Người Phật Tử luôn tin rằng Đức Phật luôn hiện hữu, theo sát và độ trì cho họ trong mỗi công việc. Do vậy họ luôn tưởng nhớ đến Ngài. Vấn đề thờ cúng của người Phật tử đã hình thành, tồn tại và phát triển trên cơ sở quan niệm tâm linh và một nền tảng kinh tế xã hội tư tưởng khá bền vững. Chính vì vậy mà tín ngưỡng này đã được bảo tồn qua suốt tiến trình lịch sử nhiều biến động. Tục lệ thờ cúng là một mỹ tục, nhưng nếu không hiểu biết và không làm đúng ý nghĩa thì trở thành hình thức mê tín và Phật giáo gọi hình thức mê tín ấy là giới cấm thủ.

Thờ cúng trong văn hóa nhà Phật

Quan điểm của Phật giáo về thờ cúng

Người Phật Tử thờ Phật hay các bậc giác ngộ trong Phật giáo là vì nguyện học tập theo hạnh nguyện của các Ngài chứ không phải để nương dựa và cầu xin. Còn những vị thần như  ông địa, thần tài chỉ là các vị thần linh trong các nền văn hóa dân gian du nhập vào tín ngưỡng chứ vốn dĩ không có liên quan đến Phật giáo chính thống. Hầu hết mọi người thờ thần linh đều cầu mong được giúp đỡ hay ban phước như vậy là không đúng với tinh thần học Phật. Các Phật tử có thể vẫn thờ  các vị thần theo tín ngưỡng dân gian nhưng có thể chấp nhận được nếu như  họ thờ với tấm lòng kính trọng chứ không phải là nương tựa. Tâm họ phải luôn nhớ rằng không thể nương tựa vào các vị thần linh để đạt được hạnh phúc, chỉ có thể dùng trí tuệ để giải quyết khổ đau mà thôi. Thần linh không thể giúp ích mấy cho ta trên con đường sinh tử luân hồi được. Mỗi người phải tự mình thắp đuốc để bước đi trên con đường đời. Phật tử mà mê muội thần quyền thì không thể gọi là Phật tử vì lời Phật dạy về nhân quả nếu ta không hiểu thì suốt ngày chỉ biết nương tựa thần linh mà không biết tự thân đứng vững. Do vậy những người Phật Tử nên nhớ rằng Phật tử là học Phật chứ chưa phải là Phật, tùy cấp độ mà cố gắng nhiều hơn.

Thờ cúng như thế nào cho đúng?

Việc thờ cúng là vấn đề tâm linh, là điều thiêng liêng đã thấm vào máu thịt mỗi người. Trong xã hội Việt từ cổ đại đã tồn tại mối quan hệ sâu sắc xây dựng trên cơ sở huyết thống. Do vậy việc thờ cúng đã được chắt lọc từ ngàn đời, được hấp thụ tinh hoa từ các tôn giáo và trở thành một trong những gia bảo tinh thần đáng quý của tổ tiên để lại mà lớp hậu sinh cần coi trọng, tất nhiên có cải tiến cho phù hợp với thời đại. Ngoài thờ tổ tiên người ta còn thờ Thần linh, thờ Phật. Nhưng người hiểu đúng vấn đề thờ cúng thì rất ít. Hơn nữa ý nghĩa và giá trị của vấn đề thờ cúng thì bị sách báo sao chép sai lạc và theo trào lưu chung thương mại hoá hiện nay thì vấn đề này dễ bị hiểu sai như một hoạt động mê tín và không tạo được niềm tin vững chắc cho thế hệ con trẻ. Bên cạnh đó, trong thời kinh tế mở đã xuất hiện ngày càng lắm người lợi dụng niềm tin và sự hiểu biết thiếu căn bản nhưng lại hay bắt chước của đa số dân chúng nên đã lái nhiều vấn đề tâm linh thành tín ngưỡng mù quáng  để trục lợi. Thực tế đã có những nghi thức vô nghĩa đã khiến cho việc thờ cúng trở nên bí hiểm và gây nhiều tốn kém. Điều này vừa thiệt cho tín chủ vừa ảnh hưởng đến xung quanh và đến xã hội.

Loading...

Ý nghĩa việc thờ cúng của người Phật tử

Tạo sự tôn trọng, tưởng nhớ đối với tổ tiên

Thông qua nghi lễ thờ cúng tổ tiên, người Phật tử gửi gắm tình cảm biết ơn đồng thời dấy lên lòng hiếu thảo nhân nghĩa đối với tổ tiên và với những người đã khuất. Thờ  cúng tổ tiên bắt nguồn từ lòng hiếu thảo, đạo ông bà đây chẳng qua cũng là sự tiếp nối của đạo hiếu. Họ tin rằng sau khi mất, ông bà tổ tiên không hoàn toàn biến mất mà vẫn còn mối liên hệ với con cháu nên phận làm con phải lo trọn chữ hiếu, phải thực hiện những bổn phận như ông bà, tổ tiên còn sống. Sở dĩ đạo Phật không bài bác việc thờ kính Tổ tiên như là một sự mê tín đi trái giáo lý của Phật dạy, mà ngược lại còn kết hợp văn hóa đặc thù này một cách nhịp nhàng và khéo léo với tư tưởng tương duyên tương sinh của đạo Bụt. Sự kết hợp khéo léo này khiến ngày Lễ Vu Lan của người Việt không còn chỉ là ngày lễ hội truyền thống Phật giáo mà còn là ngày vinh danh Tổ tiên, ông, bà, cha mẹ dù còn sống hay đã mất.

