Chùa Tiên Phúc có tên chữ là ‘Tiền Phúc Tự’, tên nôm là chùa Bà Nành, ở nhà số 27 phố Văn Miếu, quận Đống Đa, Hà Nội.
Theo sử sách thì có hai truyền thuyết về việc xây ngôi chùa này. Truyền thuyết thứ nhất là chùa trước kia được dựng lên để thờ một bà cụ bán hàng không rõ tên tuổi. Bà cụ thường bán nước chè, đậu nành cho các học trò Trường Quốc Tử Giám. Lại có tư liệu nói thêm là chùa dựng và đầu triều Lê, thế kỷ XV trên nền quán hàng nước của cụ già ấy và có lần vua Lê Thánh Tông (l460-1497) đến thăm Quốc Tử Giám đã ghé vào vãn cảnh chùa.
Truyền thuyết thứ hai với một câu chuyện gắn liền với một bối cảnh tình thơ đầy lãng mạn. Ấy là từ đầu thế kỷ XIII, vua nhà Lý đã cho dựng ngôi chùa này. Chùa làm trên một cái gò có hình dáng trông như một cái bình đựng rượu, do đó còn có tên là Ngọc Hồ. Đến đời nhà Trần thì chùa đổi tên là Tiên Phúc vì theo lời đồn đại trong dân gian, thỉnh thoảng người ta vẫn thấy có nàng tiên xuất hiện thướt tha trước sân chùa. Được gặp tiên là một mong muốn không chỉ của người dân thường mà cả của bậc đế vương, cho dù đó mới là tin đồn. Thế rồi một ngày nọ, vua Lê Thánh Tông đến chùa, lững thững đi ngắm cảnh (có thể ngài vừa thăm Quốc Tử Giám xong). Bỗng từ trên gác chuông thấy hiện ra một người con gái đẹp đang nhàn nhã thả hồn vào cảnh thiền rồi thong thả ngâm nga mấy câu thơ thánh thót, véo von:
Ở đây mến cảnh, mến thầy
Tuy vui đạo Phật, chưa khuây lòng người.
Nhà vua mừng rỡ cho rằng mình đang gặp mặt một nàng tiên nên khẩn khoản mời mọc:
Nàng là ai mà có lời thơ hay vậy?
Ta cũng thích văn chương, nàng có thể cùng ta xướng họa để kỷ niệm ngày gặp gỡ tuyệt vời này không?.
Người con gái không tỏ vẻ ngượng ngùng hay bối rối mà nhoẻn miệng cười tươi tắn:
Nhà vua thích xướng họa với thiếp ư?
Vậy xin nhà vua cho biết trước lời châu ngọc?.
Vì muốn trổ tài xuất khẩu thành thơ của mình nên nhà vua mời cô gái ra đề trước, nàng ung dung đề nghị nhà vua lấy hai câu thơ lục bát mà nàng vừa ngâm lúc trước để làm đề. Nhà vua bèn đọc bài thơ họa như sau:
“Ngẫm sự trần chuyện khéo nực cười
Tuy vui đạo phật chửa khuây người
Chày kinh mấy khắc tan niềm tục
Hồn bước ba canh lẫn sự đời
Bể thẳm muôn tầm mong tát cạn
Sóng ân ngàn trượng dễ khơi vơi
Nào nào cực lạc là đâu tá
Cực lạc là đây chín rõ mười”
Ngâm xong bài thơ, nhà vua đầy vẻ tự hào hỏi cô gái xem nàng bình phẩm bài thơ thế nào? Cô gái mỉm cười mà rằng: Thơ quả là hay. Song nếu được phép thì thiếp cũng muốn thay đi vài chữ. Nhà vua tuy thoáng sửng sốt nhưng cũng đồng ý. Cô gái bèn đọc lại cả bốn câu thơ ở giữa bài đã sửa thành:
“Gió xuân đưa kệ tan niềm tục
Hồn bướm mơ tiên lẫn sự đời
Bể khô muôn tầm mong tát cạn
Nguồn ân ngàn trượng dễ khơi vơi…”
Vua Lê Thánh Tông giật mình chắp tay: Xin bái phục và mong nàng cho nghe bài thơ họa?. Cô gái lại cười: Thật ra khi lấy hai câu lục bát làm đầu đề, vô tình thiếp đã xướng rồi đấy. Bài của nhà vua rõ ràng là đã họa ý thiếp, còn bảo thiếp họa thêm làm gì nữa?. Nhà vua càng lúng túng trước trí thông minh của cô gái bèn ngập ngừng bày tỏ ý muốn mời nàng về cung để cùng bàn chuyện văn chương, cô gái không từ chối, thong thả bước lên kiệu vua đang chờ ngoài cổng chùa! Nhưng đến cổng thành phía Nam thì mấy người đang chạy chân kiệu bỗng thấy chiếc kiệu nhẹ bẫng, họ ghé mắt nhìn qua mành lụa thì chỉ thấy chiếc kiệu trống, không thấy cô gái đâu nữa, bèn hốt hoảng báo với nhà vua. Ngài đành chép miệng: Thôi chắc đúng là tiên rồi. Chỉ có tiên mới có phép biến hóa như vậy. Thế là trẫm gặp may mà chẳng được may. Và cũng vì bùi ngùi thương nhớ nàng tiên thơ ấy nên nhà vua xuống chỉ cho dựng một cái lầu cao ở ngay chỗ nàng tiên đã biến mất và đặt tên là Vọng tiên lâu (Lầu ngóng tiên). Lầu này xưa kia ở cửa Đại Hưng, bây giờ là đầu phố Hàng Bông, chỗ vườn hoa Cửa Nam.
Năm Đinh Hợi (1887), vào đời vua Đồng Khánh, chùa Tiên Phúc được tu sửa lớn. Cấu trúc phía ngoài có tam quan, bên trong hình chuôi vồ chia làm hai nơi tiếp khách và bàn thờ có tượng Phật. Chùa cúng thờ Bà Nành bên cạnh bàn thờ Phật nên trong chùa còn hưu giữ một phiến đá hình chữ nhật, tương truyền vốn là nơi bà cụ bày hàng nước để bán.
Chùa Bà Nành – Tiên Phúc ngoài giá trị lịch sử văn hóa tự thân, còn được coi là một di tích nằm trong quần thể di tích lịch sử Văn Miếu – Quốc Tử Giám.
Chùa đã được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ VH,TT&DL) xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật ngày 12-12-1986.