Triết lý nhân sinh của Phật giáo đã ảnh hưởng khá sâu đậm tới lối sống nếp nghĩ của người Việt. Phương châm “tự độ độ tha, tự giác giác tha” nhắc nhở con người sống không phải vì mình mà còn phải vì người khác trong cộng đồng. Cộng đồng có ý nghĩa nhất với mỗi con người là gia đình. Trong gia đình cha mẹ là người có công sinh thành dưỡng dục. Phận làm con phải biết thờ phụng cha mẹ, tổ tiên. Người Việt tin đạo Phật thể hiện lòng biết ơn cha mẹ bằng việc:
Đêm đêm khấn nguyện Phật trời
Cầu cho cha mẹ sống đời với con.
Ảnh hưởng Phật giáo trong tục thờ cúng tổ tiên của người Việt trước tiên được biểu hiện trong phương diện thời gian. Ngoài ngày kỵ nhật (ngày giỗ) hay trong nhà có chuyện vui buồn đột xuất hoặc những biến cố… người Việt đều tiến hành thờ cúng tổ tiên.
Về phương diện nghi lễ thì quy định bất thành văn nhưng được người Việt tuân thủ đó chính là khi tiến hành thờ cúng tổ tiên người Việt luôn khấn “Nam mô a dì đà Phật” ba lần sau đó mới khấn tổ tiên.
Về mặt nghi thức thì ảnh hưởng qua lại của Phật giáo và tục thờ cúng tổ tiên được biểu hiện ở hình thức cầu siêu hoặc rước chân nhang lên chùa. Sở dĩ thờ tục thờ cúng tổ tiên được người Việt vận dụng ảnh hưởng Phật giáo là do tục thờ cúng tổ tiên của người Việt có một xuất phát điểm là hướng về cội nguồn. Khi đem Phật giáo vào tục thờ cúng tổ tiên và ngược lại là người Việt chỉ muốn tìm đến chỗ dựa tinh thần có tính chất hệ thống cho tâm linh của người đã khuất và người đang sống.