Đại Đức Thích Tâm Nguyên thuyết pháp về chủ đề “Những người giàu có nhất hành tinh” tại chùa Hoằng Pháp rất đáng để nghe. Giàu nghèo là hai phạm trù cơ bản được nhắc đến trong đời sống con người, nhưng thực sự bản chất của hai điều này ra sao? Liệu một người thiếu ăn có được xem là nghèo và người ăn mặc xa hoa đã là người giàu có nhất hành tinh?
Theo nghĩa thông thường thì giàu được hiểu là người có sở hữu về vật chất nhiều, còn người không có sở hữu như thế thì được xem là nghèo. Cùng là thân phận con người, nhưng có những người được sống trong nhung lụa, không mảy may lo cơm áo gạo tiền, còn có những người nghèo khổ làm cả đời cũng không đủ ăn.
Nhưng có một thực chất căn nguyên rằng, có những người làm giàu theo con đường chân chính và ngược lại nhiều người cũng bất chấp thủ đoạn để được giàu sang, tiền bạc. Và một người tuy bề ngoài sang trọng, nhà cao cửa rộng nhưng không có được sự thanh thản trong tâm hồn, cũng chưa hẳn đã là người giàu. Và người hằng ngày chỉ cơm cạnh đạm bạc nhưng trong nhà luôn đầm ấm hạnh phúc, họ chưa chắc đã nghèo. Nên có thể nói người giàu là người không có sự khổ.
Giàu hay nghèo là tự mình cảm nhận, đừng đợi chờ sự đánh giá từ người khác vì họ không phải là mình. Họ không thể biết được trong mỗi người kia có gì, thực sự đang như thế nào.
Chính vì thế nên trong cuộc sống của mỗi người, phấn đấu để có được điều tốt đẹp, đời sống no ấm là cần thiết, là tốt nhưng đừng quá xem trọng điều đó để rồi rước về trong tâm can bao nỗi muộn phiền, đau khổ, đối nghịch với vẻ bề ngoài.
Nói tóm lại, giàu hay nghèo không thể lấy tiền của để đo lường, mỗi người có thể không phải người giàu sang, nhưng đừng để tâm mình nghèo, vì năng lượng bên trong là vô tận và chỉ là việc mỗi người biết khai thác nó hay không mà thôi.