Tạo sự thanh thản, thoái mái tinh thần

Mối quan hệ giữa những người sống và những người chết cùng chung huyết thống lại càng gắn bó hơn. Trong vòng hai, ba đời thì đó còn là những kỷ niệm rất cụ thể và sâu sắc. Ông bà, cha mẹ dù qua đời nhưng vẫn luôn hiện diện trong tâm tưởng của con cháu và con cháu luôn cảm thấy trách nhiệm cả về vật chất lẫn tinh thần đối với họ. Niềm tin vào việc ông bà và tổ tiên có thể sẽ dõi theo cũng như phù hộ độ trì cho con cháu sẽ phần nào giúp họ cảm thấy thanh thản và thoải mái tinh thần hơn. Hơn nữa thờ cúng tổ tiên còn là hình thái tín ngưỡng có ý nghĩa lớn về mặt tổ chức cộng đồng trong xã hội truyền thống. Sống trong xã hội thì bản thân con người không thể sống biệt lập, đơn độc. Và việc thờ cúng tổ tiên là sự nối tiếp liên tục các thế hệ ông bà cha mẹ và bản thân. Vì vậy mỗi người đang sống phải có trách nhiệm thờ cúng tổ tiên.

Gìn giữ phong tục thờ cúng của dân tộc

Chúng ta cần chống lại nạn mê tín dị đoan. Có những kẻ đã lợi dụng phong tục thờ cúng tổ tiên để phát triển việc bói toán hay lên đồng. Chúng ta cũng không ủng hộ những gia đình giàu có, có chức quyền nhân dịp giỗ tết của gia đình đã tổ chức linh đình làm cỗ sang trọng rồi mời nhiều khách đến dự, đặc biệt là cấp trên có quyền lực. Họ muốn thông qua việc tổ chức những ngày giỗ tết, ăn uống để làm ăn dễ dàng hơn sau này mà không phải lòng thành tâm đối với công lao tổ tiên, ông bà cha mẹ đã khuất. Đó chỉ là lợi dụng phong tục thờ cúng để mưu lợi ích cho cá nhân và gia đình mình. Tóm lại, chúng ta cần phát huy ý nghĩa tích cực của việc thờ cúng và mỗi người cần hiểu rằng việc thờ cúng là sự kết tinh và phát triển các giá trị đạo đức, văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc Việt Nam. Những giá trị ấy góp phần bồi đắp lòng yêu nước thương nòi giống, đạo lý uống nước nhớ nguồn và xây dựng đời sống tinh thần phong phú trong thời đại mới. Không gì khác, chính từ những giá trị đó đã làm nên sức sống trường tồn của dân tộc Việt Nam trước bao biến cố của lịch sử mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước.  Phong tục thờ cúng tổ tiên có tính truyền thống, được duy trì bền vững ở các gia đình Việt Nam hiện nay.

Những hình thức thờ cúng phổ biến

Về hình thức thờ cúng ở tư gia

Đối với người phật tử chỉ nên dựng lập hai bàn thờ là bàn thờ đức Phật và bàn thờ tổ tiên . Người phật tử Nam Tông chỉ thờ duy nhất hình hoặc tượng Phật Thích Ca, vì là bậc đạo sư mình quy y.Vị trí thiết lập bàn thờ là ở nơi trịnh trọng nhất trong nhà, có thể là nơi nhà giữa hay nơi phòng khách hoặc nơi một căn phòng riêng biệt, hơn nữa bàn thờ Phật nên đặt cao hơn bàn thờ tổ tiên.

Hình thức thờ cúng tổ tiên

Thờ cúng tổ tiên là hình thức tín ngưỡng mà thông qua nghi lễ thờ cúng nhằm xác lập mối liên hệ giữa người sống với người chết, giữa người ở thế giới hiện tại và thế giới tâm linh. Nếu như tôn giáo thường tuyệt đối hóa đời sống tinh thần, hướng con người về thế giới siêu thoát thì tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, tuy có hướng con người về với quá khứ song lại rất coi trọng hiện tại và tương lai.

Thờ hình tượng Phật

Ðể thể hiện lòng tôn kính với vị đạo sư, Phật tử có thể vẽ họa hình tượng đức Phật để tôn thờ tùy ý. Tín đồ của một tôn giáo đối với vị giáo chủ của mình thường biểu lộ trọn vẹn sự tôn kính tuyệt đối. Là Phật tử cần hiểu đức Phật và cố gắng theo học lời dạy của ngài, thờ Phật ít ra cũng đủ ba phương diện là tri ân, ngưỡng mộ và tôn kính.

