm đáng nói nữa trong công trình kiến trúc của chùa Dâu là hình trạm trổ trên đá. Đó là phong cảnh thiên nhiên chim muông, hoa lá, đặc biệt là rồng. Theo một số nhà nghiên cứu thì một số hiện vật bằng đá, gạch đất nung trang trí có hình vẽ rồng phần lớn là kiến trúc nghệ thuật rồng có niên đại vào thời Lý Trần. Con rồng không chỉ là biểu tượng văn hóa quý trong di sản văn hóa vật thể mà còn hiện diện rất phong phú trong di sản văn hóa phi vật thể. Nó đi vào đời sống hôm nay như một nhu cầu văn hóa không thể thiếu trong các lễ hội.

Ngày nay kiến trúc của chùa Dâu vẫn giữ nguyên như cũ: Nhà tiền thất, tháp Hòa Phong, Tiền Đường, tòa Tam Bảo, Thượng Điện, Hạ Điện, Hậu Đường, hai dãy hành lang,… Tuy nhiên thì cầu chín nhịp và Điện Tam quan đã không còn

Lễ hội

Hằng năm cứ vào ngày 8 tháng 4 âm lịch, không ai bảo ai người dân từ thập phương đều kéo về nơi đây lễ Phật cầu may. Đó cũng là ngày hội chính của chùa Dâu, ngày mà bà Man Nương sinh hạ.
Hội Dâu mở trong 3 ngày: mồng 7, mồng 8, mồng 9 âm lịch với một quy chế rất chặt chẽ. 11 kiệu Phật được rước ra ngoài trời, đi khắp 12 làng xã trong Tổng Khương. Các kiệu Phật được phong áo rất lộng lẫy uy nghi.

Hoạt động chính của hội là các làng tổ chức rước các tượng Pháp Vân (bà Dâu), Pháp Vũ (bà Đậu), Pháp Lôi (bà Tướng), Pháp Điện (bà Dàn) từ các chùa của làng mình về chùa Dâu “công đồng” (hội tụ các yếu tố Mây+ Sấm +Chớp= Mưa), đám rước gồm ngựa thờ, cờ lọng, cống bát quái,… Điều đặc sắc, ấn tượng nhất là khi tới chùa Dâu thì diễn ra trò “mẹ đuổi con”. Kiệu bà Dâu, bà Đậu, bà Tướng, bà Dàn, mỗi kiệu được rước chạy 03 vòng rồi trở về chỗ cũ. Sau đó diễn ra trò “cướp nước” được đón đợi nhiều nhất, khi có hiệu lệnh, kiệu bà Tướng (bà Sấm, bà Đậu (bà Mưa) đua nhau rước chạy ra tam quan. Kiệu rước bà nào đến trước thì bà đó được nước, là thắng. người dân quan niệm rằng, nếu là bà Đậu thì năm ấy được mùa, nếu là bà Tướng thì năm ấy ruộng đồng lắm sâu, nhiều đỉa, làm ăn trắc trở.
Bên cạnh đó, dân xã còn tổ chức rước “Phật Thạch Quang” và “Phật Tứ Pháp” về chùa Mãn Xá (quê mẹ Man Nương để bái tổ), rước “tuần nhiễu”,…

Gắn với lễ hội còn có các trò chơi dân gian như thi cướp nước, múa trống, múa gậy, múa sư tử. Ban đêm có hát chầu văn, hát chèo, hát trống quân,… Đi theo các pho tượng rước còn có các tán, long, tù và, trống chiêng… tất cả đã tạo nên cho ngày hội thêm đông vui, náo nhiệt.
Về với chùa Dâu ta còn được nghe kể rất nhiều chuyện, truyền thuyết dân gian về Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi, về cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, về sự tích giữa ông Khâu Đà La và bà Man Nương đầy ly kỳ, hấp dẫn.

Ý nghĩa quan trọng nhất của hội Dâu là cầu cho mưa thuận gió hòa, ước vọng ngàn đời của cư dân nông nghiệp, một lễ hội Phật giáo lớn của vùng đồng và Trung du Bắc Bộ. Mỗi dịp lễ hội hàng năm với sự diễn lại sự tích của các vị Tứ Pháp, Man Nương, hội chùa Dâu đã biểu lộ sự sùng bái tín ngưỡng phồn thực cổ sơ của cư dân vùng lúa nước. Trải qua hàng ngàn năm, phần “lễ” của hội đã  ít nhiều bị mai một, mặc dù vậy chúng ta vẫn nhận thấy chân nét đẹp, giá trị văn hóa truyền thống phản ánh đời sống tín ngưỡng đa dạng, sự sáng tạo phong phú của người xưa còn được lưu giữ đến ngày nay.

Trong hiện tại và tương lai chùa Dâu mãi là một nơi mang đậm màu sắc dân tộc Việt Nam, là một nơi mang nhiều ý nghĩa lịch sử sâu sắc.

Cách đi chùa Dâu từ trung tâm TP Hà Nội là: Cầu Chương Dương- Đường Nguyễn Văn Cừ – Cầu Chui – đường QL 5 – tỉnh lộ 181 – Dương Xá ( Gia Lâm ) – Phú Thị ( Gia Lâm ) – Thuận Thành – Phố Dâu – Chùa Dâu.

Loading...