Sau khi đọc phần 1 các bạn đã thấy được một phần câu chuyện. phần này sẽ làm sáng tỏ bản chất của việc “Bán lược cho sư”
Hai năm sau, trong hội nghị thương mại toàn Trung Quốc, Lưu Bị vô tình gặp lại Lã Bố.
Cố nhân tương phùng, ai nấy đều cao hứng. Lã Bố cho biết, sau khi ba người ra đi, công ty Kỳ Diệu phát triển chóng mặt, không chỉ chiếm lĩnh thị trường bảo vệ sức khoẻ, mà còn tiến quân vào thị trường bất động sản, thành lập tập đoàn công nghiệp cổ phần Kinh Đô. Lã Bố đưa danh thiếp cho Lưu Bị, Quan Vũ, Trương Phi, chức danh để thật chấn động: Phó tổng giám đốc tập đoàn Kinh Đô.
Lã Bố nói:
– Chiều nay hội nghị kết thúc, mời các anh đi ăn đồ Tứ Xuyên, cả ba đến hết nhé.
Thật là phong độ đại gia của một doanh nghiệp trẻ.
– Các anh dạo này thế nào?– Sau ba tuần rượu, Lã Bố hỏi: có phần tự đắc. Lưu Bị rất khiêm tốn:
– Chúng tôi không dám sánh với phó tổng Lã, hiện chỉ làm quản lý cho một công ty nhỏ.
Lã Bố nói:
– Bạn bè với nhau, tôi nói thật, anh thật thà quá. Như tôi đây, lương một năm hơn hai triệu quan. Còn các anh, mỗi tháng lao lực vì hơn 1.000 quan. Có thể nói, các anh vất vả cả một đời không bằng thu nhập một năm của tôi. Chúng ta ai cũng hai tay hai mắt giống nhau, chỉ có đầu óc khác nhau thôi. Đầu óc khác nhau nên vận mệnh khác nhau.
Trương Phi vừa hớp hết ly rượu vừa hỏi:
– Phó tổng Lã, vì sao tháng nào anh cũng là quán quân bán hàng? Anh có vũ khí bí mật gì vậy? Chẳng lẽ đúng là có cách bán lược cho sư thật?
Lã Bố cười:
– Các anh đúng là quá thật thà – không – quá ngốc đến đáng yêu! Cả ba nghe mà sững sờ.
Lã Bố nói:
– Các anh có thấy sự tinh diệu trong câu chuyện “bán lược cho sư” không? Thử động não xem, nhà sư mua lược để làm gì? Các anh có thấy tận mắt họ mua không? Bán lược cho sư? Nhà sư trong câu chuyện thật ngốc, người nghe câu chuyện cũng thật ngốc, chỉ có người kể câu chuyện là vĩnh viễn thông minh.
Lưu Bị nói:
– Anh nói thế, tôi cũng đã từng nghĩ vậy. Anh X kiên trì chịu đánh mắng, cuối cùng mới được một nhà sư “mua” cho một chiếc lược. Giám đốc Đổng khen “kiên trì nhẫn nại”, e là vờ tâng bốc. Nhà sư “mua” một chiếc vì thấy anh ta đáng thương, đúng không? Vậy không thể nói X “bán” được một chiếc lược, đúng không? Nhận bố thí, sao có thể tính là thành tích được?
Quan Vũ cũng nói:
– Chuyện anh Y bán được 10 chiếc lược cũng rất đáng nghi. Anh ta nói để đầu tóc bù xù trước tượng Phật là bất kính, vậy chải đầu trước tượng Phật có là kính trọng không?
Trương Phi vỗ đùi, nói to:
– Đúng rồi, chuyện ông Z cũng giả! Nhà sư mua một chiếc lược còn hiềm tiếng phong hoa tuyết nguyệt, mua đến 1.000 chiếc càng không thể được. Nếu là phương trượng, tôi nhất định không để mang tiếng cửa Phật như vậy.