Những kiêng kỵ trong khi thờ cúng

Việc bài  trí bàn thờ

Trên bàn thờ Phật chỉ nên đặt một lư hương, đôi đèn, một bình hoa tươi, có thể thiết kế thêm đèn bóng cho sáng. Trên bàn thờ tổ tiên cũng bày biện như  ở bàn thờ Phật và có thể thêm một đĩa quả . Phật giáo Nam Tông không sử dụng pháp khí chuông mõ, nên người phật tử Nam Tông không thờ chuông mõ trên bàn thờ.

Kiêng kỵ về đồ lễ trên bàn thờ

Quan trọng nhất là hương hoa, tức hương thắp, hoa quả tươi và nước sạch. Và tuyệt đối không được sử dụng các loại đồ giả như hoa quả làm bằng nhựa. Đồ thờ cúng xong rồi nên bỏ xuống để thụ lộc, tránh bày để từ tháng này qua tháng khác. Và tuyệt đối không để lễ mặn, hay tiền mặt lên bàn thờ.

Nghi lễ cúng bái

Trong nhà đã có lập nơi thờ phụng, nhất là có thờ Phật thì người phật tử nên cúng bái hằng ngày hai thời sáng và chiều tối. Cúng dường hoa tươi ít nhất mỗi tháng hai lần, ngày rằm và 30 hoặc chưng bình hoa vải hay hoa nylon. Mỗi sáng tối dâng hương thì thắp ba nén hương trên mỗi chỗ thờ. Những lúc dâng hương đăng, đảnh lễ Phật 3 lạy. Nếu trong gia đình thuận dòng tu tập thì mỗi tối hoặc sáng, các phật tử trong gia đình họp lại tụng kinh lễ bái Tam bảo và những bài kinh quán tưởng tu tập. Vào những dịp tổ chức lễ tại tư gia như chúc thọ, cầu an, trai tăng, giỗ kỵ … có thỉnh Tăng về nhà để cúng dường, thì phải trang hoàng bàn thờ, dâng hương đăng hoa quả sau đó mới làm nghi thức cúng dường Tăng. Người phật tử Nam Tông chỉ cúng dường trên bàn thờ Phật những cúng phẩm là nhang, đèn, bông hoa, dầu thơm, tuyệt nhiên không bày cúng thức ăn trên bàn thờ Phật. Nói tóm lại, người phật tử thờ phượng đức Phật tại tư gia với tâm niệm tỏ lòng kính ngưỡng và cũng để gợi nhắc mình phải noi gương lành của đức Phật việc thờ cúng phải có ý nghĩa đúng với chánh kiến tu tập, không nên làm theo sự mê tín dị đoan.

Làm thế nào để việc thờ cúng không bị biến chất?

Việc thờ cúng nhằm nhớ và báo ơn những đấng sinh thành và những người đã từng hy sinh để gây dựng nên dòng họ. Đồng thời việc làm đúng đắn này còn giúp giáo dục con cháu về cội nguồn,  tiếp nối sự nghiệp hiển vinh dòng họ. Đây còn là kết quả của quá trình sử dụng năng lực tâm linh thành kính. Và khi đó người mình cúng sẽ có khả năng phù giúp mình hiệu quả hơn. Nhưng muốn phát huy được tác dụng của thờ cúng  thì điều cốt nhất là phải có tâm thành, có đức tin và phải chân thật. Việc thờ cúng của người Phật tử là một mỹ tục khi mà sự thờ cúng ấy nhằm để biểu lộ sự tôn kính, sự ngưỡng mộ và sự biết ơn. Người phật tử thờ đức Phật vì lòng tôn kính một Đấng Giác Ngộ đã vạch ra con đường giác ngộ cho chúng sinh. Con người phải biết rằng nếu như thờ cúng vì tin rằng thờ bái vật linh thiêng sẽ phù trợ, thì đó là hình thức mê tín và bản thân người phật tử chân chính sẽ không bao giờ thờ cúng với quan niệm như vậy.

Vấn đề thờ cúng của người Phật tử là một cung cách rất thiết yếu của ngư­ời có tín ng­ưỡng đối với hiền thánh mà bổn phận làm ngư­ời không thể thiếu trong việc cải tiến bản thân, cũng như­ xây dựng xã hội an lạc thật sự về ph­ương diện tâm linh. Thờ cúng cũng là một ph­ương thức giáo dục con người ý thức truyền thống tổ tiên, lý t­ưởng giống nòi và tín ngư­ỡng để họ làm tròn bổn phận làm ngư­ời. Nhất là người Phật Tử, chúng ta phải thờ cúng nhằm thể hiện tâm linh để cầu mong Tam Bảo phù hộ cho mình đ­ược an lành trên con đư­ờng giác ngộ và giải thoát.

Loading...