Nghi lễ Chầu văn của người Việt là di sản văn hóa phi vật thể thuộc lĩnh vực tập quán xã hội và tín ngưỡng. Chầu văn là hình thức lễ nhạc không thể thiếu trong các buổi hầu đồng. Lời văn trong các bài chầu văn thường mang màu sắc tâm linh, cực kỳ trau chuốt và nghiêm trang. Đây cũng là một trong những loại hình nghệ thuật dân gian chứa nhiều giá trị văn hóa đặc sắc.

Nguồn gốc của chầu văn

Hát văn  hay chầu văn là một loại hình nghệ thuật ca hát cổ truyền của Việt Nam, xuất xứ ở vùng đồng bằng Bắc Bộ. Thời kỳ hoàng kim của chầu văn là cuối thế kỉ 19 đầu thế kỉ 20 với  hình thức lễ nhạc phục vụ nghi thức hầu đồng của tín ngưỡng Tứ Phủ. Ngoài ra hát văn còn được dùng để ca ngợi các cụ tổ của dòng họ cũng như ca ngợi đức thành hoàng làng, hay dâng văn bản mệnh cho người cảm thấy mình có căn cao số nặng.

Vị trí vai trò của lễ chầu văn trong văn hóa phật giáo

Du nhập vào Việt Nam từ rất sớm Phật giáo đã thích ứng khá nhuần nhuyễn với tín ngưỡng, phong tục, tập quán bản địa và nhờ đó những tinh hoa của giáo lý Phật giáo đã tìm được môi trường thích hợp để nở hoa, kết trái. Trong nhiều ngôi chùa, đã hình thành những không gian văn hóa truyền thống điển hình nơi diễn ra những sinh hoạt văn hóa Phật giáo, các nghi thức tôn giáo như  Lễ Vu Lan, Đại lễ Phật Đản tụng kinh niệm Phật hàng ngày…. Như chúng ta đã biết lễ hội văn hóa truyền thống được coi là một thành tố văn hóa mang giá trị văn hóa phi vật thể tiêu biểu. Và có thể thấy hát chầu văn với sự đề cao những mô hình nhịp điệu có chu kỳ, âm nhạc nên chầu văn giống như những vũ điệu của thánh thần, dìu dặt và mê hoặc lòng người. Dập dìu trên nền nhịp phách lúc ẩn lúc hiện, nhiều làn điệu mang đậm tính trữ tình như dáng vẻ của những gì ngọt ngào, mềm mại, thân thương, rất nữ tính của Thánh Mẫu đã phần nào ảnh hưởng đến văn hóa Phật giáo. Phật giáo là nơi tích hợp các mặt giá trị văn hóa phi vật thể rất phong phú và đa dạng. Trong chầu văn ta thấy nhiều hình thức văn hóa nghệ thuật độc đáo và nó cũng đóng vai trò là nơi giao lưu, cộng cảm và liên kết tình thân trong các cộng đồng Phật tử ở từng đạo tràng nói riêng, cộng đồng cư dân ở các làng xã, vùng miền nói chung. Với những sáng tạo đó, nó mang lại cho con người cảm giác hạnh phúc đầy nhân tính, thánh thiện. Nhờ kết hợp giữa lý trí và tình cảm, giữa trí tuệ và cảm xúc, nhờ những hình tượng nghệ thuật vừa khái quát mang tính biểu trưng mà không gian văn hóa trong chùa Phật như có tác dụng giáo dục, hun đúc nhận thức và tình cảm của chúng sinh.

Những hình thức phổ biến của hát chầu văn

Hát chầu văn có nhiều hình thức khác nhau gồm hát thờ, hát cửa đền, hát hầu và hát thi. Nhịp điệu và tiết tấu có lúc chậm, vừa và nhanh. Bên cạnh những làn điệu có tiết tấu rõ ràng thì còn có tính chất âm nhạc trong sáng và đậm nét dân ca đồng bằng Bắc Bộ được thể hiện rõ trong các điệu bồng mạc. Trên thực tế, hát văn hay hát chầu văn còn có thể tồn tại riêng biệt. Ở Nam Định thì hát văn biểu hiện chủ yếu dưới hình thức hát hầu trong các giá đồng của tín ngưỡng thờ Mẫu và hát cửa đền ở các di tích thờ Đức Thánh Trần, diễn ra trong cả năm, nhưng tập trung nhất vào tháng ba và tháng tám âm lịch. Những năm gần đây còn có hát thi trong lễ hội Phủ Dầy. Một số làn điệu cơ bản của hát văn gồm vỉa, bỉ, miễu, thống…với lời văn thường ở thể thơ lục bát và song thất lục bát. Trong nghi lễ chầu văn của người Việt tất cả các hình thức biểu đạt, động tác múa, âm nhạc và lời hát văn đều mang dấu ấn lịch sử, ghi lại sự tích và ca ngợi công đức của những nhân vật lịch sử có công với dân với nước.