Lưu Bị nói:
– Đúng vậy, lược và tích thiện liên can gì nhau? Chẳng thà tặng khách tranh thiền hay trà, trên hộp trà đề
“thiện khí nghinh nhân” (khí thiện đón người ) còn phải lẽ hơn kiểu tặng lược lăng nhăng kia.
Ba anh em tỉnh ngộ, hoá ra câu chuyện “bán lược cho sư” hoàn toàn bịa.
– Thế nhưng…- Lưu Bị nhìn Lã Bố ngờ vực: – Anh chẳng bán được 999 chiếc đó sao?
Lã Bố uống sạch ly bia, nói rành rọt cho ba anh em:
– Trong thời gian thử thách, đúng là tôi bán được 999 chiếc lược.
– Sao anh làm được? – Cả ba hỏi đầy ngờ vực.
– Tôi à! – Lã Bố cười đắc ý: – Chẳng phải Đổng Trác dùng lương 16.000 quan làm mồi nhử đám nhân
viên tiếp thị chúng ta sao? Muốn chỗ làm ngon, rất nhiều người đã bỏ tiền ra tự mua hàng…
Trương Phi nói:
– Việc đó tôi biết rồi. Nhưng anh làm thế nào? 999 chiếc lược, phải đến mấy trăm ngàn quan, anh lấy đâu
ra tiền để mua?
Lã Bố cười:
– Thế nào là khôn sống mống chết, là cá lớn nuốt cá bé? Là từ cái đầu mà ra! Vì thế, các nhà kinh doanh đều chăm chăm vào bọn ngốc. Đổng Trác thế nào, Lã Bố này thế đó. Ông ta dùng lương tháng 16.000 quan làm mồi nhử đám tiếp thị; tôi cũng làm y cách đó, tìm một bọn tiếp thị để nhử mồi.
Ba anh em sững sờ. Đúng là thương trường như chiến trường, bước bước là mưu kế. Trương Phi hỏi:
– Anh bán được 999 chiếc, sao không phải là 1.000? Lã Bố lắc đầu:
– Đến việc đó mà anh cũng không hiểu? Đổng Trác tự nhận là Z bán được 1.000 chiếc lược, tôi sao có
thể cướp kỷ lục của ông ta được? Trương Phi “a” một tiếng.
– Các anh biết không? – Lã Bố tiếp tục: – Công ty Kỳ Diệu phát triển thành tập đoàn Kinh Đô hôm nay là nhờ vào biện pháp truyền tiêu của tôi. Trong mấy trăm triệu doanh thu hàng năm của công ty, có đến 90{51d7edc44fad4ff8d4501dbeafa74d5024722e2fcded15682eb80efa1ad53c3c} là tiền túi của nhân viên tiếp thị. Các anh bảo có kỳ diệu không?
Ba anh em lại sững sờ. Đám nhân viên tiếp thị ngốc nghếch không thể ngờ rằng chính họ là nhũng nhà sư trong câu chuyện bịa!
Mặt đỏ tưng bừng, dựa người thoải mái trên ghế, châm một điếu thuốc, nhả đôi vòng khói.
Thực tế ở Việt Nam hiện nay, Kinh doanh Đa Cấp Đã trở nên biến tướng gây nên những đánh giá xấu về nó. Giá trị mà người tiêu dùng phải trả cho sản phẩm không phải là giá trị thực của nó. Chất lượng cũng không tốt và kỳ diệu như những gì các công ty tung hô. Các mức thu nhập khủng cũng không bao giờ xảy ra như lời của các thủ lĩnh mụ mị người tiêu dùng.
Nghệ Thuật Marketing hay Bán Hàng Đa Cấp….cái gì cũng có tính hai mặt tiêu cực và tích cực. Chúng ta phải biết cách sử dụng tính chất nào để tạo ra những giá trị bền vững. Thay lời kết, Tôi muốn nhắc lại câu nói của Lã Bố trong câu chuyện trên:
“Nhà sư trong câu chuyện thật ngốc, người nghe câu chuyện cũng thật ngốc, chỉ có người kể câu chuyện là vĩnh viễn thông minh.”