Ớ cuối rặng Tùng, về phía trái, có một lối mòn rẽ sang gò đất cao. Gò đất tròn đầy như mâm xôi, cao gần ba mét, bên trên có Tùng và có Tháp, được gọi là Hòn Ngọc.

Truyền thuyết về hòn ngọc

Tục truyền: Ngày xưa, Đạo sỹ An Kỳ Sinh về núi hái thuốc luyện Linh Đan. Khi ngang qua đây, ông giật mình sửng sốt, bởi nhận ra triền núi cao trước mặt giống hệt như mặt con Rồng, có trán, mắt, mũi, miệng Rồng đủ cả. Miệng Rồng phát ra thứ ánh sáng kỳ lạ. Bằng con mắt pháp thuật, ông nhận ra đó là viên Ngọc Rồng, do tinh khí của đất trời tạo nên. Ông ta biết vậy, lặng lẽ lên đỉnh núi.

Vài ngày sau, ông ta xuống núi, đến chỗ viên ngọc Rồng bữa trước. Một cảnh tượng dị thường đang diễn ra trước mắt: Vạt đất chuyển rung. Một gò đất mới được tạo ra – viên ngọc trong miệng Rồng đã nhả. Khí thiêng phun ra, tỏa mù mịt.

Vì quá kinh hoàng trước cảnh đó, An Kỳ Sinh vội vã chạy lên núi. Chưa kịp lên tới đỉnh, ông ta chết đứng và hóa đá. Gò đất mới sinh là Hòn Ngọc.

Thực ra, Hòn Ngọc chỉ là đỉnh chóp của ngọn núi thấp hơn du khách vừa trèo qua. Khi vượt đỉnh núi, ta thường quên cái lớn lao của núi. Nhìn Hòn Ngọc, khác nào gò đống ở đồng bằng.

Loading...

Hòn Ngọc xưa kia rộng rãi cao lớn hơn bây giờ. Hơn hai mươi năm trước, có đơn vị địa chất đã mở một con đường cho xe leo núi lên Hòn Ngọc. Họ dùng xe gạt bạt một phần Hòn Ngọc làm đổ tùng, xiêu tháp.

Vườn tháp Hòn Ngọc ở độ cao hơn 400m (so với mặt nước biển). Có các tháp, mộ của Tăng, Ni tu hành và viên tịch tại Yên Tử từ thời Hậu Lê đến đầu thời Nguyễn. Nơi đây, có những cây Tùng cổ tạo nên vẻ đẹp tôn kính trầm mặc. Vườn tháp Hòn Ngọc hiện có 8 ngôi tháp và có 3 ngôi khá nguyện vẹn. Đó là tháp, mộ của các Thiền sư: Giác Liễu, Diệu Tường, Thích An An tu ở chùa Hoa Yên vào thời Lê Cảnh Hưng (1740 – 1786).

Loading...