Sắc thái văn hóa, nghệ thuật của hát chầu văn

Người ta vẫn thường hay nói hát văn là một kho báu của người Việt, là một giá trị nghệ thuật vượt thời gian. Về giá trị văn hóa, hát văn trong lễ hầu đồng của người Việt là tín ngưỡng bản địa tích hợp các hình thức văn hoá dân gian khác nhau như âm nhạc, ngôn ngữ, tri thức dân gian, ca hát, nhảy múa, nghề thủ công truyền thống, trang phục cùng với nghệ thuật trang trí, kiến trúc, ẩm thực…trong một thể thống nhất hoàn chỉnh và  trong đó yếu tố sân khấu kết hợp chặt chẽ với yếu tố tâm linh đã phần nào phản ánh tư duy cũng như nhận thức về tự nhiên, xã hội của cộng đồng. Tín ngưỡng này vừa bảo tồn các giá trị truyền thống ống nước nhớ nguồn, vừa được cộng đồng tái tạo tích hợp các giá trị văn hoá mới để thích ứng với điều kiện cuộc sống hiện đại, vì vậy nó có sức hấp dẫn cao đối với mọi người, nhất là những người theo tín ngưỡng Tam phủ, Tứ phủ. Gắn liền với sắc màu tín ngưỡng của người Việt thì hát văn đã xây dựng được nhiều kiểu gõ nhịp và một hệ thống làn điệu, bài bản phong phú với những quy ước về cách vận dụng cho từng hàng Thánh và từng loại Phủ. Quan trọng hơn hết vẫn là nhịp điệu và bộ gõ vì nó có vai trò đặc biệt trong sinh hoạt tín ngưỡng này. Chúng tạo nên một không khí hưng phấn cao và góp phần giúp người ngồi đồng có cảm giác thoát xác để nhập thân với các vị thánh, đồng thời kết hợp với yếu tố tâm linh chúng góp phần tạo nên một trạng thái tinh thần đặc biệt khiến người ta có thể thực hiện những việc mà ở trạng thái bình thường khó có thể làm nổi. Có một thời gian dài do bị hiểu sai và bị quy là mê tín dị đoan, chầu văn bị cấm và dần dần mai một. Tuy nhiên đến đầu những năm 1990, chầu văn được trả lại sự trong sạch và lại có cơ hội phát triển. Tuy nhiên, theo thời gian, các bậc nghệ nhân mẫu mực còn lại rất ít. Phần lớn trong số họ đã qua thế giới bên kia mà chưa kịp truyền lại hết những vốn liếng vô giá cho thế hệ tiếp nối. Trong số những nghệ nhân còn lại hiện nay thì nhiều người không chấp nhận xuất hiện vì thiếu lòng tin bởi sự ám ảnh của quá khứ. Vậy nên phần lớn các cung văn lớp kế cận đang hành nghề hiện nay đều chỉ nắm giữ được một phần những giá trị của truyền thống.

Loading...

Hát văn và nghi lễ chầu văn của người Việt ra đời trước hết với tín ngưỡng thờ thánh Mẫu và Tứ phủ được thực hành ở nhiều vùng miền của đất nước. Dựa trên căn cứ về lich sử tín ngưỡng Tứ phủ thì hát văn là một trong những thể loại hình thành sớm hơn các thể loại dân ca khác. Xuất phát từ hình thức diễn xướng dân gian trong các lễ hội, nghệ thuật chầu văn ra đời gắn liền với nghi thức tụng ca công đức của Thánh mẫu Liễu Hạnh và đức thánh cha Trần Hưng Đạo. Không gian của nghệ thuật chầu văn là các đền, phủ, thường có kết hợp với hầu bóng. Người xưa quan niệm đó là phương thức hữu hiệu để mọi người có thể giao tiếp với Mẫu với chư vị thần linh nhằm bày tỏ lòng biết ơn và hướng thiện.

Loading...